Các nhà chức trách thông tin, thêm hai người ở Guinea Xích Đạo mất vì bệnh sốt xuất huyết Marburg, nâng tổng số ca tử vong lên 11.

“Hai ngày trước, hệ thống giám sát đã ghi nhận 8 thông báo, bao gồm cái chết của hai người có triệu chứng sốt xuất huyết do virus Marburg”, Bộ trưởng Y tế Guinea Xích Đạo, Mitoha Ondo'o Ayekaba, cho biết vào ngày 28/2. 

Theo MSN, tuyên bố của Bộ trưởng Ayekaba được thông báo trên truyền hình quốc gia. Cơ quan chức năng nói, họ vẫn đang tiến hành những việc cần làm để tăng cường đánh giá về sự lây lan của dịch bệnh.

48 trường hợp tiếp xúc gần với 2 ca tử vong đã được thống kê. Trong đó, 4 người xuất hiện các triệu chứng bệnh, 3 người đã cách ly trong bệnh viện. 

1 Vu Tu Vong Do Virus Marburg Sau Dam Tang Them 2 Nguoi ChetMột nhà khoa học nghiên cứu virus Marburg khử trùng cho đồng nghiệp tại Công viên Quốc gia Queen Elizabeth ở Uganda vào năm 2018. Ảnh: Washington Post

Trước đó, Guinea Xích Đạo thông báo, có 9 người tử vong do Marburg vào tháng 1 và 2 sau khi dự một đám tang ở tỉnh Kie-Ntem. Ngày 14/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức phiên họp khẩn cấp để đánh giá tình hình. 

Virus Marburg là mầm bệnh hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, gây sốt nặng, thường kèm theo chảy máu và suy nội tạng. Loại virus này thuộc họ Filovirus đã gây ra một số đợt bùng phát trước đây ở châu Phi. 

Bắt nguồn từ loài dơi, virus Marburg lây lan giữa người với người qua tiếp xúc máu hoặc chất dịch cơ thể người bệnh (nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, phân, chất nôn, sữa mẹ, nước ối, tinh dịch) hoặc bề mặt nhiễm virus (quần áo, khăn trải giường, kim tiêm, thiết bị y tế). 

Theo các chuyên gia, con đường lây truyền như trên có mức độ nguy hiểm thấp hơn lây qua đường hô hấp. 

Theo WHO, thời gian ủ bệnh từ 2 ngày đến 3 tuần. Các triệu chứng bắt đầu đột ngột với sốt dữ dội và nhức đầu. Vài ngày sau khi khởi phát, nhiều bệnh nhân nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng kéo dài tới một tuần.

Các trường hợp nặng có kèm theo chảy máu trong tuần đầu tiên như nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu. Một số người chảy máu nướu răng, mũi và cơ quan sinh dục. Bệnh có thể lan đến hệ thần kinh khiến người mắc trở nên lú lẫn, dễ cáu gắt và hung dữ.

Hiện chưa có vắc xin và cách điều trị đặc hiệu cho bệnh Marburg. Tuy nhiên, việc chăm sóc hỗ trợ sớm, bù nước và điều trị triệu chứng giúp cải thiện tình trạng, tăng cơ hội sống sót. Ngoài ra, các nhà khoa học đang nghiên cứu vắc xin và một loạt các liệu pháp để điều trị bệnh bằng thuốc, sản phẩm máu, miễn dịch.

Theo Vietnamnet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC