Vùng đất không quốc gia nào muốn
Bir Tawil là vùng đất thực sự không có người nhận cuối cùng trên trái đất. Nó là một mảnh đất nhỏ bé của châu Phi không có nhà nước cai trị, không có cư dân thường trú sinh sống và không có luật lệ nào quản lý. Mảnh đất này có diện tích hơn 2000 km2, nằm giữa biên giới Ai Cập và Sudan.
Bir Tawil hoàn toàn là hoang mạc không có gì.
Để đến được vùng đất vô chủ này tất nhiên không dễ dàng. Đầu tiên, bạn phải bay đến thủ đô Khartoum của Sudan, thuê một chiếc xe jeep và đi theo con đường Shendi hàng trăm dặm đến Abu Hamed, một khu định cư có từ thời vương quốc Kush cổ đại.
Bạn cần lái xe vượt qua hàng loạt đồn điền, hoang mang đến điểm mà cây bụi hoặc cây cọ thỉnh thoảng rải rác đã biến mất từ lâu và nhường chỗ cho một đường chân trời bằng phẳng, dường như vô tận của cát và đá. Đến khi không còn thấy bất kỳ thứ gì nữa thì đó là Bir Tawil.
Bir Tawil hoàn toàn là hoang mạc không có gì.
Cả hai quốc gia lẽ ra có thể nhận Bir Tawil - Ai Cập và Sudan, đã từ bỏ nhận chủ quyền với vùng đất và không chính phủ nào khác có bất kỳ quyền tài phán nào đối với nó.
Lý do vì sao cả hai quốc gia đều không thèm Bir Tawil khá phức tạp. Nơi này chủ yếu là đất và cát, hoàn toàn không có đường sá, dân cư sinh sống hay tài nguyên thiên nhiên nên việc xác lập chủ quyền không mang lại bất kỳ lợi ích kinh tế nào.
Vị trí của Bir Tawil và Hala’ib trên bản đồ, biên giới giữa Ai Cập và Sudan có đường thẳng.
Điều đáng nói là nằm cạnh Bir Tawil là một mảnh đất hình tam giác lớn hơn nhiều tên Hala’ib. Vùng đất này cũng chỉ toàn cát và đá, nhưng có vị trí địa lý giáp Biển Đỏ nên có giá trị kinh tế nếu khai thác. Cả Ai Cập lẫn Sudan đều mong muốn sở hữu Hala’ib. Thế nhưng theo đường biên giới, mỗi quốc gia chỉ có thể có Bir Tawil hoặc Hala’ib chứ không thể tuyên bố chủ quyền với cả hai. Vì vẫn chưa tranh giành xong Hala’ib nên rõ ràng không bên nào muốn nhận lấy Bir Tawil.
Du khách có quyền tự xưng làm chủ
Việc Bir Tawil vô chủ tạo ra một nguyên tắc thú vị: Ai cũng có quyền xưng làm chủ nhân của nó nếu muốn, nhưng tất nhiên cũng không ai công nhận. Vào tháng 6 năm 2014, một nông dân 38 tuổi đến từ Virginia (Mỹ) tên là Jeremiah Heaton đã thực hiện ý tưởng điên rồ này.
Sau khi nhận được các giấy tờ cần thiết từ cơ quan quân sự Ai Cập, anh bắt đầu chuyến thám hiểm kéo dài 14 giờ nguy hiểm qua những hẻm núi xa xôi và những ngọn núi lởm chởm, cuối cùng tìm đường đến vùng đất không người ở Bir Tawil và cắm một lá cờ một cách đắc thắng.
Jeremiah Heaton giơ lá cờ Bir Tawil tự thiết kế.
Cô con gái 6 tuổi của Heaton, Emily, đã từng hỏi cha cô liệu cô có thể trở thành một công chúa thực sự hay không. Sau khi phát hiện ra sự tồn tại của Bir Tawil trên Internet, Jeremiah đã quyết định dành tặng món quà sinh nhật ý nghĩa này cho con. Anh trở thành vua của Bir Tawil thì Emily nghiễm nhiên cũng là công chúa.
Heaton đã viết trên trang Facebook của mình: “Tôi tuyên bố rằng Bir Tawil sẽ mãi mãi được gọi là Vương quốc Bắc Sudan. Vương quốc được thành lập như một chế độ quân chủ có chủ quyền với tôi là nguyên thủ quốc gia; và Emily trở thành một công chúa thực sự”.
Trước đó cũng đã có không ít du khách đến đây "xưng vương" như một trải nghiệm thú vị.
Các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội của Heaton đã được một tờ báo địa phương ở Virginia, Bristol Herald-Courier phát hiện và nhanh chóng trở thành công cụ thu hút người dùng trên khắp thế giới. CNN, Time, Newsweek và hàng trăm phương tiện truyền thông toàn cầu khác đã đưa tin về câu chuyện.
Heaton đã đáp lại bằng cách đưa ra lời kêu gọi huy động vốn từ cộng đồng toàn cầu nhằm giành được 250.000 USD để xây dựng “vương quốc” mới của mình. Tất nhiên, ý định này sau đó không thành công vì rõ ràng không ai công nhận sự “đăng quang” của Jeremiah Heaton. Bản thân anh cũng chỉ coi đó là một trải nghiệm thú vị.