Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 17/3 cho biết các nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) hồi cuối tháng 1 tải lên GISAID, cơ sở dữ liệu virus công cộng lớn nhất thế giới, trình tự gene thu thập tại chợ hải sản Hoa Nam đầu năm 2020, nơi phát hiện ba ca Covid-19 đầu tiên ở người hồi cuối năm 2019.
Dữ liệu này sau đó bị xóa, nhưng một nhà sinh vật học người Pháp tình cờ phát hiện và chia sẻ với nhóm nhà khoa học bên ngoài Trung Quốc đang tìm hiểu nguồn gốc Covid-19. Họ sau đó thông báo về phân tích của mình trên The Atlantic.
Dữ liệu cho thấy một số mẫu dương tính với Covid-19 được thu thập từ gian hàng bán động vật hoang dã trong chợ chứa gene của lửng chó. Phát hiện mới này không chứng minh lửng chó đã nhiễm nCoV, cũng không chứng minh lửng chó là động vật đầu tiên lây nhiễm nCoV cho người. Nhưng vì virus không tồn tại lâu trong môi trường bên ngoài vật chủ, việc tìm thấy nhiều vật liệu di truyền của virus lẫn với vật liệu di truyền của lửng chó gợi ý rằng chúng có thể là vật mang mầm bệnh, theo các nhà khoa học.
Lửng chó là loài động vật họ chó có nguồn gốc từ Đông Á, trông giống con lai giữa lửng và gấu mèo. Một số người Trung Quốc xem loài này là món ăn, theo Ellen P. Carlin, bác sĩ thú y tại Trung tâm Khoa học và An ninh Sức khỏe Toàn cầu của Đại học Georgetown, Mỹ.
Một con lửng chó tại sở thú Chapultepec, Mexico năm 2015. Ảnh: AFP.
Các chuyên gia khác chưa xác minh phân tích của họ và phân tích này chưa xuất hiện trên tạp chí bình duyệt. Hiện chưa chắc chắn nCoV bắt đầu gây bệnh cho người như thế nào.
"Những dữ liệu này không đưa ra câu trả lời dứt khoát về việc đại dịch bắt đầu như thế nào, nhưng mọi dữ liệu đều đưa chúng ta đến gần hơn với câu trả lời đó", ông Tedros nói, đồng thời chỉ trích Trung Quốc không chia sẻ thông tin di truyền sớm hơn. "Dữ liệu này có thể và nên được chia sẻ từ ba năm trước".
Stephen Goldstein, nhà virus học tại Đại học Utah, Mỹ đã tham gia phân tích dữ liệu và cho biết kết quả này là dấu hiệu cho thấy có thể động vật hoang dã nhiễm nCoV đã được bán tại chợ. Nhưng cũng có thể con người đã mang virus đến chợ và lây nhiễm cho lửng chó, hoặc những người bị nhiễm để lại dấu vết virus gần các con vật.
Ray Yip, nhà dịch tễ học và là thành viên sáng lập Văn phòng Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Mỹ tại Trung Quốc, cho biết những phát hiện này rất quan trọng, dù chúng không chắc chắn.
"Dữ liệu lấy mẫu môi trường chợ do CDC Trung Quốc công bố cho đến nay là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho giả thuyết dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật", Yip cho hay.
Xe chở nhóm chuyên gia WHO đến Viện Virus học Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc tháng 2/2021. Ảnh: Reuters.
Những nỗ lực xác định nguồn gốc đại dịch Covid-19 đã trở nên phức tạp bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự gia tăng lớn ca nhiễm ở người trong hai năm đầu đại dịch và tranh cãi chính trị ngày càng gay gắt. Các chuyên gia về virus đã mất hơn chục năm để xác định nguồn gốc động vật của dịch bệnh SARS.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đầu tháng này cho rằng nguồn gốc của Covid-19 rất có thể là sự cố tiềm ẩn trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đồng thời cáo buộc chính phủ Trung Quốc đã cố "ngăn cản và làm xáo trộn" cuộc điều tra của FBI, các cơ quan chính phủ Mỹ và đối tác nước ngoài về nguồn gốc đại dịch.
Trong báo cáo tình báo trình lên Nhà Trắng và nghị sĩ cấp cao cuối tháng trước, Bộ Năng lượng Mỹ, cơ quan quản lý nhiều cơ sở nghiên cứu sinh học, cho rằng nCoV có thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm, nhưng không liên quan đến chương trình vũ khí.
Giới chức Trung Quốc lâu nay vẫn phản đối kết luận rằng Covid-19 có thể bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Trung Quốc bác bỏ thông tin từ FBI và Bộ Năng lượng Mỹ, yêu cầu Washington "ngừng bôi nhọ" và "chính trị hóa nguồn gốc Covid-19".
Huyền Lê (Theo AP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET