Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/10 lên tiếng cảnh báo về tình trạng "Covid-19 kéo dài" đang tác động tới cuộc sống và sinh kế của hàng chục triệu người trên toàn thế giới.

1 Who Keu Goi Hanh Dong Khan Cap Giai Quyet Tinh Trang Covid 19 Keo Dai

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Reuters).

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng giám đốc WHO, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tác động kéo dài của Covid-`19 đang khiến các hệ thống y tế và nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.

Vì vậy, người đứng đầu WHO đã kêu gọi những nỗ lực bền vững để giúp những người vẫn đang phải chống chọi tình trạng Covid-19 kéo dài.

Theo ông, các nước cần ngay lập tức khởi động và duy trì nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng "rất nghiêm trọng" này.

"Thế giới chưa bao giờ ở trong tình thế tốt hơn để kết thúc đại dịch Covid-19, nhưng cũng đối mặt thực tế rất rõ ràng rằng, nhiều người bệnh vẫn đang phải trải qua những di chứng Covid-19 kéo dài", Tổng giám đốc WHO nói.

Covid-19 lây nhiễm cho hơn 600 triệu người và cướp đi sinh mạng của gần 6,5 triệu người trên toàn thế giới.

WHO ước tính, 10-20% những người sau khi đã khỏi bệnh vẫn bị các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức. Trong đó, phụ nữ bị tình trạng này nhiều hơn nam giới.

Vì không có giải pháp tốt nhất để điều trị, tình trạng Covid-19 kéo dài đang khiến cuộc sống của mọi người bị đảo lộn và nhiều người phải đối mặt với cảm giác lo lắng, bực bội khi phải chờ đợi được hỗ trợ hoặc hướng dẫn, ông Tedros cho biết thêm.

Việc có quá nhiều người bị ảnh hưởng do Covid-19 kéo dài cũng đang gây tác động nguy hiểm đến hệ thống y tế và các nền kinh tế vẫn đang quay cuồng với làn sóng lây nhiễm.

"Trong khi đại dịch đã thay đổi đáng kể đến các vấn đề y tế cũng như kinh tế, tác động của Covid-19 kéo dài đối với tất cả các quốc gia là rất nghiêm trọng và cần phải có hành động ngay lập tức và lâu dài tương đương với quy mô của vấn đề này", ông Tedros nhấn mạnh.

Theo ông, các quốc gia hiện phải "nghiêm túc tăng cường" cả nghiên cứu về tình trạng bệnh và khả năng tiếp cận để chăm sóc những người bị ảnh hưởng. Điều này sẽ giúp người bệnh "giảm thiểu sự khó chịu" và còn giúp bảo vệ hệ thống y tế cũng như lực lượng lao động.

"Vào giai đoạn đầu của đại dịch, điều quan trọng là các hệ thống y tế quá tải phải tập trung toàn bộ nỗ lực cứu sống những bệnh nhân Covid-19 bị nhiễm trùng cấp tính".

"Tuy nhiên, điều quan trọng là các chính phủ phải đầu tư lâu dài vào hệ thống y tế và nhân lực cũng như ngay từ bây giờ phải lập kế hoạch để đối phó với tình trạng Covid-19 kéo dài", ông Tedros nói thêm.

Kể từ khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế vào năm 2020, việc triển khai vaccine và phương pháp điều trị virus đã giúp giảm thiểu số người chết và nhập viện.

Số ca tử vong do Covid-19 báo cáo trong tháng này là thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy, Covid-19 kéo dài đang khiến nhiều người dân khó có được "cuộc sống trọn vẹn nhất".

Và điều đó lại đang đặt ra một vấn đề mới cho các quốc gia vẫn đang phục hồi sau đại dịch, và trong một số trường hợp, vẫn phải đối phó với tỷ lệ lây nhiễm cao.

Vấn đề báo động

Theo một báo cáo mới công bố, chỉ riêng ở châu Âu có khoảng 17 triệu người có thể đã trải qua các triệu chứng Covid-19 kéo dài trong 2 năm đầu tiên của đại dịch.

2 Who Keu Goi Hanh Dong Khan Cap Giai Quyet Tinh Trang Covid 19 Keo Dai

Phụ nữ có nguy cơ bị Covid-19 kéo dài gấp đôi nam giới (Ảnh: AFP).

Báo cáo cũng cho thấy, phụ nữ có nguy cơ bị Covid-19 kéo dài gấp đôi nam giới và nguy cơ tăng đáng kể trong số các ca nhiễm trùng nặng cần nhập viện.

"Điều đó đã tạo thêm gánh nặng đáng kể cho các nhân viên y tế và hệ thống y tế, vốn vẫn đang phải đối phó với các đợt lây nhiễm Covid-19 mới và cả tình trạng các dịch vụ y tế thiết yếu đã bị gián đoạn nghiêm trọng", ông Tedros nói.

Theo Tổng giám đốc WHO, thế giới đã mất đi một số lượng đáng kể lực lượng lao động vì bệnh tật, tử vong, mệt mỏi, nghỉ hưu sớm do sự gia tăng tình trạng Covid-19 kéo dài. "Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống y tế mà còn là một tác động đối với nền kinh tế nói chung".

Theo ông Tedros, có 5 yếu tố chính cần thiết để thúc đẩy các nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề Covid-19 kéo dài.

Các quốc gia cần lắng nghe bệnh nhân, sử dụng "kiến thức đầu đời" của họ để hình thành các chính sách dài hạn của Covid-19 và thu thập dữ liệu tốt hơn để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh.

Các quốc gia cũng cần cải thiện việc chia sẻ thông tin để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách kiến thức trên toàn thế giới.

Ông Tedros kêu gọi "quyền tiếp cận công bằng" với các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine để tránh lây nhiễm ngay từ đầu và do đó cắt giảm nguy cơ bị Covid-19 kéo dài.

Theo Guardian

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC