Cây thông Giáng sinh là biểu tượng của phục sinh vì nó có sự sống mạnh mẽ, vượt qua mọi trở ngại, xua đuổi tà ma, mang lại cuộc sống phồn vinh, no ấm…

Cứ đến tháng 12, người dân ở khắp nơi trên thế giới đều đến khu rừng gần nhất, chặt một cái cây, kéo nó vào nhà của họ, tô điểm bằng đèn, đồ trang trí và dây kim tuyến để biến nó thành một cây Giáng sinh.

Tuy nhiên, thật khó để xác định chính xác truyền thống chưng cây thông Giáng sinh bắt nguồn từ đâu và như thế nào. Cũng có một số quốc gia tự nhận rằng cây thông bắt nguồn từ đất nước họ và cũng có những thần thoại lý giải ý nghĩa của việc chưng cây Giáng sinh trong nhà vào dịp cuối năm, theo tạp chí National Geographic.

42 1 Y Nghia Va Nguon Goc Cua Cay Thong Giang Sinh

Cây thông Giáng sinh tại Quảng trường Tòa thị chính của Riga, Latvia. Ảnh: ALAMY STOCK PHOTO

Giành quyền “khai sinh” cây thông Giáng sinh

Cả đất nước Latvia và Estonia đều tuyên bố là quê hương của cây thông Giáng sinh.

Latvia nói rằng truyền thống chưng cây Giáng sinh của mình có từ năm 1510, khi một hội buôn bán có tên là “Nhà của những người áo đen đứng đầu” mang một cái cây về thành phố, trang trí và sau đó thiêu rụi nó.

Trong khi đó, Estonia đã phản bác lại những tuyên bố đó, nói rằng họ có bằng chứng về một lễ hội tương tự được tổ chức bởi cùng một hội ở thủ đô Tallinn vào năm 1441.

Ông Gustavs Strenga thuộc Thư viện Quốc gia Latvia ở thủ đô Riga nói với báo New York Times vào năm 2016 rằng các lễ hội của hội có thể không liên quan đến Giáng sinh. Nhưng điều đó đã không ngăn được hai quốc gia này đấu tranh cho quyền khai sinh ra cây thông Giáng sinh. Thậm chí, tại Quảng trường Tòa thị chính của Riga còn dựng một tấm bảng kỷ niệm vị trí đặt cây Giáng sinh đầu tiên.

Trong khi đó, nước Đức cho rằng nhiều khả năng cây Giáng sinh xuất hiện ở Alsace vào thế kỷ 16. Hiện vùng này đang thuộc Pháp nhưng vào thế kỷ 16 nó là lãnh thổ của Đức. Các ghi chép lịch sử cho thấy một cây thông Giáng sinh đã được dựng trong nhà thờ Strasbourg vào năm 1539 và truyền thống đó đã trở nên phổ biến ở khắp khu vực đến nỗi vào năm 1554 TP Freiburg đã cấm chặt cây thông để làm cây Giáng sinh. Tuy nhiên, truyền thống vẫn tồn tại trong các gia đình Đức và từ từ phát triển qua nhiều năm cho đến những gì chúng ta biết ngày nay. Truyền thuyết còn kể rằng cây thông được thắp sáng bằng nến chứ không phải đèn điện như ngày nay.

Đến năm 1882, sau một đêm đi dạo trong khu rừng với những ngôi sao lấp lánh phía trên. Những người di cư Đức đã bắt đầu gắn thêm ngôi sao lên chóp cây thông và mang theo những truyền thống này khi họ di cư ở các nước khác.

42 2 Y Nghia Va Nguon Goc Cua Cay Thong Giang Sinh

Bức ảnh vẽ đăng trên báo lIlustrated London News vào năm 1848 cho thấy gia đình hoàng gia Anh quây quần quanh một cây thông Giáng sinh. Ảnh: Ilustrated London News

Công chúa Charlotte của nước Đức đã kết hôn với Vua George III của Anh vào giữa thế kỷ 18 được cho là người đã giới thiệu cây Giáng sinh đầu tiên cho gia đình hoàng gia Anh. Tuy nhiên, chính một nữ hoàng Anh khác đã biến cây thông Giáng sinh trở thành biểu tượng của dịp Giáng sinh như ngày nay.

Vào năm 1848, Nữ hoàng Victoria và chồng là Hoàng tử Albert đã thu hút sự chú ý trên khắp thế giới khi tờ Illustrated London News đăng một bức ảnh vẽ gia đình hoàng gia quây quần bên một cây thông Giáng sinh. Sau đó, truyền thống này đã bắt đầu lan rộng khắp thế giới.

Nước Mỹ và truyền thống thắp sáng cây thông Giáng sinh

Truyền thống chưng cây Noel của Đức cũng có thể đã đến Mỹ vào cuối thế kỷ 18, khi quân đội Hessian tham gia cùng với người Anh chiến đấu trong Chiến tranh Cách mạng. Trong những năm sau đó, những người nhập cư Đức cũng mang truyền thống đến Mỹ.

42 3 Y Nghia Va Nguon Goc Cua Cay Thong Giang Sinh

Cây thông Giáng sinh bên trong Nhà Trắng, Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGE

Các gia đình Mỹ đã bắt đầu chưng cây thông Noel nhiều hơn sau năm 1850, khi tạp chí Godey’s Lady’s Book có trụ sở tại bang Philadelphia đăng lại khung cảnh Giáng sinh của gia đình hoàng gia của báo Illustrated London News.

Ngày nay, việc thắp sáng hai cây Giáng sinh ở Mỹ là một phần trong nghi lễ quan trọng để đánh dấu việc mở ra một mùa lễ hội của đất nước.

Năm 1923, Tổng thống Calvin Coolidge giám sát việc thắp sáng Cây Giáng sinh quốc gia đầu tiên. Một thập niên sau, vào năm 1933, thành phố New York thắp sáng cây thông Giáng sinh tại trung tâm Rockefeller, và từ đó nơi này trở thành điểm tham quan của du khách và người dân New York vào mỗi mùa lễ hội.

Cây thông là cây năm mới ở Nga

Cây thông Giáng sinh từ lâu đã trở thành một truyền thống ở Nga. Tuy nhiên, những cây thông được trang trí rực rỡ, thắp sáng Quảng trường, nhà thờ, và Điện Kremlin vào tháng 12 hàng năm lại không phải dành cho Giáng sinh. Đây là những cây năm mới, một truyền thống xuất hiện sau khi cây thông Giáng sinh bị cấm sau cách mạng Nga.

Trong những năm 1920, chính phủ Xô Viết mới được thành lập đã khởi động một chiến dịch chống lại tôn giáo, cấm cây thông Giáng sinh và các phong tục tôn giác khác. Mặc dù vậy, chế độ này vẫn khuyến khích công dân ăn mừng năm mới. Đến năm 1990 khi Liên Xô sụp đổ, thì cây năm mới vẫn là một truyền thống ở Nga.

Ý nghĩa của cây thông Giáng sinh

Văn học dân gian đưa ra một số cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của cây thông Giáng sinh. Một số ý kiến cho rằng nó được lấy cảm hứng từ cây địa đàng, một biểu tượng của Vườn Địa đàng.

Một số truyền thuyết lại cho rằng cây thông Giáng sinh là biểu tượng của phục sinh vì nó có sự sống mạnh mẽ, vượt qua mọi trở ngại, xua đuổi tà ma, mang lại cuộc sống phồn vinh, no ấm.

Nguồn: plo.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC