Trong số những ngày kinh hoàng trong đợt dịch Covid-19 thứ 2 tại Ấn Độ, có một ngày đặc biệt ám ảnh Neeru Gupta (34 tuổi), giáo viên dạy Toán tại một trường học chính phủ ở Amritsar, theo South China Morning Post.
Mẹ cô đã qua đời vì Covid-19 cách đó hơn một tuần. Vài ngày sau, bố chồng cô ra đi, tới chồng cô cũng cho kết quả dương tính với virus.
Vào ngày đặc biệt ấy trong tháng 4, lúc 11h, Gupta đang dạy học ở phòng khách, chồng cô cách ly riêng trong một căn phòng và 3 đứa con nhỏ học online ở một phòng khác, thường xuyên chạy ra làm phiền cô bằng nhiều câu hỏi.
"Tôi cảm giác như muốn nhảy ra khỏi ban công. Tôi không thể tham dự đám tang của mẹ vì khi đó đang chăm sóc bố chồng. Chị em, bố ruột hay bạn bè, những người tôi yêu quý cũng không thể đến bên và ôm tôi. Dù vậy, tôi vẫn phải tươi cười khi lên lớp", Gupta nhớ lại.
Trên khắp châu Á, từ Ấn Độ đến Indonesia, Singapore hay Malaysia, việc giảng dạy đã trở nên khó khăn đối với hàng nghìn giáo viên như Gupta.
Nhiều vấn đề mới xuất hiện khi họ phải thay đổi phương thức giảng dạy, ví dụ như duy trì kỷ luật lớp thông qua màn hình; chuẩn bị cho mọi tiết học giống như một bài thuyết trình; vật lộn với công nghệ, các ứng dụng mới như Zoom hay MS Teams; giải thích các khái niệm; đối phó với các học sinh mau quên khi biết rằng cha mẹ chúng đang theo dõi đằng sau. Nhiều giáo viên phải quản lý cả việc học online của con cái mình.
Trong đại dịch, nhiều giáo viên phải đối mặt hàng loạt áp lực từ cá nhân đến công việc. Ảnh: AFP.
Những thách thức này chưa phải là tất cả. Nhiều giáo viên còn bị ảnh hưởng về mặt tài chính. Một cuộc khảo sát vào tháng 2 đối với các giáo viên ở thành phố Hyderabad (Ấn Độ) cho thấy 100% trong số 220 người được hỏi đã dùng hết tiền tiết kiệm và 50% phải vay người thân để trả tiền thuê nhà hoặc chi phí liên quan đến Covid-19.
Ngoài ra còn có sự căng thẳng khi họ phải đối mặt với những phụ huynh cũng đang quẫn trí vì bị ảnh hưởng do dịch, phải gọi điện cầu xin trường học miễn hoặc cho thêm thời gian nộp học phí.
Kết quả là nhiều giáo viên bị tổn thương về sức khỏe tâm thần. Một cuộc khảo sát công bố ngày 22/9 của Trung tâm Tư vấn Singapore với 1.325 giáo viên cho thấy hơn 80% người được hỏi cảm thấy sức khỏe tâm thần của họ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi công việc trong bối cảnh đại dịch.
Hơn 4/5 cho biết làm việc hơn 45 tiếng/tuần, hơn 62% nói sức khỏe thể chất giảm sút với các chứng mất ngủ, đau đầu và cáu kỉnh. Cứ 10 thì có 4 người cho hay các mối quan hệ cá nhân bị ảnh hưởng và 1/3 hay bị ốm.
Nỗi sợ
Đối với nhiều giáo viên, một trong những điều đau đớn nhất khi phải chuyển sang dạy online là họ không còn tự tin với công việc và có thể gây ảnh hưởng tới học sinh.
"Tôi thấy áp lực trước cảm giác các phụ huynh đang phán xét mình. Việc giảng dạy trở nên căng thẳng với tôi vì tôi cảm thấy khó là chính mình trước ống kính. Tôi cần dạy trực tiếp để thể hiện tốt nhất", Gauri Matonde (Ấn Độ) nói.
Với đối Nishi Jauhar, hiệu trưởng một trường ở thị trấn Noida, thật khó chịu khi nhìn thấy những khuôn mặt lo lắng của học sinh trên màn hình mà không thể an ủi chúng.
"Bọn trẻ sợ hãi. Có lúc tôi thấy cha mẹ học sinh nào đó phát hiện mắc Covid-19 và phải tự cách ly. Các em sợ bố mẹ mình sắp chết. Chúng tôi nhìn thấy mặt các em mà lại không thể an ủi".
Không phải giáo viên nào cũng tự tin dạy học trước webcam. Trong hình, một cô giáo đang lên lớp online ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: EPA.
Ngoài ra, nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc ổn định khi trường học thay đổi liên tục giữa dạy học online và trực tiếp dựa theo tình hình dịch bệnh. Nurunnawal Yem, dạy tại một trường tiểu học ở Malaysia, cho biết hậu quả là cả giáo viên và học sinh đều kiệt sức.
"Các đồng nghiệp của tôi đã nghỉ việc, một số bị chấm dứt hợp đồng do phụ huynh khiếu nại. Chúng tôi có các cố vấn học đường, tích cực tổ chức các buổi hội thảo không chỉ cho nhân viên mà cả phụ huynh".
Irna Minauli, nhà tâm lý học lâm sàng tại thành phố Medan, Indonesia, cho biết trong một số trường hợp, áp lực lên cả giáo viên và học sinh quá lớn khiến họ chuyển sang tự làm hại bản thân và trầm cảm.
"Khối lượng công việc mà một số giáo viên đã cảm thấy là áp lực trước đại dịch nay lại càng trở nên quá tải, học sinh cũng cảm thấy quá sức và chán chường. Nhiều giáo viên nói rằng họ cảm thấy mệt mỏi hơn khi dạy online vì thiếu sự tương tác, đặc biệt là khi tất cả học sinh đều tắt webcam và micro, cảm giác như giáo viên chỉ nói và nói. Học sinh thường thiếu tập trung vì chúng có thể làm việc riêng khi học trực tuyến".
Nhiều học sinh cũng nói với Minauli họ tuyệt vọng, rằng họ học không đủ và cảm thấy tiến độ học tập đang bị trì hoãn.
Chật vật với công nghệ
Với nhiều giáo viên lớn tuổi vốn gắn bó với chiếc bảng đen, việc làm quen với dạy học qua máy tính không hề đơn giản, nhất là giáo viên ở các vùng nông thôn.
Tại trường của Viktorius Veni, không phải gia đình học sinh nào cũng có kết nối Internet ổn định để học tập. Ảnh: Handout.
Kamala Devi giảng dạy tại trường trung học cơ sở ở một ngôi làng phía bắc Ấn Độ. Học sinh của cô phần lớn đến từ các gia đình nghèo, nơi mọi người dùng chung một chiếc điện thoại và thường được giữ bởi trụ cột trong gia đình để làm việc.
Còn đối với Viktorius Veni, làm việc tại một trong những tỉnh nghèo nhất Indonesia, việc kết nối Internet không ổn định cũng khiến việc học của thầy trò thêm trở ngại.
Joyce Caubat, giáo viên trường tư ở Manila (Philippines) cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng giữ gìn sức khỏe tinh thần của mình. Chúng tôi không được đào tạo để trải qua quá trình dạy học từ xa và các giáo viên lớn tuổi đang phải vật lộn để theo kịp".
Bạn của Caubat ở một trường khác nói cô tự trách bản thân sau khi thấy những học sinh có thành tích tốt bị tụt lại và trở nên trầm cảm.
"Có phải tôi đã không dạy đủ? Có phải do cách dạy học của tôi không? Tôi không đưa ra những phương thức dạy phù hợp?", cô tự hỏi.
Bài học mới
Dù dạy học online có nhiều tác động tiêu cực đến cả cô và trò, ít nhất nó cũng đem lại một số mặt tích cực, một trong số đó là các giáo viên nâng cấp khả năng công nghệ thông tin, trở nên kiên nhẫn hơn.
Với hiệu trưởng Jauhar, việc phụ huynh đứng cạnh theo dõi tiết học của cô chứng tỏ họ quan tâm và tham gia vào việc giáo dục con cái.
"Họ cũng học được từ chúng tôi. Khi xem chúng tôi xử lý một lớp học, họ có thể học được cách quản lý, kỷ luật và giáo dục trẻ nhỏ. Tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục quan tâm và ủng hộ chúng tôi".
Khoảng thời gian dạy học trực tuyến cũng giúp nhiều trường học và các giáo viên có nhiều lựa chọn hơn trong các hoàn cảnh bất ngờ. Ví dụ, ở New Delhi từng xảy ra hoảng loạn khi các trường học phải đóng cửa vài ngày vì các cuộc biểu tình chính trị nổ ra hoặc mức độ ô nhiễm môi trường đạt mức nguy hiểm.
"Chúng tôi luôn lo lắng làm sao để bù đắp khoảng thời gian đã mất cho học sinh nhưng giờ việc đó đã trở nên đơn giản, chúng tôi sẽ dạy online", Sangeeta Tenesse, hiệu trưởng trường công lập ở Noida, nói.
Mai An
Nguồn: zingnews.vn