Chị Nguyễn Hà Giang ngoài đời thường
Đêm trước ngày bay vào TP.HCM làm thiện nguyện, chị Nguyễn Hà Giang (34 tuổi, ở Hà Nội) thức tới 2h để làm công tác tư tưởng với cậu con trai 7 tuổi của mình.
Gửi con, giấu mẹ... trốn vào TP.HCM để giúp đỡ người khó khăn
Dù còn nhỏ nhưng con trai chị cũng biết được sự nguy hiểm của Covid-19, vậy nên khi chị nói sẽ vào Sài Gòn để giúp đỡ các bạn nhỏ ở tâm dịch, bé im lặng, rồi ôm chặt mẹ thủ thỉ: “Khi nào mẹ về phải đi cách ly con sẽ vào cách ly cùng mẹ”.
Ngày 21/7, sau khi gửi con trai cho người chị họ chăm giúp, chị xách vali lên máy bay vào TP.HCM trong tâm thế “lén lút” không dám nói với mẹ và gia đình.
Một mình một xe, chị Giang tới các điểm nhận hàng hóa rồi đi khắp các ngõ ngách ở TP.HCM trao lương thực, thực phẩm cho bà con nghèo
Vào tới nơi chị mới nhắn tin báo cho mẹ, biết tính con gái, mẹ chị chỉ nói nhắn nhủ "con giữ sức khỏe".
Bận rộn nuôi con nhỏ và bận bộn bề với việc kinh doanh, nhưng chị vẫn bố trí được quỹ thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện. Trong trận lũ lụt ở miền Trung năm 2020, chị cũng vào tận nơi, tìm đến từng gia đình khó khăn để hỗ trợ lương thực, thực phẩm.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở TP.HCM, hàng ngày theo dõi qua các phương tiện truyền thông, biết được người dân thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều khu cách ly, phong tỏa còn thiếu thốn, nhất là nhu cầu về lương thực, thực phẩm khiến chị nung nấu ý định Nam tiến.
Vốn hay làm thiện nguyện cùng với ca sĩ Thái Thùy Linh, sau đó hai người quyết định cùng nhau vào Sài Gòn để thực hiện những điều mình dự định nhằm chia sẻ với bà con vùng dịch.
Ai cũng sợ dịch, ai sẽ là người chống dịch?
TP.HCM rộng lớn, đường xá không biết, nhưng bằng google map, chị Giang dù vào sau ca sĩ Thái Thùy Linh 3 ngày, nhưng cũng đã cùng nhóm thiện nguyện lần mò đi khảo sát thực tế, tìm giải pháp cho các hoạt động tình nguyện cứu trợ bà con lao động nghèo, góp phần cùng thành phố chống Covid-19.
Sau 3 ngày đêm khảo sát nghiên cứu tình hình tại 5 quận của thành phố, đi xuống tận các xóm nghèo, những khu vực người dân bị cách ly, ca sĩ Thái Thùy Linh cùng các cộng sự lập tức khởi động chiến dịch “Thương Sài Gòn”, mở rộng quy mô hoạt động của chiến dịch thành “Người Việt thương nhau”.
Là một thành viên tích cực, trợ lý của ca sĩ Thái Thùy Linh, chị Giang cũng cật lực ngày đêm tìm các phương án hỗ trợ bà con, kêu gọi các mạnh thường quân, các tình nguyện viên tham gia vào chiến dịch “Người Việt thương nhau”.
May mắn, khi biết việc làm của chị, một người bạn đã cho chị Giang mượn một chiếc ô tô. Với chiếc xe của người bạn, chị tới các điểm nhận hàng hóa, thực phẩm tự tay bốc xếp rồi dò google map đến những khu cách ly, phong tỏa để tặng người dân đang gặp khó khăn.
Chị Giang và nhóm "Người Việt thương nhau" đóng quà để gửi cho bà con nơi tâm dịch
Ban ngày thì đi nhận hàng, trao quà, điều phối công việc cho các thành viên, tối đến chị cùng chị Thái Thùy Linh vạch các phương án, kế hoạch cho từng ngày tiếp theo. Nhiều hôm tới 2-3h sáng mới đi ngủ, 5h đã phải dậy đi nhận hàng.
Công việc vất vả, nguy hiểm nhưng chị Giang luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ. Tranh thủ những phút rảnh rỗi chị lại đăng vài dòng lên trang Facebook cá nhân để gia đình yên tâm.
Xa con lâu, cả hai mẹ con rất nhớ nhau nhưng chị không dám gọi về, chỉ lâu lâu lại quay một clip ngắn để nhắn nhủ, dặn dò con ở nhà ngoan.
“Tôi không dám gọi cho thằng bé, sợ mẹ con nhìn thấy nhau không kìm được cảm xúc, sợ nhìn thấy con sẽ khiến tinh thần bị lay động”, chị Giang nói.
Con trai chị dù còn nhỏ nhưng cũng rất hiểu chuyện, khi người bác hỏi bé có nhớ mẹ không, bé hồn nhiên nói: “Con nhớ, nhưng con ở với bác đợi mẹ về, vì mẹ con đi giúp các bạn nhỏ nghèo đang gặp khó khăn”.
Mấy ngày gần đây, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp, gia đình, bạn bè liên tục nhắn tin cho chị: “Một tuần thế là đủ rồi, về đi!”, đọc tin nhắn xong chị lặng lẽ đăng vài dòng lên Facebook như một lời nhắn nhủ với người thân, “Ai cũng sợ dịch thì ai sẽ là người chống dịch?.
Sau một tuần trong tâm dịch, chị tâm sự, những cái chị đã, đang và sẽ làm của bản thân đến giờ vẫn thấy mình đã quyết định đúng!. Bao nhiêu người khi biết chị đi vào đây đều có 1 câu hỏi chung: mày vào đấy thì làm cái gì?, chị nói có người nghĩ bị điên và dở, một số người khác thì nghĩ chắc hứng lên vào làm màu.
Chị Giang chia sẻ và nói luôn bỏ qua những ý kiến như vậy để làm điều mình thấy đúng. Còn với công việc thực tại, chị cho biết, có những hôm chỉ được ngủ 3 tiếng, thời gian còn lại phải làm việc hết công suất.
"Bên tôi còn có cả triệu người đang cùng chung tay đánh giặc Covid. Mỗi chúng ta đều là chiến sĩ. Bạn ở nhà cũng là chống giặc, nhiều người xông pha là đang chiến đấu chống giặc. Chúng vô hình nhưng ta đồng lòng, rồi sẽ có ngày chiến thắng", chị Giang lạc quan.
Nguồn: Thanh Phương/ vietnamnet.vn