Khi giới trẻ mê đắm truyện ngôn tìnhPhạm Thanh Nhung, sinh viên năm nhất một trường cao đẳng ở Hà Nội cho biết, Nhung đã đọc hơn 100 truyện ngôn tình Trung Quốc trong vòng chưa đầy 1 năm.

 Mỗi ngày, Nhung đều dành phần lớn thời gian cho việc ngồi trước máy tính ngốn ngấu những tác phẩm này và thả hồn theo những chuyện tình lãng mạn. Nhung bảo: "Em càng đọc càng mê. Một khi đã đọc được vài trang đầu, bắt đầu nhập tâm vào câu chuyện là không thể rời ra. Nhiều khi, phải thức trắng một đêm để đọc cho đến trang cuối cùng của truyện rồi mới yên tâm lăn ra ngủ bù suốt một ngày hôm sau. Trong tương lai, em muốn trở thành một nhà văn chuyên viết truyện ngôn tình".

Chẳng biết Nhung có trở thành người như cô mong muốn hay không chỉ biết rằng hiện tại cô đang phải thi lại 5 môn và chưa biết có qua nổi để không phải học lại 1 năm. Là bạn thân và cũng mê đọc truyện ngôn tình như Nhung, nhưng Hương Thuỷ lại bị cuốn hút bởi những đoạn văn mô tả cảnh ướt át với những từ ngữ nhạy cảm, thấm đẫm nhục dục được gọi là H văn.

Khi mở bất cứ cuốn truyện nào, việc đầu tiên Thuỷ tìm ngay những trang H văn để đọc cho đỡ thèm. Ngày nào không được đọc một vài trang H văn thì ngày đó cô cảm thấy bứt rứt không yên, như lên cơn nghiện.

Cũng là một đệ tử của ngôn tình, chị Lan Anh, Đống Đa- Hà Nội suýt mất cả gia đình lẫn công việc. Là kế toán công ty nhưng chị lại rất mê đọc truyện. Tình cờ một lần lang thang trên mạng, chị đọc được truyện “Thế nào là một loại yêu không đau” của tác giả Lâm Địch Nhi để rồi từ đó đắm mình vào các trang viết bi luỵ, gợi tình ướt át, đầy nhục dục. Thậm chí, về đến nhà, kêu mệt, úp vội cho chồng con bát mì rồi ôm máy tính, thức suốt đêm với những câu chuyện tình.

Thời gian say ngôn tình của Lan Anh triền miên tưởng không thể nào thoát ra được. Chỉ đến khi giám đốc công ty nhắc nhở, cảnh cáo vì công việc bê trễ, chồng cô mệt mỏi vì cuộc sống vật vờ của vợ, doạ viết đơn ly hôn, Lan Anh mới sực tỉnh.

Tâm sự với chúng tôi Lan Anh bảo: “Khi cảm thấy cuộc sống thật sắp tuột khỏi tầm tay, mình mới chợt nhận ra. Cho đến tận bây giờ cũng không lý giải tại sao loại truyện ấy lại có sức lôi cuốn, hấp dẫn và mê hoặc phái nữ như vậy. Chỉ biết rằng, đã đọc đến nó thì không thể nào dứt ra được”.

Lan Anh còn kể về người bạn cùng sở thích với mình. T.H, cũng nghiện đọc ngôn tình, chẳng biết tự lúc nào cô chán ngấy anh người yêu mà mê mẩn chính em gái anh ta. Khốn khổ vì thứ tình yêu mù quáng, bất lực, T.H toan tìm đến cái chết. May mắn, người thân gần gũi, động viên, chỉ bảo và anh người yêu hết lòng với cô nên T.H "thoát" ra được. Thiếu chút nữa người nhà phải mang cô vào bệnh viên tâm thần.

Trước trào lưu này của một bộ phận lớp trẻ, Th.S Đỗ Thị Thảo, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia cho rằng: “Ở góc độ nào đó, nếu  người đọc sa đà vào những câu chuyện tình trắc trở, sướt mướt hay những hình tượng nhân vật đẹp như huyền thoại, họ sẽ dễ dàng buông mình trong thế giới ảo.

Nếu không được chấn chỉnh, định hướng lại, bộ phận này rất dễ bị đắm chìm trong cuộc sống toàn màu hồng, quên đi thực tế, không có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Nguy hiểm hơn, loại sách này còn có nguy cơ tạo cho người đọc tâm lý chán nản khi gấp trang sách lại, bởi cuộc sống thực không đẹp như tiểu thuyết.

Bên cạnh đó, họ còn tốn quá nhiều thời gian đọc những quyển tiểu thuyết dày hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trang mà không mang lại khối lượng kiến thức cho bản thân".

Theo Người đưa tin.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC