Mánh lới lừa tiền, tình rình rập tân sinh viênNhững ngày này, các tân SV nhập học tại Hà Nội phải chạy đôn chạy đáo tìm phòng trọ trong cảnh giá cả tăng chóng mặt. Họ phải ở ghép, nằm ép trong những căn phòng chật chội... để rồi trở thành "con mồi" cho những kẻ lừa đảo trộm đồ, gạt tình…

 Lê Văn Hiến (quê Nghệ An), tân sinh viên Học viện Tài Chính ngậm ngùi cho biết: "Ngày 25/8, hai bố con em đến trường nhập học. Em và một bạn quê Hải Dương cùng thuê chung một phòng giá 1,2 triệu đồng ở Cổ Nhuế, Từ Liêm (Hà Nội).

Thuê được nhà cho con, bố em yên tâm hôm sau lên xe về quê. Tuy nhiên, hôm thuê là ngày nắng, ở một vài hôm mới biết phòng đó trời mưa hắt, dột. Quần áo hai đứa ướt hết, đồ đạc cũng vậy, cửa sổ bà chủ cũng chưa hề có ý định tu sửa. Chúng em bàn nhau đi tìm nhà trọ khác".

Theo lời kể của Hiến, đọc được một tờ giấy thông báo cho thuê phòng, Hiến gọi điện liên lạc. Người đầu dây bên kia tự xưng là sinh viên vừa tốt nghiệp và chuẩn bị đi làm trả phòng không báo trước nên anh phải tìm người thuê phòng lại cho chủ nhà nếu không muốn mất thêm tiền nửa tháng. Người đó còn tốt bụng đến tận phòng Hiến để chở sang xem phòng mới.

Lúc đến đầu ngõ, anh ta bảo Hiến đứng chờ để gọi bạn lấy chìa khóa. Tuy nhiên, anh ta lại bảo điện thoại hết pin và bảo Hiến cho mượn điện thoại. Gọi xong, anh ta bảo đứng chờ anh ta ra chỗ anh bạn lấy chìa khóa cho xem phòng.

Đứng chờ gần 30 phút mà không thấy người thanh niên kia quay lại, lúc đó Hiến mới biết mình bị lừa. Chiếc điện thoại Nokia cảm ứng, quà đỗ đại học bỗng dưng không cánh mà bay.

Mánh lới lừa tiền, tình rình rập tân sinh viên_0
Lê Văn Hiến, tân sinh viên Học viện Tài chính bị cú lừa nhớ đời khi tìm nhà trọ.

 

Chiều 4/9, tại trạm Công an bến xe Phía Nam, PV đã được nghe câu chuyện về tân sinh viên ĐH KTQD tên Nguyễn Thị Thuận (Thanh Hóa) bị một đối tượng nữ lừa tiền đặt cọc tiền phòng.

Thuận ngậm ngùi kể, hai mẹ con cô lên Hà Nội chuẩn bị cho ngày nhập học. Khi vừa xuống xe, hai mẹ con tay khệ nệ xách túi đồ, "phi đội" xe ôm bu lại, có người tư vấn tìm nhà trọ bình dân nhưng hai mẹ con Thuận đều lắc đầu từ chối. Khi chưa kịp trấn tĩnh thì một cô gái tiến đến kéo tay mẹ con Thuận đi về cuối bến. Theo lời cô gái này, cô đang cần hai người ở ghép để giảm chi phí.

"Sau khi gọi điện báo tin vui cho đứa bạn cùng quê sắp ra nhập học (Thuận và cô bạn có ý định thuê nhà cùng nhau - PV), hai mẹ con hăm hở đi cùng cô gái nọ. Sau một hồi cua quẹo qua nhiều con hẻm nhỏ trong ngõ Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội), đến một ngôi nhà không số nằm gần cuối hẻm, cô gái dẫn vào sâu trong dãy phòng trọ.

Đến căn phòng cuối rộng khoảng 15m2 có gác lửng sạch sẽ, cô ta bảo phòng hiện có 3 người, do chủ nhà tăng giá từ 1,6 triệu đồng lên 2 triệu đồng nên các bạn cùng phòng bàn tính với nhau gọi thêm 2 người vào ở để giảm chi phí".

Cô gái nói với mẹ Thuận, nếu đồng ý ở thì đặt cọc 500 nghìn đồng, (thêm một suất của người bạn thì ứng trước 100 nghìn đồng làm tin - PV), hai hôm sau có thể dọn đến. Đến hẹn, Thuận gọi điện cho cô gái thông báo sẽ dọn đến thì cô gái nọ bảo nhà đang sửa chữa, vài hôm nữa dọn đến.

Bấm bụng chờ đợi, đến ngày dọn vào nhà mới, đến nơi thì Thuận chưng hửng khi  biết tin cô gái đó tên Linh (chứ không phải tên Vân như giới thiệu) đã không còn thuê trọ nữa.

Tìm gặp chủ nhà, Thuận được biết, Linh không phải sinh viên mà là lao động tự do. Chính chủ nhà cũng không biết là Linh đăng tìm người ở ghép vì Linh đã xin ở thêm 1 tuần để có thời gian chuyển đồ.

Ai ngờ thời phút cuối lại là cơ hội vàng để cô gái này thực hiện phi vụ ngậm tiền cọc rồi lặn mất. Thuận và mẹ đành chịu ấm ức vì kêu nhà chủ không được. Họ lại đành tiếp tục công cuộc tìm phòng mới...

Cẩn thận "sập bẫy" kẻ gian

Theo tìm hiểu của PV, vào thời điểm này - các tân sinh viên bắt đầu nhập học, thị trường nhà trọ đang lên cơn sốt, lượng cầu bao giờ cũng lớn hơn lượng cung. Tận dụng cơ hội này, một số đối tượng bắt đầu thi nhau đưa ra các mánh khóe lừa đảo.

Trên các trang mạng, nhiều topic đăng tin rao có nhà rất tiện nghi, phù hợp giá lại rẻ bất ngờ, rất gần trường học; hoặc cần tìm người ở ghép giảm chi phí. Thế nhưng, thực tế đó chỉ là những "cái bẫy", trước khi dẫn đi xem nhà, họ đều yêu cầu phải nộp một khoản tiền trước. Đến khi "cò" đã nhận tiền, dẫn tới 1 căn nhà không giống trong mô tả, hoặc là bảo là có nhưng chủ nhà bảo là hết phòng, không cho thuê nữa.

Anh Vương Văn Sang, cựu sinh viên trường ĐH Thành Đô, phụ trách các đội tham gia tình nguyện tại bến xe Mỹ Đình cho biết: "Năm nào cũng vậy, không ít tân sinh viên phải "khóc dở mếu dở" vì bị kẻ gian lừa gạt ghép phòng, lấy trộm đồ.

Vì thế, đội tình nguyện đã lên kế hoạch liên hệ với các nhà trọ để giúp đỡ các tân sinh viên tìm nhà trọ giá rẻ, đảm bảo an ninh. Để giúp các sinh viên, nhóm thanh niên tình nguyện nhiều khi còn phải đối mặt với sự uy hiếp của "cò" nhà trọ".

Anh Vương cũng cho biết, để câu được "con mồi", chúng phịa ra đủ lý do nhưng mánh phổ biến nhất là "đẻ" ra câu chuyện bị gia chủ tăng giá thuê phòng trọ, nếu kham không nổi sẽ bị tống ra khỏi nhà nên cần người ở ghép để san sẻ tiền phòng. Cả tin, nhiều tân sinh viên dấn thân để rồi chỉ sau vài ngày ở chung, khi các nạn nhân biết bạn cùng phòng là kẻ gian thì chuyện đã quá muộn.

Theo tin từ Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội), tại những địa bàn tập trung nhiều trường đại học như Thanh Xuân, những vụ kẻ gian lừa đảo sinh viên diễn ra khá phố biến. Những chiêu cho thuê nhà trọ, cần ghép nhà luôn là "bẫy" đã được giăng trước.

Lợi dụng sự cả tin của tân sinh viên, khi đóng vai sinh viên cần ghép người, vừa dọn đồ đến ở 1-2 ngày thì nhiều sinh viên đã "ngã ngửa" khi phát hiện ví, máy tính xách tay, điện thoại di động "không cánh mà bay".

Anh Nguyễn Văn Huy, Công an phường Giáp Bát, (Hà Nội) cho biết: "Trên địa bàn phường chưa nhận được một vụ nào sinh viên đến báo bị lừa, mất cắp đồ do ở ghép. Tuy nhiên, tình trạng bọn tội phạm lừa đảo lợi dụng tình trạng ở ghép hoặc giăng bẫy cần người ở ghép rồi chiếm đoạt tài sản của bạn cùng phòng là chuyện không mới, nhưng vẫn có người sập bẫy.

Điều đáng nói, khi bị "sập bẫy", nhiều người lại ngậm ngùi chấp nhận chứ không đến trình báo. Vì vậy, cần thận trọng tìm người tốt rồi mới ghép phòng là cách để không dính bẫy lừa".                        

Không dừng lại ở việc lừa gạt trộm đồ, kẻ gian còn giở trò đồi bại hại đời sinh viên. Gần đây nhất, ngày 4/9, Công an quận Thanh Xuân đã bắt Trịnh Đăng Giang (SN 1977, trú tại phòng 1208, Nhà 2E phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) để điều tra về hành vi hiếp dâm.

Điều tra ban đầu theo tố cáo của nạn nhân, vào khoảng 19h ngày 31/8, thấy chị P. T. T. (SN 1989, ở tỉnh Vĩnh Phúc) có nhu cầu thuê phòng, Trịnh Đăng Giang đã giả làm nhân viên của làng sinh viên Hacinco, hẹn lên phòng của mình nói chuyện và hứa sẽ giúp chị T. vào thuê trọ.

Khi chị T. vừa lên phòng, Giang đã khoá trái cửa, đánh và nhét giẻ vào mồm rồi thực hiện hành vi hiếp dâm đối với chị T.

Theo Đời sống & Pháp luật.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC