Một thế hệ đang cần "cấp cứu" tinh thần?Vụ tự tử tập thể của 5 nữ sinh tỉnh Hải Dương trước đây khiến cả xã hội "rúng động" chưa hết dư âm, dư luận lại giật mình khi 3 học sinh ở Đăk Nông rủ nhau cùng chết hồi tháng 3/2012.

 Mới đây, một nghiên cứu của bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) đã thổi bùng lo lắng trong dư luận, tỷ lệ trẻ từ 14 - 15 tuổi tìm đến cái chết chiếm gần 66% số trường hợp tự tử. Nhiều người đặt câu hỏi, không hiểu sao các bạn trẻ ngày nay cứ hở ra là tự tử: Không được yêu, chết; yêu nhiều, chết; bị mẹ mắng, chết; cãi nhau với người yêu, cũng chết...

Hàng nghìn lý do nhạt nhẽo để... chết

Mở đầu câu chuyện với PV, thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 (CA TP Hà Nội) đã kể cho chúng tôi nghe không ít câu chuyện đắng lòng trong suốt 10 năm làm nghề cứu người tự tử ở cầu Chương Dương (Hà Nội). Vị thượng tá công an chia sẻ: "Hơn 10 năm lăn lộn ở đây, tôi quá hiểu từ lề thói đi lại, tới lối sống, thậm chí "lối chết" trên cây cầu này. Cũng vì thế mà tôi đã may mắn ngăn cản được hàng chục cái chết không đáng có. Cứu được bao nhiêu người thì kỳ thực, tôi không nhớ nổi. Có người đi xe máy, xe ôm, hoặc đang đi xe bus đến giữa cầu tắc đường có thể nhảy xuống cầu ngay...".

Hơn 10 năm làm cái nghiệp "cướp cơm thủy thần", thượng tá Lê Đức Đoàn tâm sự: "Sau những lần ấy, lòng tôi nặng trĩu nỗi buồn, niềm đau và cả sự day dứt khôn nguôi. Bạn có tin, không ít lần tôi đã phải thốt lên: "Thôi thôi! Bố xin con" để ngăn các bạn ấy tự tử không?". Ông Đoàn cũng kể cho chúng tôi nghe trường hợp ông phải chứng kiến người mẹ định bụng đẩy đứa con 10 tuổi của mình xuống sông xảy ra mới đây. "Lúc đó khoảng 9h tối, cầu Chương Dương không đông lắm, tôi cũng sắp hết ca trực. Vì họ quyết tâm tự tử nên người mẹ định đẩy con xuống trước. Khi nhận được tin, tôi tới, phải cố gắng lắm mới kéo được cháu lên. Cuộc giải cứu thành công...".

Lần đó, khi cứu được rồi, thượng tá Đoàn mới biết, chị ta muốn hai mẹ con cùng chết. Vì hoàn cảnh họ khó khăn: Chồng mất, nuôi 2 đứa con, mà cô bé định đẩy xuống này rất hợp với mẹ nên bà muốn hai mẹ con cùng chết. "Trường hợp cứ ám ảnh tôi mãi. Dù giải cứu thành công song tôi vẫn cảm thấy đắng lòng trước những cảnh đời và suy nghĩ như thế. Theo tôi, các bạn trẻ hoàn toàn có thể tìm được những hướng đi khác tích cực hơn cho cuộc đời. Cái chết không phải là cách giải quyết tốt nhất. Tôi muốn họ luôn nghĩ như thế", ông Đoàn tâm sự.

Cũng giống như Thượng tá Lê Đức Đoàn, trong quá trình công tác tại Khoa Tâm thần nhi (Bệnh viện Nhi đồng Trung ương 1), bác sĩ Nguyễn Hương Xuân đã chứng kiến khoảng hơn 30 vụ tự tử hoặc có ý định tự tử. Bác sĩ Xuân kể, tại bệnh viện tâm thần, ngoại trừ bệnh nhân bị tâm thần bẩm sinh hoặc sau tai nạn thì đa phần là những đối tượng bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm. Rất nhiều trong số những người này từng có ý định tự tử.

Bác sĩ Nguyễn Hương Xuân cũng cho biết: "Với những bệnh nhân nảy sinh hành vi tự tử trong lúc lên cơn thần kinh thì có thể can thiệp, ngăn cản được nhưng nếu người ta tỉnh táo mà có ý định tự tử thì rất khó phòng ngừa. Có những bệnh nhân đã tỉnh táo, được cho ra viện nhưng trước khi ra viện thì tự tử. Thậm chí, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, được xuất viện nhưng sau khi chồng đón về nhà thì lại tìm đến cái chết". 

Cũng theo nghiên cứu của bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), tỷ lệ tự tử ở nữ nhiều hơn nam, chiếm gần 61%. Gần 88% trẻ tìm đến cái chết do xung đột gia đình, hình thức phổ biến nhất là bằng hóa chất (thuốc ngủ, thuốc diệt chuột, trừ sâu). 97,6% trẻ tự tử ở nhà và thường dễ phát hiện. Tuy nhiên, sau khi tự tử không có trường hợp nào thông báo cho người nhà biết.

Trẻ tự tử: "tội" của người lớn

Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ thực tế, qua tiếp xúc và ngăn chặn thành công nhiều vụ tự tử hoặc ý định tự tử, Thượng tá Lê Đức Đoàn và bác sĩ Nguyễn Hương Xuân đúc kết rằng, những người có ý định tự tử, trước khi thực hiện hành vi thường rơi vào 1 trong 2 trạng thái cảm xúc: Hoặc là đờ đẫn, ngây dại, không làm chủ được bản thân, hoặc là tâm thần cực kỳ hoảng loạn. Họ đều cho rằng, chính lối sống công nghiệp ngày càng khiến con người trở nên vô cảm, chỉ quan tâm đến bản thân mình và gia đình, thờ ơ với cộng đồng đã góp phần khiến số vụ tự tử xảy ra nhiều hơn. Thực tế, nếu xã hội không vô cảm, chứng kiến các hành vi tự tử xảy ra ở nơi công cộng không thờ ơ đứng nhìn mà cố gắng tìm biện pháp giúp đỡ, cứu vớt họ… có lẽ "thần chết" đã không thể đưa họ đi.

Tâm sự với PV Người đưa tin, TS. Bác sĩ Trần Tuấn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, trẻ tự tử là hậu quả của một quá trình diễn biến tâm lý kéo dài mà người lớn chúng ta chưa phát hiện hoặc chưa nhận thức được. Theo ông Tuấn, căn nguyên của vấn đề xuất phát từ những người làm cha làm mẹ, từ sự vô cảm của xã hội. "Trẻ ngày càng thất vọng với cuộc sống hiện tại, thất vọng với chính bản thân mình… dễ dàng kết thúc cuộc sống khi cuộc đời còn rất đẹp. Rõ ràng so với trước đây, tỷ lệ trẻ em tự tử cao hơn, kể cả tự tử một mình và tập thể", ông Tuấn nhấn mạnh. 

Chuyên gia này cũng lý giải, sở dĩ đối tượng tự tử chủ yếu từ 14 -15 tuổi là do thời điểm này trẻ chuyển từ giai đoạn suy nghĩ bắt chước sang giai đoạn suy nghĩ logic. Đây là một dấu mốc tâm lý. Những sự việc tưởng như rất bình thường với người lớn, đó chỉ đơn giản là lời mắng nhiếc trẻ, hay trẻ vì lý do gì đó mà giận dỗi bố mẹ, giận dỗi bạn bè, hay đơn giản chỉ là buồn vu vơ... Tất cả những sự việc đột xuất, không lên kế hoạch trước đó có thể trở thành tác nhân khiến sức chịu đựng của trẻ không vượt qua nổi và có những phản ứng, hành động đột ngột, dẫn đến tự tử.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, xã hội có nhiều biến động tạo ra áp lực cho mọi người. Nếu con người không vượt qua nổi áp lực, bế tắc, họ thường tìm đến cái chết. Đó là logic tâm lý bình thường. Trong giáo dục, giữa gia đình, nhà trường và xã hội hiện vẫn có sự ngắt quãng. Thấy trẻ có biểu hiện lầm lầm lì lì, cha mẹ vô tình can thiệp một cách thô bạo hoặc bỏ lửng không hỏi han. Dần dần trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm, chán nản… rồi tìm đến cái chết vì không tìm thấy tiếng nói chung với người khác.

Bác sĩ Giang Ngọc Thụy Vi (Khoa Tâm lý, Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh) cho rằng, áp lực cuộc sống, những cú sốc đầu đời, gia đình bất ổn, áp lực học tập, thi cử, yêu đương... khiến cho các em hoang mang, lo lắng, tâm lý bất ổn. Ở độ tuổi này các em chưa có nhiều kỹ năng sống nên dễ bị tổn thương. Đối với những sự cố thậm chí là nhỏ nhặt nhất lại được các em coi là sự xúc phạm và cảm thấy bản thân bị tổn thương ghê gớm. Khi gặp những sự cố đó nếu không được bố mẹ, những người xung quanh chia sẻ, các em cảm thấy bế tắc và tìm cách kết thúc cuộc sống.    

Theo Người đưa tin.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC