Những hội quái đản trên... Internet Có khá nhiều những hội nhóm được lập ra để ăn chơi thác loạn, quái đản đến bệnh hoạn kiểu như “Hội đổi vợ”, “Hội chăn rau”...

 Những diễn đàn trên mạng internet đã xuất hiện nhiều hội nhóm tích cực như cùng trao đổi về một đam mê, sở thích hay cùng hoạt động từ thiện xã hội. Nhưng cũng có khá nhiều những hội nhóm được lập ra để ăn chơi thác loạn, quái đản đến bệnh hoạn kiểu như “Hội đổi vợ”, “Hội chăn rau” (chăn gái)… Điều đáng nói là gia nhập những hội quái đản, bệnh hoạn bây giờ dường như đang trở thành mốt của các cư dân mạng?

Từ bang hội đổi vợ… 

Hội đổi vợ - đổi vợ, chuyện tưởng đùa nhưng mà có thật. Tại hội này, những người cùng thú vui, sở thích sẽ đổi vợ và người yêu với mục đích duy nhất là thỏa mãn bản năng con người. Và những thành viên trong hội coi chuyện này là chuyện rất bình thường. Một thành viên trong hội cho biết: “Đổi vợ, đổi chồng là hình thức làm mới đời sống thôi. Khi cảm giác quá quen thuộc với người bạn tình, thì việc trao đổi với người khác cùng suy nghĩ và cảm giác giống mình là chuyện bình thường”. Chỉ với một mục đích làm thỏa mãn cho nhau, hội đổi vợ đổi chồng tuyển thành viên không phân biệt giai cấp, tầng lớp, giàu nghèo… Cũng không phân biệt xấu, đẹp… Các trường hợp đồng tính đương nhiên sẽ không được chào đón đến với hội này. 

Khi gia nhập vào hội thì sẽ không được quan tâm đời tư của đối tượng, cũng như không ràng buộc, không ép buộc đối phương. Không gây sự đánh nhau, không tranh bạn của nhau, phải tôn trọng nhau… Và quan trọng là không được ghen. Thông thường hội đổi vợ, đổi chồng sẽ họp một lần duy nhất trong tháng và họ sẽ chơi trò “bốc thăm” theo cặp và cứ theo kết quả bốc thăm mà hành sự. Cư dân mạng trên các diễn đàn đều phản đối hội đổi vợ, đổi chồng và không chấp nhận được vì cho rằng đây là lối sống thác loạn, không phù hợp với văn hóa phương Đông…

 

.… đến hội “phi công”

Khác với hội đổi vợ, đổi chồng, hội “phi công” lại có cách chơi và thác loạn kiểu riêng. Cụm từ “máy bay bà già” là một cách nói ám chỉ những người phụ nữ chênh lệch tuổi tác trong những cuộc tình. Trong hội “phi công”, thì thành viên cũng được chia theo cấp độ. Mới gia nhập, chắc chắn chỉ được “lái” những “máy bay” hơn ít tuổi. Trình độ và đẳng cấp sẽ được tăng dần, các “phi công” tiếp tục sẽ được thử cảm giác với những “máy bay” “cũ” hơn. Các “phi công” khi tác nghiệp phải sử dụng những “đường băng”, ở đây “đường băng” được hiểu là nơi để hành sự như nhà nghỉ, khách sạn. Còn “nhảy dù” thì được hiểu là cách… rút êm, và không để vấn vương đến chuyện tình cảm. Những buổi họp hội “phi công” thường diễn ra ở những quán café, quán ăn, các thành viên trong hội đều không xưng hô bằng tên thật, họ chỉ gọi nhau bằng những nick name để bí mật hơn về đời tư. Các thành viên trong hội cũng không quan tâm đến cuộc sống của những thành viên khác trong hội, mục tiêu của họ là đến gặp nhau, nói chuyện tâm sự về những chủ đề chính về gái, “máy bay” và… sex. 

Qua tìm hiểu thì các thành viên trong hội “phi công” cũng là những người có tri thức, họ đều là những người trẻ và có kinh tế khá giả. Cũng rất nhiều thành viên tuy đã có gia đình nhưng vẫn ham của lạ tìm đến hội để sinh hoạt. Hầu hết thành viên hội “phi công” đều mang tư tưởng, quan điểm về tình dục một cách lệch lạc, họ tập hợp những danh sách “máy bay”, chia sẻ kinh nghiệm  để “lái” và cho nhau những số điện thoại của các “máy bay”. Các “phi công” cũng chia “máy bay” ra thành nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, hình thức của “máy bay”. Một “phi công” đã có kinh nghiệm trong hội cho biết: Những người đến với hội phi công đa phần đều thích sự yêu chiều, tinh tế và có kinh nghiệm của những người phụ nữ hơn tuổi. Phải nói rằng, những thành viên trong hội “phi công” đều có thể dễ dàng trở thành “hot” trong mắt những cô gái trẻ tuổi, xinh đẹp. Nhưng chinh phục những “máy bay” lại tạo cho họ sự hứng thú riêng. 

Hội “chăn rau”

Một hội khác cũng có quan điểm khác người là hội chăn rau, hay còn được gọi dưới một cái tên khác là hội “nông dân”. Khác với hội “phi công” chỉ đi tìm những người phụ nữ hơn tuổi, hội chăn rau thì chỉ cần dễ dãi và… lên giường với bất kỳ cô gái nào đồng ý. “Rau” ở đây được hiểu là những cô gái trẻ, đang đi học hoặc đi làm, và đặc biệt là sạch, bởi họ không phải là những gái gọi, gái đứng đường… Những thành viên trong “Hội chăn rau” cũng thường tự đặt cho nhau tên gọi chung là những nông dân và nick name khác người. Họ cũng chia sẻ cho nhau những số điện thoại, kinh nghiệm tiếp cận… Điểm chung của những thành viên trong hội này là chỉ cần tình dục, không cần tình yêu. Một số thành viên trong những hội chăn rau cho rằng việc “bóc bánh trả tiền” không làm nên hứng thú đối với họ, họ tìm đến những cô gái trẻ để chinh phục, rồi quan hệ tình dục, sau đó… rút êm mới thực sự thú vị. 

Và loạn hội

Ngoài những hội bệnh hoạn, thác loạn, nhiều hội được thành lập trên mạng internet cũng không mang nhiều ý nghĩa tích cực. Có thể đây là nơi vui chơi, giải trí của một số thành viên thừa thời gian. Bản chất của những hội này là tập hợp những nhóm người cùng sở thích, cùng thói quen… 

Và từ đó kể cả những sở thích, thói quen kỳ quái cũng được lập nên thành hội. Vào các bang hội kiểu này, các thành viên chỉ việc “chém gió” nhiệt tình, làm quen, nói chuyện với những người cùng sở thích. Khi số lượng thành viên đông dần, sẽ có những buổi “offline” gặp nhau ngoài đời để… tiếp tục “chém gió”. Nhiều hội như “Hội những người đã ngu còn thích tỏ ra nguy hiểm”; “Hội những người thích làm việc trong WC”; “Hội những người thích ngắm gái đẹp”; “Hội những người đêm không ngủ toàn chơi”… Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, các hội được lập trên mạng internet đã có thể tính đến con số hàng trăm.. 

Nhiều bang hội “hot” có thể đạt số thành viên vài nghìn người chỉ trong vòng 1 tuần. Nhưng các hội này cũng chẳng thể trụ lại lâu với số lượng thành viên khủng như vậy. Cũng có thể ngay tuần sau, các hội “hot” chỉ còn 30 thành viên cộm cán nhất. Hội “Đi học chỉ để điểm danh” có đến gần 30 nghìn thành viên, hay hội “bóp kem đánh răng” cũng có số lượng thành viên theo dõi lên tới gần 20 nghìn người. Không những thế còn có “Hội những người thích tự tử”, dạy cách tự tử cũng thu hút khá đông cư dân mạng tham gia.

“Hội những người thích vẽ bậy vào sách giáo khoa” cũng có tới gần 21 nghìn người tham gia. Phần lớn thành viên là những người còn đang đi học và có sở thích rất quái đản là… vẽ bậy lên sách giáo khoa. Họ coi đó là một nghệ thuật, và cách để thể hiện cá tính của mình. Nhưng những cuốn sách giáo khoa mang đầy tính sư phạm bị vẽ bẩn, bôi nhọ quả thực khiến nhiều người không đồng tình. Nhưng có vẻ càng nhiều người không thích, thì số lượng thành viên của hội lại càng tăng. 

Theo ANTĐ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC