Những teen thuộc "ồn ào hội": Độc và quái Xuất hiện vài phút, gây ồn ào rồi lẳng lặng biến mất, có nhiều bạn còn chưa được khán giả biết tên... Đó là đặc điểm nhận dạng chung của các thành viên trong "hội ồn ào".

 Thấy im ắng là xoắn tay áo

Chúng ta cùng nhớ lại nhé, đầu năm học này, các thành viên mới phải vài lượt vào trường tập trung, sinh hoạt nội quy, vừa ngán vừa bỡ ngỡ. Rồi đột nhiên người ấy xuất hiện giữa đám đông. Sau lời chào ấn tượng, người ấy bày ra đủ trò chơi.

Có lúc, bạn phải nhún nhảy theo nhạc, có lúc bạn cười mỏi miệng vì những câu pha trò của người ấy. Sau đó người ấy biến mất, thậm chí bạn quên mất người ta tên gì, nhưng kết quả lớp vui ơi là vui, bạn bè đang xa lạ giờ đã kết dính cùng nhau. Và khi có sinh hoạt tập thể, người ấy lại xuất hiện xua tan không khí trầm lắng. “Người ấy” chính là những người bạn hài hước, những cây hài “cấp lớp”...

Bạn Nguyễn Anh Phương (cựu học sinh trường THPT Tân Bình) đã có hơn 3 năm đảm nhận vai trò hoạt náo ở trường và các phong trào, chia sẻ: “Khi thấy không khí trầm, hoặc người tham dự lơ là, người hoạt náo phải xuất hiện bày trò chơi, yêu cầu hô tên đội hoặc vài câu đối đáp vui với khán giả, vừa để thay đổi không khí vừa dẫn vào nội dung sau”.

“Độc và quái”

Điểm chung nhất của các bạn làm nghề hoạt náo là không sợ xấu. Hay đúng hơn càng “quái” càng tốt. Làm hoạt náo tại các hội trại trong thành phố và các tỉnh, anh Bá Tòng (Nhà thiếu nhi Q.11, TP.HCM) luôn mang theo các đạo cụ như: mắt kính không tròng, tóc giả, giày, ất nhiều màu… Khi lên sân khấu, để dễ dàng hoạt náo, anh không cần chải chuốt như những nam MC khác mà chỉ cần biến hóa lúc làm cụ già, lúc làm chú két La La xanh đỏ.

Tương tự như thế, teen quận 1 và sinh viên Đại học Hoa Sen chỉ quen gọi Trần Gia Bảo (SV năm II, Đại học Hoa Sen) với nghệ danh chị Ba.

Khi học lớp 10, THPT Bùi Thị Xuân, Gia Bảo tham gia một vở kịch. Để gây cười,“đạo diễn” buộc bạn phải giả gái và xưng chị Ba. Vai diễn thành công đến mức sau này khi bạn đứng trên sân khấu, câu “Gia Bảo xin chào các bạn” không gây hiệu ứng bằng “chị Ba chào mấy cưng”. Gia Bảo chia sẻ: “Miễn sao gây được sự chú ý của các bạn và tạo được tiếng cười là mình vui rồi”.

Và đó cũng chính là những “chiêu” tạo nên phong cách riêng của người hoạt náo.

Những teen thuộc

Anh Phương (xe đạp) vừa hoạt náo vừa tuyên truyền luật giao thông 

Tự tin, nhanh nhạy và hơn thế nữa

Một điểm cộng đầu tiên và rất lớn cho các bạn làm hoạt náo là: luôn tự tin và lạc quan. Gia Bảo chia sẻ: “Bạn phải luôn lạc quan và tin vào bản thân mình. Nếu bạn rụt rè thì không thể khuấy động được đám đông”.

Bạn Mỹ Hằng (11B5, THPT Tân Bình) là bạn nữ hiếm hoi trong “hội” hoạt náo. Năm lớp 10, Mỹ Hằng đăng kí là cộng tác viên cho Ban Chấp hành Đoàn, cũng lần đầu tiên bạn được làm hoạt náo. Dù cách tổ chức trò chơi của bạn chưa có gì đặc biệt, nhưng Hằng được hoan nghênh vì sự tự tin. Và vì giữ được sự tự tin đó, Hằng đang là cây hoạt náo nữ khá ấn tượng của quận Tân Phú.

Muốn làm người hoạt náo giỏi, bạn phải biết và vận dụng tốt các trò chơi tập thể. Nhưng không phải lúc nào bạn cũng làm y chang nhau, bạn phải biến hóa thường xuyên. Ví dụ trong trò chơi Tôi cần, bạn phải yêu cầu những thứ thật lạ, và “sốc” như chiếc tất, dây thắt lưng để thử thách độ “lăn xả” của người chơi.

Những teen thuộc

“Cụ” tóc bạc Bá Tòng

Ứng xử nhanh nhẹn cũng là yếu tố không thể thiếu. Năm 2011, trong một buổi sinh hoạt cụm tại trường THPT Phú Nhuận, bạn Anh Phương đã đảm nhiệm vai trò hoạt náo viên. Nhìn xuống, Phương thấy lực lượng teen Phú Nhuận quá đông nhưng teen trường Tây Thạnh và Tân Phú lại quá ít.

“Nếu yêu cầu hô to khi được gọi tên, có thể teen hai trường này sẽ “tự ti” mà rút êm khỏi hội trường. Nên mình đã quyết định nhập tên hai trường Tây Thạnh và Tân Phú xướng lên một lượt: Tây Thạnh và Tân Phú đâu nào? Các bạn ho đáp lại rất to, nên tinh thần của buổi tổng kết hôm đó có vẻ rất cân đối”, Phương nhớ lại giải pháp của mình.

 Theo Mực tím.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC