Sống gấp, "dạt vòm" để khẳng định "tôi đang lớn"Yêu nhau là phải quay clip hay sẵn sàng bỏ nhà đi "dạt" nhiều ngày là cách mà nhiều bạn trẻ đang làm để chứng tỏ rằng "tôi đang lớn"...

 “Đã yêu nhau trước sau gì chẳng có “chuyện ấy”, nếu không thì giới tính có vấn đề” - một bạn nữ 19 tuổi đã mạnh dạn tuyên bố như thế trong lúc "tám" với nhóm bạn đồng lứa. Đây không chỉ là phát ngôn gây sốc, mà nó thể hiện một phần lối sống của giới trẻ hiện nay:

"Thoáng" trong tình yêu và họ cho rằng như thế mới giống Tây. Nhưng họ chỉ Tây "ở đầu vào", còn khi đã lỡ mang thai, bị bỏ rơi thì lại quay về lối sống truyền thống: Lo lắng, sợ hãi, mất tự tin vì phải đối mặt với nhiều hệ lụy.

Hội chứng "yêu là cho hết mình"

T.M.Hải (sinh viên năm thứ 3, ĐH Văn hóa) cho biết: "So với thế hệ 8x thì thế hệ 9x khác hẳn. Bạn em đến hết học kỳ I năm thứ nhất ai cũng có người yêu và sống "hết mình" với tình yêu đó. Bọn em thực hiện theo tiêu chí "sống là không chờ đợi", phải sống thoáng thì mới giống Tây!".

Còn T.Anh (Lớp 12, trường THPT Việt Nam - Ba Lan, Hà Nội) chia sẻ: "Ở phương Tây, trẻ con từ 14 tuổi trở lên là có thể hẹn hò được nên nhiều bạn trẻ ở Việt Nam cũng bắt chước.

Có bạn sáng mẹ đưa đi học nhưng không vào lớp mà hẹn bạn gái vào nhà nghỉ để "học thêm". Đúng giờ lại ra trước cổng trường để bố đón về nhà". Tuấn Anh cho biết thêm, các bạn của em sẵn sàng "dạt vòm" để khẳng định "cái tôi đã lớn", chứ không còn bé bỏng trong vòng tay của bố mẹ, gia đình nữa.

Nhiều bạn trẻ thẳng thừng tuyên bố: "Yêu là cho, không cho sẽ bỏ". Dù chỉ mới bước vào "vườn yêu" vài tuần, thậm chí vài ngày nhưng họ đã cho nhau "ăn trái cấm". Dường như đó là hội chứng "đôminô" theo phong trào, yêu mà chưa "làm chuyện ấy" sẽ bị coi là tụt hậu và không đẳng cấp.

Thời gian gần đây, không chỉ là chuyện khoe hàng của các sao Việt mà trào lưu phô bày cơ thể bằng cách chụp ảnh khỏa thân đã trở thành niềm đam mê của nhiều bạn trẻ. Họ thuê hẳn các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp với giá không hề rẻ: Từ 3 triệu đồng trở lên cho một album "nude" với đủ các tư thế, uốn éo nhằm "ghi lại thời thanh xuân" của họ.

Mới đây, cư dân mạng ồn ào trước hàng loạt tấm ảnh hở hang của một hotgirl, không chỉ chụp một mình, mà cô gái trẻ này còn chụp ảnh "nude" với bạn trai của mình. Trên facebook của cô gái này, một topic có tới hàng ngàn lượt truy cập với hàng trăm bình luận về bộ ảnh sex.

Chụp ảnh "nude" chưa đủ, nhiều bạn trẻ còn quay các clip để ghi lại phút giây "vui vẻ". Và trong phút bất cẩn, nhiều clip đã bị  lộ ra ngoài trở thành đề tài bàn tán của giới trẻ, khiến người trong cuộc "xấu hổ" không dám gặp bạn bè.

Những hình ảnh đó dù vô tình hay hữu ý đã thực sự gây bức xúc, hoang mang trong dư luận. Và nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng, chuyện gì sẽ đến với các bạn trẻ sống theo những trào lưu lệch chuẩn và sẵn sàng buông thả?

Không chỉ quan niệm thoáng, yêu là phải… "đụng hàng", nhiều bạn trẻ, nhất là các nam sinh, nữ sinh ở tỉnh xa lên thành phố học tập sẵn sàng rủ nhau về góp gạo thổi cơm chung, tập làm vợ chồng trẻ.

Ngày nay, sống thử không còn là điều gì đó quá lạ lẫm với các sinh viên. Với họ, sống thử là giải pháp trong tình yêu và rất nhiều bạn trẻ đồng tình với quan điểm sống thử không phải là xấu. Họ cho biết, sống thử để xem có hợp nhau không, nếu không thì đường ai nấy đi và không cần hối tiếc.

Sống gấp,

Hiểu biết giới tính nửa vời có thể đẩy bạn trẻ tới những hậu quả khôn lường.

Vì đâu nên nỗi?

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2011, Việt Nam được liệt vào những nước có tình trạng nạo phá thai ngoài ý muốn khá cao. Đối tượng đi nạo phá thai chủ yếu là nữ thanh niên tuổi 15 - 25. Có nhiều thiếu nữ đã từng phá thai ngoài ý muốn đến lần thứ 3 trong một năm.

Đây là con số giật mình cho những ai quan tâm đến giới trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý, thực trạng này là do ảnh hưởng từ lối sống quá thoáng của giới trẻ, biểu hiện của sự khủng hoảng về mặt giá trị đạo đức trong lối sống.

PGT.TS tâm lý học Nguyễn Hồi Loan (nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH &NV - ĐHQG Hà Nội) cho rằng, việc một bộ phận nữ sinh, nam sinh khoe thân trên mạng, sống thử trước hết là do các em chưa được nhận thức và giáo dục một cách đầy đủ về văn hóa giao tiếp.

Bên cạnh đó, các em còn bị tác động bởi trào lưu, đua đòi với bạn bè khi mà hàng ngày các em thường bị "nhốt" trong bốn bức tường, tự do với internet cùng một nhóm bạn "ảo" ... Dường như tâm lý "bầy đàn" này đang được các bạn trẻ thực hành và cho đấy là chuyện "thường ngày ở huyện".

Nhiều nhà tâm lý cho biết, giới trẻ là tương lai của đất nước, các hành vi của các em còn ảnh hưởng đến kỹ năng sống sau này. Chúng ta còn yếu về giáo dục định hướng kỹ năng sống. Các bạn trẻ chưa được chuẩn bị những kiến thức thiết yếu nên từ việc nhìn thấy rồi làm theo là hành vi bắt chước rất phổ biến và nguy hiểm...

Theo Đời sống & Pháp luật.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC