Khi đã nhập học được một thời gian, tân sinh viên bắt đầu phải đối mặt với những màn chào hỏi quen thuộc của “đàn anh” bằng các bữa nhậu, tiệc rượu liên miên.
Những lễ ra mắt bằng… rượu
Khi còn ở quê nhà, do bố mẹ quản lý chặt chẽ nên phần lớn các chàng trai chưa biết đến bia rượu. Nhưng khi dần quen với môi trường xa nhà với nhiều mối quan hệ khác nhau, thói quen này bắt đầu ngấm và dễ trở thành "bợm nhậu".
Xóm trọ vốn tiện đồ đạc nấu nướng, dễ tập trung, giao lưu nên việc uống rượu rất thường xuyên. Để làm quen, hòa nhập với những thành viên trong xóm trọ, nhiều bạn nam phải tham gia vào buổi “ra mắt”.
Đỗ Văn Phương (ĐH Hồng Đức) cho biết vừa ở trọ được một tuần, mấy đàn anh phòng bên đã rủ sang “liên hoan”. Lúc trước ở nhà ít khi đụng đến rượu, giờ thấy họ uống mỗi người đến nửa lít, Phương cũng có chút hoảng hốt.
Phương chia sẻ: “Lúc đầu mình từ chối nhưng các anh bảo không nể mặt, không nhiệt tình nên buộc phải uống. Mới uống 2 chén, mình đã chuếnh choáng say. Nhưng sau khoảng một tháng, cứ hết “ra mắt” cho em này đến em khác, mình vẫn tham dự, thì tửu lượng cũng khá hơn”.
Nguyễn Văn Hiếu (trường CĐ Công nghiệp Hà Nội) từng biết uống rượu trong các buổi liên hoan lớp năm cuối cấp. Bởi vậy, khi sống ở xóm trọ quanh năm, suốt tháng nhậu nhẹt, trong thời gian ngắn nhập học đến nay, bạn cũng dần dần thích ứng. Thậm chí, thấy Hiếu có khả năng uống nhiều rượu, đàn anh bên cạnh phòng còn “đặc cách”, mang bạn đi theo mình để uống đỡ.
Hiếu nói: “Thực sự khi mình cũng không muốn uống nhiều rượu, nhất là phải đứng ra làm “lá chắn”. Nhưng chân ướt, chân ráo mới ra trọ học, mình không dám thẳng thắn chối, làm mất lòng anh em”.
Có giấy dán thông báo họp đồng hương ở trường đại học, Vũ Linh (trường ĐH Xây dựng Hà Nội) đã tham gia vào buổi giao lưu cho tân sinh viên. Linh muốn được quen biết thêm nhiều bạn bè, anh chị để học hỏi, chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm học tập và cuộc sống.
Linh cho biết: “Nhưng trong buổi giao lưu, con trai phải uống rượu. Sau tiệc tan, còn đi tiếp tăng hai – karaoke thì uống bia nữa. Vì không biết uống rượu nên ban đầu, mình đã từ chối. Tuy nhiên, các anh dồn ép nhiều, còn lôi chiêu khích tướng: Không uống không phải đàn ông.
Mặc dù biết đó là chiêu trò nhưng mình vẫn phải chịu vì sĩ diện của bản thân. Nhiều con gái ở đấy, không uống thì ngại, xấu hổ lắm, mang tiếng nhát gan…”.
Không thiếu lý do hội họp để nhậu khiến tân SV không nỡ chối từ.
Hậu quả khó lường
Vì cả nể và sĩ diện, chỉ trong một thời gian ngắn, không ít bạn trẻ đã sa chân vào con đường rượu chè lúc nào không biết. Thói quen uống rượu được hình thành, kèm theo đó là những hậu quả và tác hại nghiêm trọng.
Chỉ mới một tháng thôi, Phương dần trở thành “sâu rượu”. Tuy nhiên, sau mỗi tiệc rượu, buổi sáng thức dậy Phương thường bị đau đầu, lên lớp luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải.
Không những vậy, Phương đã bắt đầu có dấu hiệu lười biếng do nghỉ học liên tục. Cả đêm tiếp rượu các anh, bạn bè ở phòng trọ, sáng mai Phương không thể nào dậy nổi.
Phương bày tỏ: “Thức dậy sau cơn say, đầu mình đau như búa bổ. Có lẽ một phần còn do rượu ngoài này nồng độ cồn cao. Mình thấy học không còn nhập tâm như trước, trong người luôn mệt mỏi, không minh mẫn”.
Trong xóm trọ mình, cùng lứa năm nhất với nhau, ai uống nhiều hơn, trụ dai hơn, được gọi là “anh cả”. Hơn nữa, sau này khi làm việc, gặp các mối quan hệ, không tránh được việc rượu, bia. Bởi vậy mà từ bây giờ, mình làm quen dần cũng tốt”.
Chút men rượu trên bàn nhậu có thể khiến bạn trẻ trả giá khôn lường.
Vì rượu, Hiếu lại là nạn nhân của một vụ ẩu đả. Rượu vào lời ra, vì lý do “không vừa mắt” và hỗn láo, Hiếu đã bị một bạn rượu đánh. Thương tật không nghiêm trọng nhưng cũng đủ để bạn coi đó là bài học đáng nhớ cho mình.
Còn Linh thì cảm thấy sợ hãi và hạ quyết tâm bỏ rượu, kèm cái tính sĩ diện của mình vì vụ tai nạn. Sau buổi giao lưu của hội đồng hương, trên đường về, vì không tỉnh táo mà đâm vào xe khác.
Vừa phải bồi thường chi phí sửa xe cho người bị nạn, vừa phải nhập viện vì gãy tay, Linh hoảng sợ. Bạn bày tỏ: “Linh phải gọi cho bố mẹ lên thanh toán tiền viện phí và đền bù thiệt hại.
Nhìn sự lo lắng của bố mẹ, cũng như hậu quả do sự bồng bột mình gây ra, Linh hạ quyết tâm không bao giờ đụng đến chất cồn nữa. Cho dù bị khích bác thế nào nữa, thì mình cũng sẽ giữ lập trường. Bởi vì uống rượu, bia không chỉ tổn thương tinh thần, cơ thể mà còn không làm chủ được chính mình”.
Theo Dân trí.