Xem phim đen, tán người con gái xinh nhất lớp,"trùm xò" các trò dại dột trong lớp... là những việc bạn trẻ nam đồng tính làm để tạo ra "vỏ bọc" cho mình.
Hiện chưa có thống kê chính thức về số lượng người đồng tính ở Việt Nam nhưng theo một nghiên cứu do Tổ chức phi Chính phủ Care thì số lượng người đồng tính ở nước ta khoảng 50.000 - 125.000 người.
Trong đó, có những người come-out (lộ diện) giới tính của bản thân nhưng cũng không ít người phải từng ngày cố gắng tạo ra một "vỏ bọc" cho tâm hồn và giới tính thực. Họ sợ sự xét nét, ánh mắt soi mói và cả những hành động miệt thị của cộng đồng nếu họ sống thành thật với giới tính thực của mình.
Xem phim sex để chứng tỏ... nam tính
Hồi học lớp 8, ở lớp tôi có một bạn tên Lê Tuấn A. Hàng ngày, sau mỗi giờ ra chơi, thay vì đi đá cầu, đánh quay với các học sinh nam, Tuấn A. lại chỉ chơi các trò nhảy dây, nhảy bước cùng với các bạn nữ. Lúc đó, chúng tôi không hề có khái niệm thế nào là đồng tính và bạn bè trong lớp chỉ biết Tuấn A. rất khác so với những bạn nam cùng lớp. Và cũng chỉ biết rằng, bố mẹ Tuấn A. luôn bắt cậu cắt tóc đầu đinh, mặc những bộ quần áo hầm hố, dù nó trái ngược với dáng đi mảnh mướt, lời nói nũng nịu và thói quen chỉ chơi với bạn nữ.
Nhưng có lẽ, nhiều người giống Tuấn A. không được may mắn như bạn tôi. Những câu chuyện tôi được đọc từ "Những chuyện chưa kể" (Trung tâm Sáng kiến - Sức khỏe - Dân số (CCIHP) do chính những người đồng tính kể và những chia sẻ của bác sỹ Hoàng Tú Anh (Giám đốc CCIHP) thì không phải ai cũng trải qua tuổi thơ may mắn như bạn tôi.
Mỗi người phát hiện ra mình đồng tính trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung một nỗi đau, một sự ám ảnh thân hình và tâm hồn không đồng nhất. Không ít người trong số họ phải chịu những tổn thương bởi sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong trường học, cộng đồng và ngay trong chính gia đình.
Câu chuyện của Minh (Hà Nội) làm cho chúng tôi không khỏi ái ngại. Ngay từ năm học lớp 10, Minh đã bị mọi người gọi là chị "Minh gái". Những câu mà Minh được nghe quen thuộc như: "Ê chị Minh gái đi đâu đấy?" có lẽ không còn quá xa lạ với Minh. Mỗi lần đến lớp, hễ có cơ hội là đám bạn lại lôi Minh ra lột đồ, đến khi cậu phải chui xuống gầm bàn với khuôn mặt đầy xấu hổ và bực tức thì mới có đứa vứt trả quần cho cậu.
Những tháng ngày tủi hổ bị gọi là "Minh gái" đeo bám cậu. Cái cảm giác bị tách ra khỏi đám con trai khiến cho cậu lo sợ mỗi ngày. Rồi sau những lần đó, Minh tự nghĩ ra cách để chứng tỏ vẻ "nam tính" của mình bằng cách sưu tập, chơi những trò chơi thể hiện "chất" nam tính. Đám con trai lớp 10 bắt đầu thì thào to nhỏ và truyền cho nhau xem mấy câu chuyện người lớn, "phim đen".
Minh quyết phải cho bạn bè "lác mắt" và "nể phục" cậu. Hằng ngày, cậu nhịn ăn sáng, sưu tập những thứ nặng đô hơn, khiến con trai trong lớp phải quỵ lụy và "tôn trọng" cậu. Những băng đĩa "đen" bị cấm, những quân tú có hình khiêu khích của các cô người mẫu, diễn viên là thứ thường có trong cặp Minh thay vì chỉ có sách vở. Móng tay dài, mái tóc bồng bềnh cũng được cắt sạch. Một cái đầu trọc lóc, hình xăm gớm ghiếc trên cánh tay, thậm chí chiếc quần loe mà cánh con trai thích cậu cũng từ bỏ vì sợ người ta tiếp tục gọi "Minh gái".
Uống thuốc ngủ để thoát khỏi thân con trai tâm hồn con gái
Chia sẻ với chúng tôi, chị Tú Anh không khỏi xót xa với câu chuyện của không ít bạn trẻ đồng tính. Nhiều người vì không chịu nổi áp lực từ sự trêu trọc đã quyên sinh. Câu chuyện của Bình (SN 1991) không chỉ dừng lại ở hành động "xù lông" chống đỡ mà Bình còn tìm đến cái chết vì không chịu được sự miệt thị. Mỗi ngày đến trường, Bình đều bị bạn bè gọi là "thằng ái".
Bạn bè vẫn lấy mỗi hành động của Bình ra để trêu trọc. Những ký ức tuổi thơ trong Bình là những lời trọc ghẹo "đồ pê-đê", "đồ xăng pha nhớt...". Kèm theo đó là bị ném đá, ném dép vào người mỗi lần lũ bạn tụ tập đông mà không có chủ đề gì, trò chơi nào hay ho…
Mỗi ngày về nhà, những nỗi đau ở trường, ở lớp Bình không dám kể với mẹ, với chị. Bình càng không thể mong sự giúp đỡ của bố vì sau những lúc trắng tay vì trò đỏ đen bố lại trút sự tức giận lên thân xác các con. Bình phải chịu đòn nặng nhất chỉ vì "ông đã bực mình thì chớ, nhìn mày ông càng ngứa mắt".
Bố đánh Bình vì ông bảo: "Ông đánh cho mày hết cái ẻo lả đi!". Còn mẹ Bình chỉ biết tần tảo làm lụng sớm hôm kiếm tiền nuôi cả nhà và chỉ còn sức để khóc, để tránh những cơn nổi giận của cha. Bà không còn tâm trí và sức lực để mà quan tâm đến những góc khuất trong tâm hồn cậu.
Cắn răng chịu đựng rồi đến một ngày trong năm học lớp 11, Bình cảm thấy không thể chịu đựng nổi nữa. Trong đầu lúc đó, cậu chỉ biết có một cách để không phải chịu sự trêu trọc, không bị cha đánh nữa đó là cái chết. Bình đã mua 30 viên thuốc ngủ và bỏ lên Hà Nội ở căn phòng trọ của chị gái để kết thúc những đau khổ của cuộc đời.
Kể cả đến khi câu chuyện của Bình được kể lại, Bình vẫn nhớ như in cảm giác chóng mặt, mắt hoa lên, đầu đau như búa bổ... và lơ mơ tỉnh dậy trong căn phòng bệnh viện. Thần chết "từ chối" Bình và nó làm cho cậu thấy phải tiếp tục sống và đối mặt với thực tế đáng sợ. Ước mơ trở thành giáo viên của Bình phải dừng lại, bởi cậu không thể chịu nổi những sự kỳ thị của bạn bè.
Rời bỏ quê, Bình xuống Hà Nội học nghề, rời bỏ ngôi làng với những lời châm chọc. Nhưng khi bố cậu ốm, cậu phải về và người làng vẫn lạnh lùng nói với cậu: "Ôi gái đã về đấy à!", kèm theo tiếng cười đầy ác ý.
Theo Người đưa tin.