Yêu cha mẹ trên… "phây"  Ồn ã, thổn thức đến rơi nước mắt qua những chia sẻ, hình ảnh về cha mẹ qua Facebook là cách thể hiện tình cảm đối với đấng sinh thành của nhiều bạn trẻ. Nhưng tình cảm đó liệu có đến được với những người cần được nhận?

 Yêu mẹ hay yêu “phây”?

Trên mạng xã hội Facebook, không khó bắt gặp những hình ảnh, status đã được chia sẻ, cập nhật liên tục với những hình ảnh hay câu chuyện xúc động về sự hy sinh của cha mẹ. Đi cùng đó cũng không ít tình cảm của những người con được được thể hiện qua các con chữ từ bàn phím như: “Nhớ mẹ quá!”, “Hu hu, chỉ muốn về với mẹ ngay thôi!”, “Đã khóc rồi nhé!”, Yêu cha mẹ nhất trên đời!”...

Nhất là vào mùa Vu Lan, tình cảm dành cho đấng sinh thành “làm nóng” trang nhà của nhiều người. Nói cho cha mẹ nhưng thực tế nhiều bạn đang tự nói với nhau, like với nhau... chứ không hẳn đã phải dành cho cha mẹ.

Bởi có thể cha mẹ chúng ta không biết Facebook là gì? Những ông bố bà mẹ ở thế hệ trẻ hơn, “hiện đại” hơn có thể dùng “phây” thì đâu phải đứa con cũng chấp nhận cho bố mẹ kết bạn?

Chưa kể, không ít bạn tình cảm đó đối với cha mẹ chỉ để “chém gió” theo phong trào, để “khoe” bản thân mình với mọi người... Còn thực tế bên ngoài những họ thể hiện có khi còn ngược hẳn với những lời yêu thương thắm thiết đó. 

Nguyễn Văn Vọng, 25 tuổi, làm việc tại một ngân hàng ở Q.7, TPHCM cho biết gần đây cậu ngỡ ngàng mỗi khi vào Facebook cô em gái con dì. Thấy em ấy rơi nước mắt, thổn thức vì mẹ và còn kèm lời thề thốt: “Mình tội lỗi quá! Từ giờ sẽ làm tất cả vì mẹ yêu thương” làm Vọng cũng thấy vui thay cho người dì.

Cuối tuần rồi, Vọng qua nhà dì chơi, thấy dì lủi thủi một mình bên mâm cơm như mọi bận (chồng dì mất). Dì nghẹn ngào: “Cái My nó đòi mua xe máy, dì không chịu nó bỏ đến nhà bạn ở nửa tháng nay rồi”. Và phải một lúc lâu người dì mới thốt lên được với người cháu: “Nó chê mẹ nghèo, cái gì cũng không mua được cho nó”.

“Tôi gọi điện cho My, nó cười vang: “Viết vậy cho vui, có mất mát gì đâu”. Không hiểu nổi…”, Vọng nói.

Cha mẹ cần những điều đơn giản

Không ít bạn trẻ, miệng nói yêu thương bố mẹ nhưng những lời đó thực tế không hề đến với người cần được nghe. Các bạn có thể viết muốn "nhớ mẹ quá đi thôi" nhưng rồi họ sẽ chọn một cuộc tụ họp với bạn bè thay vì về ăn cơm, trò chuyện cùng bố mẹ; nhiều người có thể bỏ hàng giờ đưa người yêu đi mua sắm, dạo phố nhưng sẵn sàng gắt gỏng, cau có khi chở mẹ đi chợ vài chục phút…

Hay như có không ít người ôm máy tính chơi game, chát chít, trò chuyện với bè hàng giờ trong phòng khóa trái cửa, tách biệt hẳn với bố mẹ. Để rồi trong thế giới của riêng mình, họ có thể tẩn mẩn chọn những hình ảnh, những câu nói hết sức xúc động về bậc sinh thành…

 

Yêu cha mẹ trên…

Facebook của một bạn trẻ đặt câu hỏi: Các bạn yêu cha mẹ hay đang cùng nhau "tự sướng?". 

Với những tiện ích của mạng xã hội, những hình ảnh, chia sẻ này có sức lan truyền vô cùng lớn… giữa chính các bạn với nhau chứ không phải người được nhắc đến. Một bạn trẻ viết trên Facebook của mình nôi dung rất đáng để suy nghĩ: “Tui thấy một loạt các bạn lên “phây” làm thơ, viết status tặng mẹ nhân ngày lễ Vu Lan. Nghe cũng yêu đó. Nhưng tui thắc mắc nè: Có bà mẹ nào có Facebook để đọc không ta? Hay chỉ là mấy bạn cùng nhau “tự sướng?”.

Mạng internet, cộng nghệ hiện đại có sức hút ghê gớm đối với mọi người, nhất là với giới trẻ. Cuộc sống của không người giờ đây gắn liền với thế giới trên mạng nên các bạn sao nhãng đời sống thực, ngay cả tình cảm cũng bị nhiều người “hiện đại hóa”.

Ngoài ra, còn có lý do nhiều người không có thói quen thể hiện tình cảm trực tiếp với bố mẹ, họ bị gượng gạo, ngại ngùng nếu bày tỏ ở ngoài. Trên mạng xã hội, nơi bố mẹ không nghe, không biết các bạn dễ bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ hơn cho dù nó rất vô nghĩa. 

Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ nuôi con chẳng ai đòi con phải trả công cho mình. Tuy nhiên, bố mẹ chính là người xứng đáng được yêu thương và quan tâm hơn bất kỳ ai. Sự quan tâm đó có khi chỉ cần là cuốc điện thoại hỏi thăm, một câu nói, một cái ôm, một bữa cơm do chính tay con tự nấu hay một món quà…

Trong năm, ngày tháng nào cũng là ngày để con cái báo hiếu, quan tâm đến cha mẹ. Và đây là điều không thể trì hoãn, chờ đợi vì thế đừng quên trao tình cảm của mình đến với bố mẹ chứ không chỉ những lời nào sáo trỗng, chém gió.

Như chị Thể Uyên, nhà ở Q. Bình Thạnh, TPHCM bộc bạch: “Nếu thực tế bên ngoài, các bạn chỉ cần thể hiện được một phần rất nhỏ như những gì các bạn nói trên Facebook thì các ông bố mẹ đã hạnh phúc quá rồi!”.

Theo Dân trí.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC