Nhân sinh tưởng dài nhưng kỳ thực lại vô cùng ngắn ngủi, thời gian ở trong bất tri bất giác mà lặng lẽ trôi qua. Con người khi đến tuổi trung niên, có lẽ vinh nhục, được mất, thất bại hay thành công cũng đều đã từng nếm trải.

 Đến tuổi này người ta cần trang bị cho mình một số loại tâm thái làm hành trang bước vào tuổi xế chiều an nhiên, tự tại. 

42 1 5 Tam Thai Can Co De Song Tu Tai O Tuoi Trung Nien

(Ảnh: Thạch Thanh Bình)

1. Trầm tĩnh là một loại cảnh giới

Người đến tuổi trung niên đã trải qua cuộc đời bể dâu, những vấp ngã hay thành tựu đều đã gặp, đối với nhiều sự tình họ đã sớm thấu hiểu. Khi người ta đã thông thấu sự đời thì nội tâm sẽ trở nên trầm tĩnh hơn.

Vì sao nhiều người càng đến tuổi trung niên lại càng thấy thanh tĩnh, thản nhiên xem nhẹ mọi thứ trong cuộc sống? Đó là bởi vì trải qua những năm tháng cuộc đời, người ta bắt đầu hiểu ra rằng đặt nặng được mất, xem nặng danh lợi chỉ khiến tâm linh mệt mỏi.

Để nội tâm trở nên trầm tĩnh thì không phải là việc dễ dàng. Một người hiểu rõ bản chất của sinh mệnh mới có thể trầm tĩnh trong tâm. Thành công khiến con người vui sướng tựa như sự mãnh liệt của hải triều. Nhưng hải triều lên rồi cũng tự nhiên xuống, tâm người nếu vui buồn theo hải triều thì sẽ mệt mỏi vô cùng. Cho nên, trầm tĩnh mới là cảnh giới tinh thần cao nhất trong cuộc đời.

2. Chấp nhận, lạc quan đối mặt với cuộc sống

Cổ nhân giảng: “Tướng do tâm sinh”. Kỳ thực, tướng ở đây không chỉ là “tướng mạo” mà còn là hoàn cảnh xung quanh của một người. Nếu một người mà có ý nghĩ tiêu cực thì hoàn cảnh xung quanh của người ấy cũng trở nên không tốt, rất nhiều mâu thuẫn sẽ nối gót nhau mà đến. Trái lại, nếu một người mà luôn vui vẻ và tràn đầy ý nghĩ tích cực thì hoàn cảnh liền lập tức chuyển biến thành tốt.

Đời người, ai cũng đều phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử, những gì đến thì phải đến, không tránh được những điều không may. Hãy biết chấp nhận cả những điều không may, lạc quan đối mặt với hết thảy những bất trắc trong cuộc đời. Hãy dùng tâm thái “thuận theo tự nhiên”, “được mất tùy duyên” để đối đãi, như vậy sẽ sống tuổi trung niên thoải mái hơn, trong lòng sẽ thấy nhẹ nhàng hơn.

3. Mở rộng tấm lòng

Người có tấm lòng quảng đại mới có thể bao dung được thiên hạ, dung nạp được mọi sự tình vui buồn. Người có thể dùng lòng khoan dung mà lượng thứ cho khuyết điểm của người khác thì không chỉ khiến cho đức hạnh của bản thân mình nâng cao lên mà còn có thể cảm hóa, thiện hóa người khác.

Nhà Phật dạy rằng, con người có nợ thì phải hoàn trả. Trong dòng lịch sử dài này, trong vòng luân hồi chuyển kiếp này, rất có thể vì chúng ta đã từng làm tổn thương người khác cho nên giờ đây người khác mới làm tổn thương lại mình. Cho nên, một người tuổi trung niên có thể biết bao dung, tiếp nhận thì trong tâm sẽ an nhiên tự tại.

4. Ghi nhớ “tiền tài là vật ngoại thân”

Có câu nói rất hay rằng, “tiền mà bạn tiêu đi mới là tiền của bạn, tiền để trong ngân hàng không phải tiền của bạn”, cho nên điều phải quý trọng nhất là bản thân mình, quý trọng tình thân, không phải tài vật của cải.

Con người khi được sinh ra đều là trần trụi, vô cùng đơn giản, thứ gì cũng đều không có. Con người khi chết đi, lẻ loi trơ trọi, lặng lẽ vô cùng, thứ gì cũng nắm không được, mang không theo. Cho nên đừng để tâm của mình bị vây khốn bởi tài vật, đừng vì tiền tài danh vọng mà đánh mất đạo đức, lương tâm của bản thân. Một người chiếm giữ càng nhiều thì sẽ càng bị chiếm giữ nhiều. Khi một người sống mà quá coi trọng vật chất, phụ thuộc vào những yếu tố ngoại cảnh thì điều mang đến cho họ chỉ là những tổn thất về mặt tinh thần.

Trái lại, một người theo đuổi sự an bình trong tinh thần sẽ vứt bỏ những phức tạp trong lòng, không bị dính mắc vào những thứ ngoại vật. Người tuổi trung niên sống đơn giản, trong các mối quan hệ họ cũng không quá bị chi phối và như thế họ sống thoải mái, vui vẻ.

 

5. Con cháu có phúc phận của con cháu

Từ Miễn là một vị quan thời nhà Lương, suốt đời ông đều có địa vị cao. Nhưng ông nghiêm khắc với bản thân, làm việc công chính mà cẩn thận, tiết kiệm không tham lam, không quan tâm đến tiền tài của cải, gia sản của bản thân. Ông thường đem phần lớn số bổng lộc của mình chia cho người thân, bạn bè và những người dân nghèo khổ. Bởi vậy trong nhà ông không có của cải gì đáng kể cả.

Trong số khách khứa và bạn hữu của ông có nhiều người khuyên ông nên tích góp một chút sản nghiệp để lại cho con cháu. Nhưng ông trả lời rằng: 

“Người ta để tiền của lại cho con cháu, còn tôi để tiếng thơm lại cho con cháu. Con cháu mà có đức có tài, chúng tự nhiên có thể sáng lập nên gia nghiệp. Còn nếu chúng không có tài đức, thì dẫu tôi có để lại tài sản cũng là vô dụng. Con cháu tự có phúc phận của con cháu”.

Các bậc làm cha làm mẹ thường mong muốn con cái có cuộc sống sung túc, ấm no, vì thể họ luôn muốn lấy những gì tốt đẹp nhất để lại cho con cái. Nhưng kỳ thực bất kể là cấp cho chúng bao nhiêu tiền của đi nữa thì cũng đều là những vật ngoài thân. Các bậc hiền đức xưa đều cho rằng, chỉ có dạy con trọng đức hướng thiện, mới là thực sự lo cho tương lai lâu dài của chúng.

Chỉ có như vậy mới có thể giúp chúng thu được lợi ích chân chính, bất kỳ lúc nào cũng có thể bảo trì được đầu não thanh tỉnh sáng suốt, biết phân biệt rõ đúng sai, lựa chọn con đường nhân sinh đúng đắn mà có được tương lai tốt đẹp. Đó cũng chính là lưu lại phúc đức cho con cháu một cách thiết thực nhất.

An Hòa

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC