"Nếu ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc!" - Câu nói ấy luôn văng vẳng trong tâm trí của những đứa con
Một câu chuyện về mẹ đã có từ lâu và được chia sẻ khá nhiều, thế nhưng ý nghĩa của nó chưa bao giờ phai mờ. Một câu chuyện khiến bất cứ ai đọc cũng phải nghẹn ngào, xúc động và nó giống như 1 lời nhắc nhở những đứa con đừng làm mẹ phải khóc.
Chàng trai trong câu chuyện dưới đây từ nhỏ đã được mẹ và 2 chị chăm sóc rất chu đáo. Mọi người đã hy sinh nhiều thứ để chàng trai được học tập và trưởng thành trong điều kiện đầy đủ.
Thế rồi ngày anh lấy được vợ giàu, được sống trong điều kiện sung túc, mọi thứ đã dần thay đổi. Anh cảm thấy ngượng và khó xử khi mẹ của mình lên thăm con cháu, ngại mẹ của mình chạm mặt bố mẹ vợ giàu kia...
Anh cứ tưởng hàng tháng chu cấp đủ tiền cho mẹ ở dưới quê là bà sẽ cảm thấy vui lắm...nhưng anh đã lầm rồi.
Ngày vợ anh đẻ, mẹ lên thành phố thăm con, thăm cháu. Vợ anh ăn cơm mẹ chồng nấu thì phải nhập viện vì đau bụng, anh quát mẹ, đuổi mẹ về quê...10 năm sau, sự thật của vụ việc ngày hôm ấy đã được sáng tỏ.
Hành động ngày hôm đấy đối với mẹ sẽ khiến anh phải ân hận cả đời...!
Dưới đây là nội dung câu chuyện Ảnh minh họa
Tôi là con trai duy nhất trong gia đình có 3 chị em. Bố mất sớm nhà lại nghèo nên các chị đều phải nghỉ học từ rất sớm để đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.
Chỉ có tôi là được ăn học tới nơi tới chốn. Cũng không phụ lòng gia đình, tôi là thằng học khá và đỗ đại học ngay năm đầu tiên.
Vậy là chị và mẹ lại cố gắng làm lụng, dành dụm để nuôi tôi ăn học. Ý thức được gia cảnh của mình nên tôi cũng không dám yêu đương sớm, dù khi học đại học có rất nhiều bạn gái thầm thương tôi.
Ra trường, tôi quyết tâm phải bám trụ lại bằng được ở thành phố với hi vọng đổi đời. Tôi không thể mang tấm bằng đại học loại giỏi này về quê rồi đi làm công nhân được.
Ông trời cũng không phụ công tôi sau 2 tháng cật lực rải hồ sơ. Một công ty tư nhân nhận tôi vào thử việc, đúng ngành nghề học nên tôi đã phát huy được sở trường của mình ngay thi thời gian thử việc kết thúc. Ngày tôi được nhận vào làm chính thức cũng là ngày tôi biết con gái giám đốc công ty đang để ý tới mình.
Khi đó em chủ động làm quen trước chứ không phải là tôi. Nhưng tôi cũng là thằng biết chớp thời cơ ngàn năm có một này. Nếu muốn tồn tại ở cái thành phố đông đúc bon chen này, tôi phải có một chỗ dựa vững chắc.
Ngày tôi thông báo mình lấy vợ thành phố lại là con giám đốc công ty, mẹ và 2 chị mừng chảy nước mắt. Lúc này một chị đã lấy chồng, còn một chị nói sẽ ở vậy chăm sóc mẹ. Ai cũng mong tôi sớm yên bề gia thất.
Tất nhiên tôi không tổ chức đám cưới ở quê mà làm hết trên thành phố. Cưới xong tôi đưa vợ về quê làm vài mâm cúng ông bà và bố và cũng là để báo hỉ với mọi người. Ở lại 1 đêm tôi đưa vợ đi ngay, vì vợ tôi sống ở thành phố quen rồi về quê nhiều cái bất tiện.
Lúc đi mẹ lúi húi ra vườn bắt con gà. Đầu vẫn còn dính đầy rơm vì đuổi gà, bà bảo:
- Con mang lên biếu ông bà thông gia, gà quê người thành phố quý lắm.
- Mẹ ơi, thành phố giờ có thiếu gì đâu. Có tiền là mua được hết.
Nói rồi tôi dắt vợ ra bắt xe, mẹ đứng nhìn theo chúng tôi ra khuất khỏi cổng, tiếng con gà trống vẫn kêu quang quác.
Lấy vợ tôi được thăng chức trưởng phòng, được ở nhà lầu và đi xe hơi. Tất nhiên toàn là đồ nhà vợ sắm cho. Chính vì vậy tôi cũng làm tròn bổn phận của đứa con rể có hiếu, và yêu thương vợ vô cùng.
Hàng tháng tôi vẫn gửi tiền về cho mẹ và chị, tôi nghĩ với số tiền tôi gửi mẹ và chị sẽ sống dư giả. Coi như tôi đã đền đáp được phần nào công sức mọi người hi sinh cho tôi ăn học.
Cưới 1 năm vợ tôi sinh. Tất nhiên chuyện vợ ở cữ đã có ô sin và mẹ vợ thi thoảng sang giúp, tôi cũng không cần nhờ đến mẹ đẻ của mình. Tuy nhiên bà vẫn cứ muốn lên thăm đứa cháu đích tôn của bà, tôi gàn vì đường xá xa xôi nhưng lý do chính vẫn là tôi sợ khi mẹ gặp bố mẹ vợ, sẽ làm tôi khó xử.
Bà cứ gọi điện hỏi thăm vợ tôi liên tục vậy là cô ấy mời bà lên. Vợ mời mẹ lên rồi nên tôi cũng không dám cản. Bà lên tay xách nách mang cho con và cháu nào gà, nào trứng, nào gạo nào khoai.
Tôi phải bảo chị ô sin mang ngay ra bên ngoài kẻo chúng nó ị hết ra nhà. Vậy mà chưa hết, mẹ chưa rửa tay đã định ẵm cháu, tôi phải nhắc: "Mẹ vào rửa mặt rửa chân tay và thay đồ đi đã rồi hãy ẵm cháu. Bà ngồi trên xe, bụi bặm nhiều lắm không cẩn thận cháu lại bệnh đấy".
Trưa đó, tôi có việc phải ra ngoài tiếp khách không ăn cơm nhà. Nhưng 12 giờ trưa thì nhận được điện thoại của vợ: "Em đau bụng quá, em bắt taxi vào viện đây, anh tới luôn đi". Tôi phi như bay vào viện, lúc đó cô ô sin vào cùng vợ tôi. Tôi hỏi vội:
- Làm sao chị lại đau bụng thế?
- Dạ lúc em nấu cơm thì bà nội cu Tí bảo để bà nấu cho. Em cũng để bà xào nấu. Chẳng biết bà cho cái gì vào đó mà lúc bê đồ vào cho chị, chị ăn xong rồi đau bụng.
Tôi sa sầm nét mặt. May mắn là bác sĩ bảo vợ tôi chỉ bị đi ngoài, không sao. Chiều ấy để ô sin ở lại với vợ tôi về nhà với con. Chờ mẹ vợ về rồi tôi không nhịn nổi nữa quát mẹ mình ầm ĩ:
- Mẹ nấu nướng cho cái gì vào mà để vợ con như thế. Thôi mẹ về quê đi, ở đây không có việc gì cần mẹ giúp đâu.
- Con…
Bà lẳng lặng cắp gói quần áo lủi thủi đi. Đến cửa bà quay lại nói với tôi: "Nói với cái Hà cho mẹ xin lỗi nhé. Mẹ không cố ý hại con dâu đâu".
Tôi chẳng trả lời, bắt xe ôm cho bà ra bến xe để bà về. Vợ về có trách tôi nóng tính, làm thế bà sẽ buồn nhưng mà hôm nay vợ tôi lỡ xảy ra chuyện gì thì tôi biết ăn nói sao với bố mẹ vợ.
Tết tôi cũng không về quê mà ở luôn thành phố, chỉ có giỗ bố là về thắp hương cho ông rồi lại đi. Mẹ và chị cũng chưa bao giờ giục chúng tôi về. Thỉnh thoảng nhớ cháu bà gọi điện lên thăm cháu. Tôi vẫn gửi tiền về quê hàng tháng cho mẹ và chị, chị gái thứ 2 của tôi không lấy chồng.
Vợ là con gái duy nhất nên cuối cùng tôi cũng được tiếp quản công ty của bố vợ. Và những gì tôi làm đã không phụ lòng ông. 10 năm lấy vợ, có thể nói cuộc đời tôi đã thay đổi hoàn toàn. Từ một thằng bé mồ cô cha, ăn cơm độn khoai độn sắn giờ tôi đã trở thành tỷ phú.
Đêm ấy, một đêm mùa đông khá lạnh. Chị gái gọi điện báo mẹ mệt lắm. Tôi định sáng mai cùng vợ và con về nhưng linh tính thế nào lại lái xe về một mình luôn trong đêm.
Về tới nơi đã 3 giờ sáng, thấy mẹ nằm ở cái giường ngoài. 2 chị đang bên bà, bà vẫn đắp cái chăn cũ từ cái ngày tôi còn nhỏ:
- Sao chị không mua cho mẹ cái chăn mới?
- Chị mua rồi nhưng mẹ không đắp. Mẹ bảo đắp cái chăn này thì lúc nào mẹ cũng có cảm giác như bố vẫn luôn ở bên mẹ.
Mẹ ra hiệu gì tôi không hiểu. Chị hai phải là người phiên dịch: "Em ghé tai mẹ muốn nói gì đó. Mẹ phải đợi em về bằng được để bà nói".
Tôi ghé sát tai xuống: "Con à… mẹ xin lỗi… cái Hà bị đau bụng… là do… mẹ bỏ khoai lang… vào canh đấy". Rồi mẹ tôi nhắm mắt, trút hơi thở cuối cùng.
Lo hậu sự cho mẹ xong, tôi về thành phố nhưng lòng vẫn thắc mắc về những lời mẹ chăng trối trước khi mất. Tôi hỏi vợ:
- Dạo em sinh thằng Bin, lúc ở cữ bà lên nấu cơm cho bị đau bụng ấy. Hôm ấy là em ăn cái gì?.
- Ơ, em tưởng anh biết rồi. Bác sĩ nói có thể do em ăn nhiều khoai nên lạnh bụng. Vì em kêu với mẹ em bị táo bón 1 tuần chưa đi vệ sinh được nên mẹ bảo ăn thử khoai luộc xem, nhưng vì ăn ngon quá nên em đã ăn nhiều nên mới thế.
Tôi ngớ người, ân hận thì đã muộn. Tại sao ngày đó tôi lại mắng mẹ và đuổi mẹ về như vậy. Tôi là thằng con bất hiếu mà.
Cả đời mẹ đã hi sinh cho tôi mà và tới lúc nhắm mắt mẹ vẫn lo cho tôi: "Tiền em gửi về mẹ đã gửi tiết kiệm hết, giờ chị đưa lại cho em. Bà bảo để dành sau này cho em, sợ lúc em sa cơ lỡ vận".
Lời chị gái thứ 2 nói lúc tôi về thành phố như vẫn còn văng vẳng bên tai khiến tôi đau thắt lồng ngực.
(Sưu tầm)