Mà cả nước bây giờ là trăm triệu, gấp bốn lần hồi Tản Đà thốt lên: "Dân hai nhăm triệu ai người lớn?"
Cũng có thể giờ đây với đám đầy tớ béo mẫm ấy, thì nhân dân đã có danh hiệu lớn "cần cù, vĩ đại" để cả đời hưởng niềm vinh dự với công việc bới đất lật cỏ rồi, không cần gì hơn?
Vì thế họ cứ việc khua khoắng thoải mái.
Cách biến Tòa án thành sân khấu hài, coi quan tòa là thứ cùng "một giuộc" không chỉ cho thấy những kẻ ăn cắp không mảy may ân hận, mà còn đến cấp kinh sợ hơn: Chả việc quái gì phải ân hận.
Nhà văn nào cứ thử bê nguyên xi ông cựu đô trưởng làm nhân vật, tức là không cần sáng tạo mảy may, cùng với những câu ông ta nói, sẽ được một nhân vật hoặc quá đặc sắc, vượt xa mọi tưởng tượng, hoặc bị vu cho tội bóp méo, bôi bác hiện thực, ác cảm với quan chức.
Tôi đã từng bị coi là "thiếu hiểu biết, thiếu thực tế quan trường" khi để cho tay huyện trưởng (chỉ là con muỗi so với cỡ bộ trưởng" dùng uyển ngữ, nói bóng gió vòi tiền doanh nghiệp.
Theo những người phê phán tôi, bọn quan chức xấu đến mấy, tham đến mấy nhưng vì chúng được học qua nhiều trường lớp, nên không thô thiển, trắng trợn như nhân vật của tôi.
Rằng họ tham nhũng tinh tế hơn nhiều.
Cũng có thể do tôi kém cỏi thật, hoặc tốc độ trơ trẽn, tham tàn, vô liêm sỉ của đám quan tham tăng chóng mặt chỉ sau chưa đầy dăm năm? Kinh khủng nhất là với một quốc gia thu nhập bình quân đầu người cho 365 ngày khoảng trên dưới trăm triệu đồng, mà cả chục tỉ chỉ là chuyện quà cáp, không vụ lợi!?
Nó đã bình thường đến mức những người giữ cán cân công lý thậm chí còn tìm thấy ở đó sự "cảm thông" theo kiểu tay phải đánh tay trái thì đau ai?
Vẫn cần ghi công những người "đốn củi mục", vì bớt được con nào trong cái lũ chuột lớn nhỏ lúc nhúc ấy, vẫn tốt hơn là không làm gì.
Nhưng nhất định phải hỏi họ: Vì sao nạn tham nhũng chống mãi cũng chả thấy đám quan tham rụt bớt tay lại, hoặc ít ra cũng có một chút ngần ngừ, đỏ mặt khi thò tay lần vào cạp quần nhân dân?
Nhà văn Tạ Duy Anh