Đứng tên cùng chồng vài căn nhà lớn, nhưng nếu ly hôn chị Thanh không được chia gì vì tất cả tài sản đều đã thế chấp ngân hàng.
Vốn là hoa khôi một tỉnh miền núi phía Bắc, sau khi kết hôn với chàng giám đốc công ty bất động sản ở Hà Nội, chị Thanh cất tấm bằng đại học, về làm hậu phương cho chồng. Vài năm đầu sau cưới, anh đi sự kiện, gặp gỡ đối tác đều hãnh diện dẫn vợ theo. Ngoài thời gian chăm con, chị cũng hỗ trợ chồng các việc về giấy tờ, hành chính ở công ty. Công việc kinh doanh ngày càng khá, anh chị mua được vài căn nhà lớn nhưng để lấy vốn làm to hơn, anh mang tất cả đi thế chấp ngân hàng. Chị cũng ký giấy vay nợ cùng.
Dần dần, khi quy mô công ty phát triển, chị rút về chăm lo gia đình, tận hưởng thời gian đi làm đẹp, thư giãn.
Anh đi công tác liên miên, cả tháng ăn cơm nhà được 1-2 lần. Ba năm trước, chị phát hiện chồng qua lại với cô thư ký. Anh không hề chối, thậm chí còn thách vợ dám đụng tới người tình.
Nhiều lần, anh công khai dẫn bồ đi nghỉ ở nơi xa hoa và sẵn sàng đánh vợ, cắt chu cấp tài chính nếu chị dám “ý kiến”.
Đỉnh điểm là lúc chị phát hiện chồng đưa nhân tình ra nước ngoài sinh con rồi mua nhà, sắm xe cho vợ bé.
Anh thản nhiên đòi đưa hai con đến “thăm dì, thăm em” và nhổ nước bọt vào mặt vợ khi chị phản đối. Chị Thanh muốn ly hôn nên tìm đến văn phòng luật sư tư vấn.
Ảnh minh họa: LifeWay
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, dù cảm thương cho tình cảnh của khách hàng, ông chỉ có thể tư vấn cho chị thực tế phải đối mặt khi ly hôn. Tất cả các bất động sản vợ chồng đứng tên đều thuộc quyền sở hữu của ngân hàng, muốn được chia, chị phải trả hết các khoản nợ và đó là điều bất khả thi. Như vậy, nếu chia tay, chị sẽ ra đi tay trắng.
“Tôi không thể trở về nhà bố mẹ ở quê, cũng chẳng có chỗ nào mà đi. Hai con tôi đang được ăn sung mặc sướng, đi học trường quốc tế nghìn đô, giờ đời nào chịu ra ngoài sống khổ với mẹ. Nếu chúng có chịu, tôi cũng không đành lòng”, chị Thanh thổ lộ.
Vì lý do này, chị lại ngậm đắng nuốt cay nhận những trận đòn vô lý của chồng và nhắm mắt làm ngơ mối quan hệ ngoài luồng của anh.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, ông đã tư vấn cho không biết bao nhiêu trường hợp phụ nữ là vợ của các đại gia phải chấp nhận cuộc sống như bù nhìn trong nhà chồng hoặc ra đi trắng tay để đổi lấy tự do.
Theo luật sư, trong các vụ ly hôn, bất lợi thường hay rơi vào phụ nữ, nhất là khi người chồng có địa vị xã hội cao, mưu mô bởi họ biết tính toán điều có lợi cho mình, lợi dụng luật để bảo vệ quyền lợi bản thân.
Nhiều phụ nữ định ly hôn sau quá trình tư vấn lại quyết định cam chịu bất hạnh vì sợ mất con, phải làm lại cuộc đời từ số không.
Luật sư Thơm nói, theo luật hiện hành, khi xử ly hôn, nếu có bằng chứng về việc người chồng ngoại tình, người vợ có thể được hưởng lợi về phân chia tài sản nhưng chỉ khi đó là tài sản chung và không bị thế chấp. Ngoài ra, hầu hết vì không tìm được bằng chứng ngoại tình hoặc do người vợ không muốn tố cáo chồng bởi sợ ảnh hưởng xấu tới con nên yếu tố này không được đưa ra trước tòa.
Nhà tư vấn tâm lý Vũ Ánh Tuyết, Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm (Hà Nội) cho biết, thực tế, nhiều anh chồng đại gia dù ngoại tình với hết người này tới người khác nhưng nhất quyết không chịu bỏ vợ. Họ làm mọi cách gây khó dễ, kể cả việc phong tỏa tài sản, lấy con cái ra làm “vũ khí”. Khi đó, không ít chị em phải chấp nhận tiếp tục làm osin không công.
Ảnh minh họa: videoblocks. |
Khi bước vào căn biệt thự nhà chồng, Thu Hoài (Ba Đình, Hà Nội) không bao giờ có thể ngờ một ngày mình muốn bước ra khỏi đó lại khó đến vậy.
Sau khi kết hôn, nghe lời chồng, tiền lương làm ra bao nhiêu chị tiêu hết cho sinh hoạt gia đình, chăm con vì tin anh dành tiền lấy vốn làm giàu, lo cho con du học sau này. Một ngày nọ, chị phát hiện chồng ngoại tình. Không chỉ vậy, ngày nào anh ta cũng chửi rủa, so sánh chị với bồ.
Khi quyết định ly hôn, chị đối diện với sự thật phũ phàng: Ngôi nhà 5 tầng chị đã đã góp một phần tiền để xây vẫn đứng tên bố mẹ chồng.
Chồng chị có cổ phần trong nhiều công ty và cả khu nghỉ dưỡng nhưng tất cả số đó chị không được hưởng gì. Một mảnh đất khác anh ta mua lại do cô em sở hữu về pháp lý.
Sau nhiều đắn đo, chị quyết bước ra khỏi nhà dù không được chia tài sản.
Tuy vậy, người chồng không chấp thuận, bắt chị phải ký đơn từ bỏ con mãi mãi mới cho ly hôn. Chị không đành lòng nên nhùng nhằng mãi.
Chuyên gia tâm lý cho biết, thực tế, sự đánh đổi nào cũng kèm theo mất mát. Nhiều chị em không dám thoát ra vì sợ phải làm lại, sợ mất con, sợ cô đơn… Nhưng càng cam chịu thì nỗi sợ sẽ càng lớn hơn. Không ai khác ngoài họ tự quyết định được hạnh phúc cho bản thân và điều gì đáng đánh đổi.
Theo nhà tâm lý, nếu định ly hôn người chồng có tiềm lực kinh tế mạnh, chị em cần lên trước một kế hoạch dài hạn nhưng phải sẵn sàng rời xa anh ta ngay trong trường hợp bị bạo hành để đảm bảo an toàn.
“Nhiều người sợ ly hôn mình sẽ mất tất cả nên không dám đưa quyết định, nhưng thực tế bạn luôn còn có gia đình, bạn bè ở bên và sẵn sàng hỗ trợ. Hãy mạnh dạn nhờ sự giúp đỡ và điều quan trọng nhất là phải dần tự lập về kinh tế”, chuyên gia chia sẻ.
Vương Linh
VnExpress