Gần 50 năm sinh sống ở thủ đô, tôi cảm nhận được Hà Nội đã khác xưa rất nhiều, thay đổi từng ngày, từng giờ. Thủ đô hiện đại hóa gắn liền với quá trình đô thị hóa nhưng đô thị hóa không đồng nghĩa với bê tông hóa.

1.Dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, có một bức ảnh chụp từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia với phông cảnh đằng sau là tầng tầng lớp lớp những nhà cao tầng trên đường Lê Văn Lương. Bức ảnh được nhiều báo sử dụng như một minh chứng cho thủ đô nói riêng và đất nước nói chung trên đà phát triển và đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Cá nhân tôi thì lại thấy xót xa hơn là tự hào.

1 Do Thi Hoa Va Be Tong Hoa

Trung tâm hội nghị Quốc gia và bối cảnh đằng sau là những khối nhà cao tầng. Ảnh: VTV.VN

Trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu là tuyến đường mới của thủ đô, kết nối trung tâm với phía tây nam của Thành phố. Con đường “non trẻ” này chỉ sau khoảng chục năm đô thị hóa đã trở thành nỗi ám ảnh bởi 2km đường “gánh” khoảng 40 chung cư. Đường Lê Văn Lương là điển hình của quá trình đô thị hóa gắn liền với bê tông hóa. Nhồi nhét nhà cao tầng trên một không gian chật hẹp rồi “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Tắc đường, khói bụi, ngập lụt, quá tải về y tế, giáo dục… là hệ lụy của việc phá vỡ quy hoạch đô thị, xây dựng theo kiểu nhồi nhét. Ai được lợi và ai gánh chịu hậu quả… mọi người đều thấy rõ.

2. Năm 2004, lần đầu tiên đến khu đô thị Linh Đàm - khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội nằm ở phía nam của Thành phố, tôi đã bị quyến rũ bởi những ô cửa sáng đèn bên hồ Linh Đàm thơ mộng và những rặng cây xanh rì. Và rồi, rất nhanh chóng, tôi quyết định rời trung tâm thành phố ra “khu đô thị kiểu mẫu” để trẻ em có tuổi thơ, người lớn được hít thở không khí trong lành. Nhưng cuộc sống êm đềm đó chẳng được bao lâu khi chứng kiến “khu đô thị kiểu mẫu” dần dần bị “băm nát” bởi quá trình xây dựng mang tên “đô thị hóa”. Đau lòng nhất là khi những khối nhà đồ sộ của Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm mọc lên. Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai trở thành điển hình về sự quá tải.

Thôi thì tắc đường thường xuyên, khói bụi phủ kín đã đành nhưng thương nhất là những đứa trẻ đến tuổi cắp sách đến trường bị nhồi nhét trong những lớp học 50-60 cháu/lớp nếu muốn được học đúng tuyến. Và tôi quyết định rời Linh Đàm để tìm một nơi thoáng đãng hơn.

2 Do Thi Hoa Va Be Tong Hoa

Hơn 30.000 cư dân dồn vào 12 tòa nhà của Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm. Ảnh: KT

3. Quá trình làm báo, tôi từng đi tìm hiểu về việc tăng dân số cơ học của Thủ đô. Hóa ra, "khu đô thị kiểu mẫu" Linh Đàm không phải là trường hợp ngoại lệ về tăng dân số chóng mặt trong một thời gian ngắn. Thật khó có thể quên gương mặt mệt mỏi của vị cán bộ phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Vị cán bộ này nói rằng, sau khi các chung cư trên địa bàn phường mọc lên như nấm, dân số ở đây tăng gấp đôi so với trước kia. Chỉ riêng việc chứng thực giấy tờ thì cán bộ phường phải làm cả đêm may ra mới kịp. Chính vì vậy, phường Vĩnh Tuy xin phép thành phố được tách làm hai phường, Vĩnh Tuy 1 và Vĩnh Tuy 2 để có thêm nhân lực giải quyết việc của dân. Vị cán bộ này cũng ao ước “giá như phường nào trong quận Hai Bà Trưng cũng như phường Phạm Đình Hổ. Dân số ít, mật độ xây dựng thấp. Người dân và cán bộ phường thật là dễ thở”.

4. Năm 2017, Hà Nội từng xin ý kiến các bộ ngành về đồ án quy hoạch ga Hà Nội và vùng phụ cận. Theo quy hoạch này, ga Hà Nội và vùng phụ cận được chia thành 9 phân khu chức năng, với những tòa nhà cao tầng, từ 40-70 tầng. Thiết kế được vẽ ra rất mĩ miều nhưng ngay lập tức, đồ án quy hoạch trên đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu thận trọng với quy hoạch khu vực ga Hà Nội. 5 năm đã trôi qua, giờ không thấy ai còn nhắc đến bản quy hoạch này.

3 Do Thi Hoa Va Be Tong Hoa

Khu vực ga Hà Nội được giữ nguyên vẹn sau phản ứng dữ dội của dư luận. 

5. Hà Nội gần đây lại ồn ào với việc phá dỡ khối nhà Pháp cổ ở 61 phố Trần Phú để xây dựng một tổ hợp thương mại dịch vụ khách sạn với 11 tầng nổi và 6 tầng chìm. Nó ồn ảo bởi lẽ, tòa nhà này được xây dựng ở trung tâm chính trị Ba Đình, khu vực đặc thù của thủ đô - nơi có các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Đây cũng là nơi có các công trình mang tầm cỡ quốc gia như Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác, Phủ Chủ tịch…, nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước.

Phá bỏ một công trình cũ kỹ, công năng sử dụng thấp để thay vào đó là một công trình hiện đại, cảnh quan đẹp, tại sao dư luận lại phản ứng? Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khi trả lời phỏng vấn VOV đã nói rằng, hiếm có công trình nào tuân thủ chặt chẽ các quy định về thủ tục, thiết kế như công trình 61 Trần Phú. Công trình được chấp nhận chủ trương di dời và đầu tư từ năm 2010, trải qua nhiều khâu, nhiều bước như: 3 lần Sở quy hoạch kiến trúc góp ý để hoàn thiện phương án, tổ chức lấy ý kiến của chính quyền và nhân dân trên địa bàn, lấy ý kiến của Hội đồng quy hoạch kiến trúc… Nhưng cũng chính vị kiến trúc sư lão luyện này đã trích dẫn Hiến chương Liên Hợp Quốc về bảo tồn, xây dựng các đô thị lịch sử, trong đó có đoạn: “chấp nhận đưa yếu tố thương mại vào đô thị lịch sử nếu như nó phù hợp, hài hòa với tổng thể và được nhân dân chấp nhận”.

4 Do Thi Hoa Va Be Tong Hoa

Khu nhà 61 Trần Phú đang được phá dỡ để xây dựng một tỏ hợp thương mại và khách sạn 11 tầng.

6. Ngày bé, nhà tôi ở khu tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình. Mẹ tôi là công nhân sắp chữ của Nhà máy In Tiến Bộ trên đường Nguyễn Thái Học – nơi có thể nhìn thấy một mặt của khối nhà 61 Trần Phú. Từ Nhà máy In Tiến Bộ, tôi vẫn thường được mẹ đèo xe đạp ra Lăng Bác hay vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thích nhất là nhìn thấy những nhà Pháp cổ hay những khu nhà ngoại giao yên bình dưới bóng cây cổ thụ. Giờ thì Nhà máy In Tiến Bộ đã bị “xóa xổ” thay bằng trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp.

Thành phố mở rộng tứ phía nhưng nhất định khu phố cổ, phố cũ, mọi quyết định phá dỡ, xây mới đều phải rất thận trọng. Những công trình mới mọc lên ở những vị trí trọng yếu, nhất là khu chính trị Ba Đình phải hài hòa với cảnh quan chung, dứt khoát không thể chênh vênh, xa lạ hay “nhòm ngó” vào những công trình hiện tại.

Bài học nhỡn tiền về những công trình phá vỡ quy hoạch, phá vỡ cảnh quan vẫn còn đó. Hậu quả không thể khắc phục một sớm một chiều. Hà Nội sẽ dừng lại hay xây tiếp công trình 61 Trần Phú, quyết định vẫn thuộc về Thành phố./.

Nguồn: VOV.VN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC