Phương và chồng, Khải, là bạn học Đại học. Trong một lần tham gia cùng sự kiện ở trường thì quen, yêu nhau rồi tiến tới hôn nhân. Trong quá trình đó, trải qua bao ngọt ngào cay đắng, họ càng hiểu và trân trọng nhau nhiều hơn.
Năm thứ hai sau kết hôn, Phương sinh được một cậu con trai kháu khỉnh, mập mạp. Điều kiện nhà chồng rất tốt, mẹ chồng vẫn còn đang đi làm nên sau khi Phương sinh con, bà bỏ tiền mua một căn nhà cho vợ chồng con trai. Lúc đó chú út (em trai chồng) nói: “Chị dâu, anh chị lên mua gần nhà mình, có gì mọi người còn giúp đỡ lẫn nhau!”
Mới đầu, Phương cũng không nghĩ nhiều nên gật đầu đồng ý. Cô cảm thấy ở gần bố mẹ chồng cũng rất tốt, sau đó mới phát hiện, chú út bảo vợ chồng cô mua nhà gần nhà chồng là có mục đích. Sự thật là chú út hiện tại chưa kết hôn, mẹ chồng hàng ngày vẫn đi làm nên không ai nấu cơm cho chú ấy ăn, vấn đề ăn uống bỗng trở thành vấn đề với chú ấy.
Lúc đầu, mỗi tuần chú út sẽ đến nhà vợ chồng Phương ăn cơm hai lần. Có lần, chú út nói với chồng Phương: "Anh, anh xem, em chỉ có một mình, không biết nấu cơm, mẹ thì phải đi làm, cũng không thể mỗi ngày đều ăn ở ngoài đường được. Đó là một sự lãng phí tiền bạc!”
Chồng Phương nghe xong cũng cảm thấy có lý, để em trai muốn lúc nào đến nhà mình ăn cũng được, chẳng phải chỉ cần thêm 1 cái bát với 1 đôi đũa sao? Đối với chuyện này, Phương cũng không nghĩ nhiều. Dù sao hiện tại cô ở nhà nuôi con, có nhiều thời gian, cũng hiểu em chồng còn trẻ lại là đàn ông, không biết nấu ăn cũng là chuyện bình thường, hơn nữa giúp đỡ người thân là việc nên làm.
Chú út nghe xong rất vui, thời gian đầu còn có chút ngượng ngùng, mỗi lần đến ăn đều mang theo một chút hoa quả làm quà. Sau khi Phương nói: “Không cần phải khách khí như vậy”, kết quả là từ đó chú ấy cũng không mua nữa, mỗi lần ăn xong liền chùi miệng rời đi, xem nhà anh trai như trạm tiếp tế?
Chớp mắt, chú út ở nhà vợ chồng Phương ăn cơm gần một năm. Một năm này, có khi chú ấy còn chê Phương nấu cơm không ngon rồi yêu sách chị nên nấu món này món kia, mỗi bữa nên có đủ 3 món mặn - xào - luộc. Chồng Phương thấy em trai kén chọn như vậy cũng có chút tức giận, nói: “Không thích ăn thì chú ra ngoài ăn đi!” Sau khi bị anh trai dạy cho 1 trận, từ đó em chồng mới không đòi hỏi nữa.
Cho đến một hôm, nhà đẻ gọi Phương về nhà có việc gấp. Hôm đó Phương đưa con trai về ngoại, lúc vội quên không nhắn chú út tự lo bữa ăn. Tới gần trưa, chú ấy gọi điện cho Phương, khó chịu hỏi: “Chị dâu, chị đã đi đâu?”
Phương lúc đó mới chợt nhớ ra, vội vàng giải thích: “Chị có chút việc phải về nhà ngoại. Buổi trưa em ra ngoài ăn tạm gì đó nhé!”
Nhưng điều làm cho Phương không thể tưởng tượng được là, chú út tức giận nói: "Hừ, chị không muốn nấu ăn cho em thì nói thẳng, sao phải quanh co? Tưởng biết nấu ăn là giỏi lắm à?”
Phương nghe xong nhất thời ngây ngẩn cả người. Không phải là cô không muốn nấu cơm cho em chồng mà là có việc bận đột xuất. Em chồng lại cứ như thể chú ấy mất công đến nhà Phương một chuyến mà không được bữa cơm đều là lỗi của cô. Phương mỗi ngày đều tận lực thỏa mãn tật xấu của em chồng, cuối cùng chẳng nhận được điều gì từ chú ấy, dù là một câu cảm ơn tử tế!
Lây chồng, ai cũng muốn đối xử toàn tâm toàn ý với người nhà chồng, bởi phụ nữ biết họ làm như vậy thì cuộc hôn nhân của họ có cơ hội tốt đẹp hơn mà quan trọng là con người sống với nhau, nên đặt chữ chân tình lên đầu. Nhưng có những việc của nhà chồng, nàng dâu cũng không nên can thiệp quá sâu, tự nguyện cống hiến quá nhiều, nếu không chỉ là “ôm rơm rặm bụng”, tự rước rắc rối!
Theo V.A - Vietnamnet