Không muốn mẹ chồng phải nghĩ ngợi, tôi vui vẻ làm hết các việc cho xong. Thành thử suốt mấy ngày nghỉ lễ, tôi luôn chân luôn tay chẳng được nghỉ ngơi chút nào.

Bố mẹ chồng tôi là người hiểu chuyện. Từ ngày tôi về làm dâu, ông bà luôn đối xử công bằng, chưa bao giờ làm khó con dâu. Ngược lại cô em chồng tôi trái tính trái nết, động là nói bóng gió chê trách chị dâu đủ đường.

Sau cưới vợ chồng tôi đưa nhau lên thành phố làm ăn, được bố mẹ cho một khoản tiền nhỏ để trang trải những ngày đầu chưa xin được việc làm. Em chồng tôi thấy thế, cứ ra vào nói rằng:

“Làm dâu mà không biết nghĩ. Sau cưới không phải chăm lo cho bố mẹ chồng lại còn bòn của mang đi”.

Tôi nghe cũng chạnh lòng lắm nhưng vì mới chân ướt chân ráo về làm dâu nên cố nhẫn nhịn, không muốn xảy ra mâu thuẫn chị dâu em chồng để người ngoài đánh giá, cười chê. Hơn nữa mẹ chồng tôi biết chuyện, bà cũng động viên:

“Con làm chị, đừng chấp với em nó. Để từ từ mẹ sẽ bảo ban em thêm”.

Thực tế, bà cũng rất nhiều lần mắng cô ấy, phân tích nặng nhẹ, đúng sai đủ đường trong cách cư xử nhưng em chồng tôi vẫn chứng nào tật ấy, chẳng chịu thay đổi. Nhất là mỗi khi nhà có việc, cô ấy luôn lấy cớ bản thân là con gái đã đi lấy chồng, không bao giờ xắn tay giúp đỡ, mặc chị dâu làm hết mọi thứ, bản thân tới bữa mới dẫn chồng con về ăn.

1 Em Chong Trach Toi Chi Gioi Bon Me Chong Cuoi Lon Khien Em Nguong Chin Mat

Dịp nghỉ lễ 30/4 này, vợ chồng tôi đưa con về nội chơi. Lúc đầu em gái chồng thông báo đi du lịch nhưng sau lại chuyển hướng về ngoại. Vẫn như mọi khi, cô ấy tuyệt nhiên không động tay làm việc gì. Ngày 3 bữa, tôi nấu nướng phục vụ cho mười mấy người ăn, xong lại dọn dẹp, rửa bát đũa, dọn nhà cửa. Thậm chí quần áo em chồng thay ra cũng mang nhờ chị dâu giặt. Mẹ chồng tôi thấy dâu vất vả, khó chịu với thái độ của con gái bèn gọi ra nhắc nhở nhưng cô ấy lại bảo:

“Dâu là con, gái lấy chồng về chơi chỉ là khách. Chị ấy là chủ nhà đương nhiên phải làm những việc ấy, sao mẹ lại cứ bắt con làm. Hơn nữa, cả năm chị ấy mới về nhà chồng được vài ngày, mẹ phải để chị ấy thể hiện vai trò dâu đảm chứ”.

Hết ngày nghỉ, tôi chuẩn bị hành lý trở lại thành phố, mẹ chồng ra vườn hái rau, gói cho 3 chục trứng gà. Nhưng bà vừa mang đưa tay tôi, em chồng đã chạy tới bên, bĩu môi bảo:

“Gớm, dâu con chỉ giỏi bòn. Không về nhà chồng thì thôi, về là thấy khuân đồ của bố mẹ. Báu quá…”.

Câu nói của em chồng làm tôi chán tới mức không muốn đáp lời, định bơ đi cho xong. Nhưng bất ngờ mẹ chồng tôi lại cười một tiếng thật lớn, nhìn thẳng về phía con gái bảo:

“Người giỏi bòn là con đó. Con có biết mỗi lần chị dâu con về đều biếu tiền bố mẹ, chưa bao giờ chị con lấy không của bố mẹ bất cứ thứ gì, dù chỉ là nắm rau, quả trứng. Lần này cũng vậy, dù mẹ nói gửi đồ cho cháu nội nhưng chị con vẫn đưa tiền nói rằng biết bố mẹ vất vả nên chỉ nhận công, không nhận của.

Còn con, con nghĩ lại bản thân mình đi. Lần nào con về cũng mang hết đồ này tới đồ khác, thậm chí đồ chị dâu con mua cho bố mẹ con còn xin mang đi, thế mà chị dâu con có bao giờ ý kiến.

Con liên tục nói chị dâu con là chủ nhà, con là gái về chơi chỉ là khách, liệu có khách nào như con không? Hay để mẹ bảo chị dâu con lần sau đóng cửa không đón loại khách này nữa nhé?”.

Nghe mẹ nói, cô em chồng tôi cắm tăm, mặt đỏ bừng không dám nói lại câu nào. Ngượng quá cô ấy đánh trống lảng sang chuyện khác, rồi dắt con lên tầng. Bản thân tôi chưa bao giờ muốn hơn thua với em chồng nhưng được mẹ chồng hiểu, trân trọng và đối xử công bằng như vậy, tôi cũng thấy ấm lòng.

Theo Thời báo VHNT




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC