Ảnh minh hoạ
Ông bố hỏi con: “đó là gì vậy?”
Người con trai trả lời: “đó là một con chim sẻ.”
Một lúc sau, ông bố hỏi con mình tiếp: “đó là gì vậy?”
Con trai lại trả lời: “đó là con chim sẻ”, rồi lại quay sang đọc báo tiếp.
Một lúc sau nữa, ông bố lại hỏi: “đó là gì vậy?”.
Lúc này, đứa con trai đã cảm thấy hơi bực mình, đứa con trai trả lời: “Cha à. Con đã nói với cha đó là con chim sẻ!”
Một lát sau đó, con chim sẻ lại sà xuống sân trước mặt họ. Ông già lại hỏi tiếp con của mình: “Đó là gì vậy?”
Lần này thì người con rất khó chịu và đáp lại với giọng điệu cáu kỉnh “đây là MỘT CON CHIM SẺ. Đã bao lần tôi nói với ông đó là một con chim sẻ rồi, sao ông hỏi lắm thế?”
Người cha không nói gì, lập cập đứng dậy và đi vào nhà để lấy cuốn nhật ký cũ của mình. Ông quay lại và đưa con cuốn nhật ký cũ và ra hiệu là hãy đọc nó đi.
“Ngày thứ ba…tháng….năm…., Hôm nay, con trai “Cu Tý” của tôi, sắp tròn ba tuổi, nó đang ngồi với tôi ở sân thì một con chim sẻ đậu trước mặt chúng tôi. Con trai tôi đã hỏi tôi 21 lần nó là gì và tôi đã trả lời tất cả 21 lần rằng đó là một con chim sẻ. Tôi ôm và hôn lên trán nó. Cứ mỗi lần nó lại nảy ra câu hỏi tương tự.
Tôi không cảm thấy bực mình, mà chỉ cảm thấy yêu thương nó thêm mà thôi!” Đứa con trai đọc xong, liền rưng rức nước mắt và ôm chầm lấy cha khóc “con thật có lỗi với cha!”
Con người ta, ai cũng sẽ già đi. Khi già đi, và khi ốm đau, lú lẫn, chúng ta lại trở thành những đứa trẻ.
Khi chăm sóc cha, mẹ ốm đau. Nếu chúng ta có tấm lòng yêu thương vô bờ bến với cha mẹ mình. Chúng ta sẽ biết tận dụng thời gian để gắn bó thêm tình cảm gia đình, đó là cơ hội để yêu thương, để hàn gắn những sự rạn vỡ của tình cảm trong những tháng ngày trước đó. Đó là thời gian để lắng nghe cha mẹ, để cùng cầu nguyện với cha mẹ, để học bài học yêu thương và nhẫn nại. Qua đó, chúng ta sẽ hiểu rằng cha mẹ đã phải nuôi dạy chúng ta vất vả như thế nào.
Nếu chúng ta không có tình yêu thương và sự nhẫn nại, cộng thêm là những rạn vỡ trong tình cảm trước đó, có thể thời điểm này sẽ là thời điểm làm cho chúng ta cảm thấy kiệt sức, làm cho chúng ta xa cách họ hơn.
Rất nhiều gia đình khi chăm sóc người già ốm đau, một tháng tình cảm nó khác, ba tháng tình cảm lại khác nữa, một năm thì tình cảm lại càng thay đổi, và nếu họ phải nằm mười năm liệt giường thì đã có nhiều gia đình ở vào tình trạng chán nản và thậm chí còn ghét bỏ cha mẹ mình, họ muốn cho người thân của mình ra đi sớm ngày nào thì nhẹ ngày đó cho cả họ và gia đình.
Người Việt Nam và các dân tộc Á Đông khác thường trọng chữ hiếu hơn người Phương Tây, nhưng giá trị của chữ hiếu có ý nghĩa nhất khi cha mẹ còn sống. Khi họ còn sống, chúng ta chỉ có một cơ hội để chăm sóc, để đền đáp lại công sinh thành. Khi họ ra đi và trở về với cát bụi, mọi thứ đều vô nghĩa.
Có nhiều người khi cha mẹ còn sống thì làm cha mẹ buồn, có người thì hắt hủi, cơm không lo cho đủ no, áo không lo cho đủ mặc, chửi bới, rồi thậm chí đánh đập đấng sinh thành. Khi chết thì khóc lóc, mâm cao cỗ đầy để cúng bái, đốt quần áo tiền bạc, vàng mã cho người đã khuất. Tất cả chỉ là vô nghĩa, “Sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi”.
Ai trong chúng ta cũng đều sẽ già, ai cũng sẽ phải ra đi. Hãy làm những gì tốt đẹp khi họ còn trên đất này, chúng ta chỉ có một cơ hội để làm điều đó mà thôi.
Nguồn: Ngô Thế Quân sưu tầm, phỏng dịch và biên soạn từ bản tiếng Anh