Nhà của chúng nó cũng là do tôi mua cho, thế nhưng lúc nào cũng bị đuổi về.

"Trẻ cậy cha, già nhờ con" là câu nói mà các cụ xưa vẫn thường hay nói. Thế nhưng nào đâu có "nhờ vả" gì, tôi chỉ muốn giúp đỡ chúng nó chăm con chăm cái nhưng có vẻ mang tiếng là ăn bám nhiều hơn.

Tôi hiện đã không còn đi làm nữa và cũng có mức lương hưu không nhiều nhưng đủ sống. Tôi sống trong một căn nhà mặt phố sầm uất 3 tầng có giá cũng phải 10 tỷ trước đó vợ chồng cùng nhau gây dựng nhưng ông xã đã mất cách đây 2 năm. Tôi chỉ có 1 con trai, sau khi nó lấy vợ cũng muốn vợ chồng nó về sống cùng để mẹ con bà cháu vui vầy bên nhau.

Thế nhưng con dâu tôi một mực không muốn sống chung với mẹ chồng. Vì thế vợ chồng nó quyết: một là mẹ cho tiền để hai đứa đi chỗ khác mua nhà sống, hai là chúng nó sẽ tự kiếm tiền đi thuê trọ. Chẳng nhẽ tôi có tiền mà lại để con sống vất vả, chính vì thế tôi rút khoản tiền tiết kiệm và thu hồi các khoản cho vay trước đó để cho con trai, con dâu. Chúng mua được căn nhà chung cư 3 tỷ cách khá xa với nhà của tôi. Hàng ngày chúng vẫn đi về thăm mẹ hoặc lúc rảnh tôi cũng sang chơi, mẹ con đều thoải mái. Mọi chuyện ngày càng trở nên căng thẳng khi đứa cháu nội đầu tiên ra đời và những gì tôi muốn tốt cho cháu nội... lại không hợp ý con dâu.

Bà thông gia ở dưới quê còn cháu nội cháu ngoại khác lại đang bận công việc nên chúng đồng ý để cho tôi sang hỗ trợ chăm sóc con. Tôi mừng lắm, tôi quyết định khóa nhà để đấy và chuyển sang ở cùng chúng. Thằng bé rõ khôi ngô, kháu khỉnh và điển trai nên tôi cũng mừng. Thế nhưng con dâu hầu như không cho tôi đụng tay vào việc gì để chăm cháu mà chỉ muốn tôi rửa bát, quét nhà, đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo... làm các việc loanh quanh.

Con dâu nói tôi đã già không hiểu những quan niệm chăm trẻ của các bà mẹ hiện đại nên sẽ làm ảnh hưởng cháu. Ví dụ như con dâu tôi nuôi con theo phương pháp gì hiện đại lắm, ngày xưa tôi ẵm thằng nhỏ bồng bồng, bế bế ru ru để miễn sao con ngủ không tiếng khóc là được thì nay chúng nó lại khác. Đến giờ ngủ, giờ ăn cứ như rèn quân nhân trong quân đội vậy. Chúng cho thằng bé vào một cái cũi gỗ rồi đặt thằng bé nằm chỏng chơ với 1 cái núm ti giả, khóc thì khóc cũng không được ai bế, ti giả rơi ra khỏi miệng lại ấn nhét vào. Khóc chán thì mệt quá tự ngủ, ngày cũng như đêm, nhìn mà xót hết cả ruột.

Rồi đến khoản cho ăn, con dâu nói giờ làm mẹ hiện đại chẳng ai cho con bú nữa vì mẹ bận rộn mà lại xấu ngực, thế là nó mua máy về hút ra bình rồi bảo tôi cho thằng nhỏ bú bình. Thời gian rảnh nó đi mua sắm, cafe với bạn bè, thậm chí có ngồi nhà xem tivi cũng không cho con bú.

Đứa nhỏ mới chưa đầy trăm ngày mà xức lên người bao nhiêu là thứ kem, hàng chục cái lọ đen đỏ trắng vàng xếp đầu giường, nó nói là kem dưỡng, kem nẻ rồi kem trị rôm sảy, kem trị chàm... Tôi nhìn hoa hết cả mắt. Mỗi lần tôi ý kiến hoặc bày tỏ nặng nhẹ không đồng ý với cách chăm con sơ sinh của nó là nó lại nói với chồng "bảo mẹ về nhà" để nó tự tìm người giúp việc còn nhẹ đầu hơn.

1 Khoa Nha 10 Ty Sang O Cung Con Trai Cu Moi Lan Cham Chau Khong Vua Y Con Dau Bong Gio Duoi Toi Ve

Chính vì thế tôi đành nhịn, tôi chẳng nói gì cả. Thế nhưng đỉnh điểm nhất là cuối tuần trước đã xảy ra một vụ việc khiến tôi cảm thấy chán nản và xách túi về nhà ngay trong đêm. Bình thường tôi già cả bế cháu cũng rất đau lưng. Mà nếu bế đứng đi lại không thì rất là mệt. Bởi vậy hôm đó trong lúc đi chợ tôi đã tìm mua một cái võng về nhà để hai bà cháu đung đưa. Thế nhưng con dâu tôi đi chơi về thấy tôi đang cho thằng nhỏ nằm võng liền chạy ngay tới:

- Sao mẹ lại cho cháu nằm võng thế này, nó cong lưng nó xấu không chỉnh được thì sao? Mua tốn tiền của chồng con ra.

- Mẹ mua bằng tiền của mẹ mà. Mới nằm có lúc thôi mà con, ngày xưa mẹ vẫn cho chồng con nằm võng có sao đâu, giờ lưng nó chả dài tốn mấy mét vải - Tôi cười nói.

thế nhưng lại không hợp ý con dâu, nó lôi xềnh xệch cái võng ra ngoài hành lang và bắt tôi bỏ đi. Ngượng chín cả mặt, tôi lặng lẽ vào nhà xách túi bắt xe về nhà mình. Từ hôm đó tôi cũng không qua lại hỏi han gì nữa, vợ chồng nó cũng có điện thoại xin lỗi nhưng không có nhã ý mời tôi tới chăm cháu nữa nên tôi cũng không sang lại.

Theo PNPL




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC