Tôi sinh ở Hà Nội, vài năm trước ngày Hà Nội được giải phóng, tại một nhà hộ sinh tư trên phố Yên Thái (nay thuộc quận Ba Đình).
Mẹ tôi đi làm thuê cho nhiều nhà giàu, nhiều chủ Tây nên tôi biết về nhiều ngôi biệt thự lớn trên các đường phố như: Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo...
Những chiếc xe đạp nối đuôi nhau trên cầu Long Biên
Từ nơi tôi ở (góc phố Bà Triệu - Lý Thường Kiệt) ra tòa lãnh sự Pháp có vài trăm mét, sớm chiều nghe ôtô, xe môtô phân khối lớn rú còi báo tin đoàn xe chở ông thống chế Pháp đi làm. Tối đến, cửa hàng bán rượu và cà phê phía trước cửa luôn xập xình tiếng nhạc, tiếng chửi rủa lẫn nhau giữa sĩ quan Pháp và cảnh sát người Việt, không ít lần đánh nhau ầm ĩ.
Ngôi nhà tôi ở sau này, những năm cuối 80 của thế kỷ trước đã được cơi thêm tầng, làm trụ sở của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Hình ảnh ấm áp ông bế cháu đi chơi trong dịp Tết âm lịch.
Tháng 10 năm 1954, từ ngôi nhà 38 Lý Thường Kiệt (nay là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam), mẹ tôi theo bà con hàng xóm cầm cờ ra phố, xếp hàng chờ đón bộ đội từ chiến khu trở về. Tôi và anh trai còn nhỏ, cứ loanh quanh ở nhà chờ mẹ về để nấu cơm. Và những tháng ngày sau đó, chùa Quán Sứ (Trung tâm Giáo hội Phật giáo bây giờ) ở góc phố Quán Sứ - Lý Thường Kiệt được mượn tạm làm nơi họp dân phố.
Tôi tham gia vào đội đánh trống ếch thiếu nhi.
Về diện tích, Hà Nội hôm nay rộng gấp hàng trăm lần những năm 50 của thế kỷ 19. Hồi đó, chỉ 36 phố phường cũ và những phố Tây được người Pháp qui hoạch từ năm 1887.
Ra ngoài Hà Nội cổ chỉ vài ba bước đã là làng, là ruộng rau muống, là ruộng lúa.
Sự đổi thay nhanh chóng, đặc biệt từ khi Việt Nam, Hà Nội tiến hành đổi mới, mở cửa... đã làm bộ mặt Hà Nội thay đổi, xuất hiện nhiều công trình mới, phố mới, nhiều chung cư cao cấp, nhiều ngõ phố có tên.
Dấu ấn về một thành phố cổ có hơn 20 vạn dân thơ mộng vẫn lưu lại trong trí nhớ những người Hà Nội là hoài niệm của những ai từng sinh ra và lớn lên ở đó, từ cách đây hơn nửa thế kỷ, lưu lại trên các trang sách, truyện, trong thơ và tranh vẽ, và trong chừng mực nào đó qua rất nhiều bức ảnh do các thợ ảnh, các nhà báo Việt Nam hoặc nước ngoài chụp và lưu giữ được.
Tôi không quên những ngày sinh hoạt trong đội nhi đồng Hà Nội, mỗi buổi đi dã ngoại là một dịp thưởng ngoạn và tìm hiểu vẻ đẹp Hà Nội. Bây giờ, chẳng ai biết và có thể mường tượng về cảnh đi chơi thời đó.
Nơi đi: Trung tâm Hà Nội, nơi đến đền Voi Phục, tức là công viên Thủ Lệ bây giờ.
Đoạn đường chỉ vài kilômét mà sao hồi bé thấy xa xôi đến thế!
Chúng tôi phải dậy từ sáng sớm, chuẩn bị cơm nắm và muối vừng đem theo, phải đi bộ ra bến tàu điện Bờ Hồ để leng keng, lạch cạch mãi mới ra đến bến cuối của tàu, tức là vừa đúng đến cửa đền Voi Phục (phố Kim Mã bây giời).
Hà Nội xưa bé quá, bến tàu điện hướng tây chỉ đến Ngã Tư Sở là hết, lên phía bắc chỉ tới phố Thụy Khuê.
Giao thông chính ở Hà Nội là đi bộ, xe tay, sau có xe xích lô. Nhà khá giả thì có xe đạp, còn ôtô chỉ người Pháp, nhà binh và các nhà giàu, các chủ buôn lớn mới có.
Trung tâm Hà Nội từ xưa cho đến những năm gần đây vẫn là hồ Gươm, hồ ngày xưa rộng hơn bây giờ, bởi tầm mắt trẻ thơ lúc ấy, cũng bởi quanh hồ lúc ấy không có nhà cao tầng như nhà bưu điện, trụ sở UBND thành phố, nhà Hàm cá mập, nhà ngân hàng như hôm nay.
Nhà cao tầng nổi trội của Hà Nội những năm xưa chính là nhà ngân hàng, nhà bôđa (nay là Trung tâm Thương mại Tràng Tiền), vài ba tầng là cao lắm rồi.
Vì sao lại nhớ đến Hà Nội xưa?
Vì hoài cổ, không thích hiện đại văn minh sao?
Không phải. Bởi cái gì cũng có cái hay, dở của nó.
Cái mới chưa hẳn đã là hoàn hảo và biết giữ và giữ được cái truyền thống, cái sâu lắng, cái giá trị nhân văn. Mọi cái cũ lạc hậu cần bỏ nhưng không phải tất cả cái mới đều kéo theo cái tốt đẹp.
Phở Hà Nội, xích lô Hà Nội, ả đào Hà Nội, thói quen du xuân, tục lễ tết... là cũ đấy, vậy sao nay lại có cơ khôi phục?
Đêm đông, vẫn ước được nghe lại tiếng rao mía lùi, bánh mỳ pa tê nóng... như năm nào.
Trần Đức Nam