Một trong những hình ảnh vừa ấm áp, vừa mênh mang, lại cũng vừa nghe ra mất mát trong ký ức ngày Tết của tôi chính là những sáng Mùng 1 của hơn 30 năm về trước, nhìn những xác pháo đỏ au cuốn bay nhẹ nhẹ theo ngọn gió sớm trên con đường ven đồng để ra chùa đi lễ đầu năm…

42 1 Neu Tet Nay Con Khong Ve

Tranh: Đào Hải Phong

Một đứa trẻ chưa được 10 tuổi, mặc bộ quần áo mới là quần tây xanh, áo sơ mi trắng và đôi giày sandal, bước theo Má trong bộ áo dài trắng muốt cùng chiếc quần đen bóng trong màn sương mờ lạnh. Hình ảnh ấy gần như đều lặp lại mỗi năm trong suốt nhiều tháng năm thơ ấu kể từ khi tôi bắt đầu có ký ức ngày Tết…

Rất nhiều năm về sau, khi tôi đi xa rồi trở về quê nhà và chọn cho mình một thời điểm khác trong ngày Mùng 1 lên chùa mong bớt phải chen lấn với đám đông, tôi mới đủ trải nghiệm nhận ra, vì sao mình từng có một thoáng nghĩ về mất mát trong hình ảnh xác pháo ngày xưa lúc chỉ mới là một cậu bé…

Là tôi biết cứ mỗi năm đi trên con đường ấy, trong hình ảnh ấy… là tôi và Má sẽ ngược đường nhau trong hành trình tuổi tác. Là bàn chân tôi sẽ cần một đôi sandal có size lớn hơn, áo rộng hơn, sải chân dài hơn còn mắt nhìn thì không còn ánh lên nhiều nét vô tư nữa… Là Má tôi bước chậm lại, làn da sạm màu sương gió và sức khỏe dần ở bên kia sườn dốc cuộc đời với mỗi ngày chầm chậm lăn xuống trong hành trình về với cát bụi…

Ngày Tết trong văn hóa người Việt là sự sum họp, là cảm giác quây quần của tình thân và chia sẻ những giá trị văn hóa của gia đình lẫn xã hội. Song, thấp thoáng đâu đó, tôi trong mỗi ngày khi những tờ lịch cuối năm rơi xuống, là nhìn ra rất rõ những giá trị yêu thương mình hằng muốn níu giữ đều là không thể ở đấy mãi mãi.

Mỗi năm, bữa cơm tất niên chiều 30 Tết dần gọn gàng giản lược hơn. Mùng 1 Tết lên chùa lễ Phật nhận ra thứ mình nguyện cầu chỉ là sức khỏe và bình an cho những người mình thật sự yêu thương. Những tối cả gia đình ngồi lại với ly rượu, khay bánh mứt thì câu chuyện quá nữa là phần hoài niệm xưa xa.

Để rồi những ngày sau Tết, lúc rời quê nhà trở lại cuộc mưu sinh xứ người, những cái ôm thật chặt cùng nhau mới thấy xiết bao quý giá. Vì những khoảnh khắc này, vòng tay này, gương mặt này… chắc chắn sẽ khác sau khi một năm dài lại đi giáp vòng 12 tháng.

Một vài năm gần đây, vì nhiều lý do, tôi đã không thể trở về quê nhà để ăn Tết. Nhưng thật may, cũng chưa bao giờ thiếu đi hương vị của quê nhà với món thịt rộng mắm Má làm gửi vào những ngày sau 23 tháng Chạp, hũ dưa món,chút mứt gừng, túi bánh thuẫn… Tết quê vẫn hiện diện trong căn nhà nhỏ ở thành phố. Mà cứ mỗi lần ngồi xuống ăn từng món quà xa xứ bé mọn ấy, lòng lại không khỏi rưng rưng…

Năm 2020 đã có quá nhiều những biến động do đại dịch gây ra, thế nên Tết 2021, tôi cũng như nhiều người tha hương khác sẽ phải chọn ăn Tết xa quê như không thể khác. Những thương nhớ, những ký ức và cả những mong ngóng vì thế cũng trở nên nhiều nỗi niềm. Không ai vui khi không thể về quê nhà ăn Tết. Nhưng ở lại thành phố cũng là một lựa chọn khác cho sự tiết kiệm, cho sự yên ổn của bản thân và những người thân yêu…

Những cái Tết xa cách rồi cũng sẽ là một phần tất yếu trong xã hội hiện đại. Cũng như, tôi từng biết rằng, trong một tấm ảnh đầy đủ các thành viên gia đình từ Ba Má cho đến các anh trai chụp trong ngày đầu năm mới… đến một ngày kia, bỗng đột ngột khuyết mất đi sự hiện diện của Ba theo lẽ vô thường của cuộc đời.

Công nghệ theo thời gian có thể làm màu của bức ảnh đẹp hơn, thậm chí chỉnh sửa làm gương mặt của những người trong bức ảnh trẻ lại… nhưng, không có bất cứ thứ gì hay cái gì có thể mang trở lại một con người đặt vào khuôn hình trước khi tiếng bấm của máy chụp vang lên.

Chúng ta và những ngày Tết, cũng giống như cậu bé chưa được 10 tuổi ngày xưa đi cùng Má lên chùa ngày đầu năm, đều cùng một hành trình nhưng ngược hướng. Tết không phải ít vui hơn mà vì chúng ta không còn vui như đứa trẻ ngày ấy. Đoạn đường trở về quê nhà không phải dài hơn mà có quá nhiều thử thách khiến chúng ta phải dừng lại để hoài vọng hơn là tự mình trải nghiệm. Chúng ta hướng sự chăm lo đến con cái cũng không kém gì cha mẹ, để tình thương ấy không còn dốc lòng dốc sức về một phía. Chúng ta, đôi khi muốn rời xa một phần thân thuộc, để cảm giác mình có thể sống trọn vẹn vài khoảnh khắc cho riêng cá nhân mình…

Mỗi năm con người đều sẽ thay đổi khác đi. Và phần lớn chúng ta, trở nên cạn nghĩ trong yêu thương bởi thấy trên vai mình phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm…

Tiếng chuông đồng hồ giao thừa sẽ điểm bất kể chúng ta có trở về nhà với gia đình ăn Tết hay không. Bữa cơm tất niên vẫn dọn ra, chậu hoa vẫn trang điểm ở một góc nhà, mứt bánh lại bày biện…

Dưới mái nhà nào đủ đầy sẽ đủ đầy, nơi nào thiếu vắng sẽ thiếu vắng…

Chỉ là, trong tâm tưởng của mỗi con người, nếu có thể hãy bật lên những hình ảnh đẹp nhất mà chúng ta từng có trong những ngày tết dù đã cách đây vài mươi năm hay chỉ mới vừa diễn ra ở cái Tết gần nhất…

Như hình ảnh con đường ven đồng mờ sương với nhiều xác pháo đỏ cuốn bay nhè nhẹ, tay nắm lấy tay Má, một cậu bé chưa đầy 10 tuổi bước chân lên chùa đi lễ đầu năm với lòng đầy hân hoan, dù chưa hề có bất kỳ mộng ước lớn lao nào về cuộc đời.

Tết này có thể con không về, nhiều người sẽ không về… nhưng quê nhà cũng không vì thế mà thiếu đi những hương vị của Tết.

Thế nên chúng ta, hãy nghĩ, đang ở trong cùng một cái Tết giữa trời và đất! Vì những người mà chúng ta thương nhớ-đều đã đến, hoặc ngay lúc này, đang hướng những lời chúc phúc dành cho chúng ta trên dặm đường dài của thăm thẳm thời gian dài phía trước!

Mỗi năm, bữa cơm tất niên chiều 30 Tết dần gọn gàng giản lược hơn. Mùng 1 Tết lên chùa lễ Phật nhận ra thứ mình nguyện cầu chỉ là sức khỏe và bình an cho những người mình thật sự yêu thương. Những tối cả gia đình ngồi lại với ly rượu, khay bánh mứt thì câu chuyện quá nữa là phần hoài niệm xưa xa. 

Nguồn: NGUYỄN PHONG VIỆT/ tienphong.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC