Vợ chồng tôi đang sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Thỉnh thoảng chúng tôi mới về quê (Khánh Hòa) một lần. Nhưng bố mẹ chồng hoặc trong dòng họ có ai đau bệnh, vào thành phố thăm khám, chữa bệnh, vợ chồng tôi đều lo lắng, giúp đỡ nhiệt tình. Vì công việc phát triển tốt, kinh tế dư dả nên tôi cũng hay góp tiền sửa nhà thờ họ, đóng quỹ học bổng cho trẻ em nghèo ở xã. Thế nên khi nhắc đến tên vợ chồng tôi, ai cũng tôn trọng, quý mến.
Tuần trước, bố chồng gọi điện, bảo vợ chồng tôi thu xếp về quê một buổi. Chồng tôi hỏi lý do thì ông nói để phân chia tài sản, lập di chúc. Ngay tối đó, tôi đã bàn với chồng là sẽ không nhận bất cứ phần tài sản nào. Bởi chúng tôi không có dự định về quê sinh sống thì nhận đất đai để làm gì.
Tới ngày họp gia đình, tôi cũng mạnh dạn trình bày ý kiến của mình như thế. Không ngờ bố mẹ chồng lại giận dữ, cho rằng chúng tôi muốn từ bỏ tổ tiên. Tôi vội vàng giải thích nhưng họ không nguôi giận.
Bố chồng yêu cầu chồng tôi phải có trách nhiệm với dòng tộc bởi anh là con trai trưởng, là cháu đích tôn trong họ. Nếu anh không nhận nhà từ đường, không thờ cúng ông bà tổ tiên thì tự mình khai trừ khỏi dòng tộc.
Hôm đó, không khí căng thẳng đến mức chẳng ai dám lên tiếng. Nhìn vợ chồng em dâu buồn rầu, suy tính tiền xây nhà riêng vì không được ở nhà từ đường nữa mà tôi áy náy theo. Bố mẹ chồng đang làm khó cho cả hai đứa con trai chỉ vì những tư tưởng cổ hủ ngày xưa.
Tôi phải thuyết phục thế nào để ông bà cho chúng tôi từ chối nhận nhà nhận đất đây?
Theo Pháp luật và bạn đọc