Nỗi lòng khó nói khi có chồng ở rểAi cũng nghĩ đến những bức bí của người chồng “chui gầm chạn”, nào mấy người hiểu thấu tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” của người phụ nữ giữa một bên là nhà đẻ, một bên là chồng.

 Lúc kết hôn, nhà chồng có định mua cho vợ chồng tôi căn nhà nhỏ để ở riêng. Nhưng “cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh”. Tôi là con gái một trong gia đình nên phải có trách nhiệm chăm lo cho bố mẹ. 

Bố mẹ tôi cũng đã có tuổi nên đôi lúc hay trách giận. Đã thế, chồng tôi không thông cảm lại nghĩ bố mẹ bức bách mình. Cuộc chiến “ngầm” giữa bố mẹ vợ và con rể khiến tôi ở giữa nhiều phen đau đầu.

Chẳng nói gì lớn, ngay chuyện vặt vãnh trong bữa ăn cũng khiến tôi khó xử. Tôi thường nấu món cá tẩm bổ cho bố mẹ. Chồng tôi lại ghét đặc mùi cá. 

Đang trong bữa cơm, anh nói không giữ ý, kiểu như “ngửi mùi cá đã thấy ngán ăn”. Bố mẹ vợ thi nhau quát con rể: “Mày không ngửi được thì xuống bếp mà ăn, ngồi đây làm gì”. Tôi phải kéo tay chồng lên tầng để tránh cuộc cãi vã lớn. Sau chuyện đó, vợ chồng tôi xin phép bố mẹ cho ăn riêng. 

Tôi vẫn nấu cơm cho cả nhà. Song tới bữa cơm thì bố mẹ tôi ăn ở tầng một, vợ chồng tôi dọn cơm lên tầng hai. Nhiều lần bố mẹ tôi bảo: “Có miếng ngon con gái gắp hết cho thằng rể”. Mặc dù, tôi đã cố gắng nấu hợp khẩu vị của bố mẹ và chồng. Tôi cũng chia đều thức ăn cho cả hai gia đình nhỏ.

Ăn riêng được gần một tháng, mỗi bữa bố mẹ tôi chỉ ăn nửa bát cơm, bỏ thừa thức ăn. Mẹ bảo tôi: “Bố mẹ buồn lắm, nuốt sao trôi, chỉ nghĩ tới con mà sống tiếp thôi”. 

Tôi khóc rất nhiều trước lời tâm tình của mẹ. Tôi nịnh ngon nịnh ngọt chồng ăn chung với bố mẹ. Cả nhà ăn đầm ấm được thời gian ngắn. Sau cuộc chiến trách móc, xoi mói nhau lại tiếp diễn. 

Công việc của tôi bận rộn nên đi làm về muộn. Bố mẹ tôi ở nhà rảnh thường dọn dẹp nhà cửa và đi chợ. Mỗi ngày đi chợ, mẹ tôi tự thưởng cho mình nửa tiếng “vạch lưng” con rể trước bàn dân thiên hạ. 

Mẹ tôi kể với mấy chị bán rau gần nhà: “Con gái tôi lành quá mới bị nó cưỡi cổ. Về nhà nó chỉ nằm tểnh ra, không chịu làm gì. Đã làm rể còn lười biếng không chấp nhận nổi”.

Chẳng may, tiếng xấu đồn xa. Rồi cũng đến ngày chồng tôi nghe được. Thua miếng khó chịu, anh đã đi phao tin với hàng xóm: “Mấy việc nhà thuê ô sin làm tí xong hết. Ông bà già lụ khụ “chém quăng buông rùi” làm chỉ thêm bừa bãi, tổ mất công dọn dẹp”.

Thiên hạ được phen cười ầm về cuộc đấu ngôn của bố mẹ vợ và con rể. Chỉ khổ cho tôi phải đi thanh minh về nỗi oan của các “bị đơn”.

Nhưng nhiều lúc, tôi lỡ bênh chồng, bố tôi liền quát lên: “Sinh con gái khổ thế đấy, có chồng quên phắt bố mẹ”. Lúc tôi đứng về phía bố mẹ, chồng tôi giận dỗi: “Bố mẹ cô coi tôi chẳng bằng chó chui gầm chạn, tôi nhục quá, không thể sống nổi ở đây”.

Chồng bắt tôi dọn ra khỏi nhà, nếu không, anh sẽ xin chuyển công tác vào văn phòng đại diện của công ty anh ở miền Trung. Tôi không thể để điều ấy xảy ra vì chúng tôi vẫn còn là vợ chồng son. Làm sao tôi sống cảnh Ngưu Lang - Chức Nữ được.

Tôi khóc lóc van xin chồng ở lại nhà. Thậm chí tôi còn cầm kéo định đâm vào tay nếu anh giữ nguyên ý định. Anh yêu tôi nên đã mủi lòng. Anh nín nhịn bố mẹ vợ cho “êm cửa êm nhà”.

Cuối tuần trước sinh nhật chồng tôi. Anh mời vài người bạn về nhà uống rượu. Vì kế hoạch nảy sinh bất ngờ nên vợ chồng chưa kịp xin phép bố mẹ. Đang lúc “chén anh chén chú”, mẹ tôi bước xuống tầng nói móc: “Đàn đúm rượu chè là tài, chẳng được tích sự gì, ngữ ấy ra đường cạp đất ra mà ăn”. 

Nỗi lòng khó nói khi có chồng ở rể_0

Xấu mặt với bạn bè, chồng tôi nổi khùng lên. Anh ném chai rượu vào tường nhà. Bố mẹ tôi giận lên tầng đóng kín cửa phòng lại. Một lúc sau, bố tôi còn gọi mấy người cháu họ đến để “dạy cho thằng con rể biết lễ độ”.

Không ngờ chuyện bé xé ra to. Tôi phải mất mấy tiếng để giải thích cho các anh họ hiểu vấn đề. Họ thở dài ra về để người trong nhà “đóng cửa bảo nhau”.

Ai dè, tôi chưa kịp làm hòa thì bố tôi đã vứt quần áo của con rể ra ngoài cửa. Chồng tôi nóng giận nói: “Bố nghĩ con muốn ở đây chắc. Con cũng khó chịu và bức bí lắm khi ở rể nhà bố. Con thương con gái bố nên mới ở lại”. Chồng tôi bỏ tất cả quần áo vào valy phăng phăng dọn ra khỏi nhà. 

Tôi choáng váng ngất ngay xuống sàn lúc đó. Hôm sau, bác sĩ báo tôi đang mang thai. Nghĩ tới con tới cháu, bố mẹ tôi và chồng mới chịu “chín bỏ làm mười”. Họ vẫn ở cùng nhà nhưng “bằng mặt không bằng lòng”.

Cứ thế dăm bữa nửa tháng, tôi lại điên đầu nghe “ca nhạc trái yêu cầu” phát ra từ bố mẹ đẻ và chồng mình. Trong khi bản thân tôi thì bụng mang dạ chửa mệt mỏi. Tôi nên làm gì khi luôn phải là người đứng giữa này? Có chị em nào trong tình cảnh như tôi thì chia sẻ cho tôi một lối đi để đỡ stress hơn.

Theo afamily.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC