Mình bị ảnh hưởng rất nhiều từ bài thơ “Lời Mẹ dặn” của thi sĩ Phùng Quán,
“Yêu ai cứ bảo rằng yêu,
Ghét ai cứ bảo rằng ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chìu,
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết,
Cũng không nói ghét thành yêu”.
Chiều nay, Sài Gòn âm u, mình ngồi cà phê trước sân nhà nghe con chim quoành quoạch kêu ấm áp quanh cái tổ mới đan trên cây lộc vừng, lòng vui vui.
Ngẫu nhiên lướt mạng xã hội, thấy ầm ĩ chuyện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội cấm treo tranh gò đồng của mấy mươi văn nghệ sĩ. Trong đó, có tiên sinh Phùng Quán.
Thương Tiên sinh quá đỗi.
1. “Em ơi, nếu Đỗ Phủ
Vai khoác áo lông cừu
Bụng no đến muốn mửa
Viết sao nổi câu thơ
Ngàn năm cháy như lửa:
Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết buốt”.
Mình thích nhất đoạn này trong bài “Đêm Nghi Tàm đọc thơ Đỗ Phủ cho vợ nghe”.
Thi thoảng, khi mình say rượu, mình cũng thơ. Lúc uống rượu một mình, mình đọc thơ cho mình mình nghe. Khi uống rượu với bằng hữu em út, mình đọc thơ cho bằng hữu em út nghe. Hôm uống rượu cùng anh em văn nghệ, mình không đọc gì cả.
Mỗi lần đọc thơ, mình đều nhớ đến tiên sinh Phùng Quán. Mình mê cái không khí tiên sinh đạp xe đạp đến đêm thơ để đọc, ngưỡng mộ trong những tháng ngày bầm dập phận người đớn đau kiếp sống, tiên sinh vẫn đọc thơ.
Tiên sinh là một người yêu nước, không chỉ yêu nước, tiên sinh là một người yêu nước nồng nàn.
Tiên sinh là một người có lý tưởng, hạnh phúc vô cùng trong đời sống ngắn ngủi này, khi bạn có được một lý tưởng. Trong những lúc nguy nan, tiên sinh vẫn vui vẻ sống với lý tưởng của mình, chưa một lần trách cứ, chưa một lần than van, chưa một lần bội phản.
2. Trẻ lắm, tiên sinh đã viết “Vượt Côn Đảo”.
“Vượt Côn Đảo” từng từ từng chữ từng câu, đều toát lên tinh thần ngưỡng mộ những chí sĩ cách mạng của quốc gia.
Cũng như “Tuổi thơ dữ dội”, tiên sinh luôn nhìn vạn sự bằng những trong trẻo của một trái tim yêu thiết tha quốc gia, thương vô ngần dân tộc.
Mình đã đọc cho các con của mình nghe “Vượt Côn Đảo” và “Tuổi thơ dữ dội”, trong những khuya trước khi ngủ, có lúc nghe các con của mình cười, có lúc nghe các con của mình xuýt xoa lo lắng, có lúc nghe các con của mình trầm trồ thán phục…
Hai tác phẩm này của tiên sinh, đều tạo được tiếng vang rất dữ dội.
Tiên sinh vướng vào Nhân văn Giai phẩm, Nhân văn Giai phẩm cho đến giờ vẫn là một bức tranh còn mờ ảo ảo ảo của một quãng hiện thực quốc gia. Đang lừng danh, tiên sinh trở về kiếp sống “cá trộm, rượu chịu, văn chui".
Tiên sinh đi câu cá trộm để có tiền nuôi vợ nuôi con, không tiền đành mua thiếu rượu uống, văn chương phải nhờ người khác đứng tên giúp rồi chia tiền nhuận bút.
Vậy mà, chẳng lúc nào nghe tiên sinh than, cũng không lúc nào nghe tiên sinh oán trách. Mặc cho trước khi cầm bút, tiên sinh đã cầm súng để đánh giặc ngoại xâm.
Đời người lên thác xuống ghềnh, lưng voi mình chó, ở chỗ nào ở thời khâc nào, tiên sinh cũng sững sững khí tiết của một người cầm bút.
Vĩnh viễn không than van bao giờ.
Tiên sinh chơi với bằng hữu lại càng hay, thương bạn hơn cả thương mình, chí nghĩa chí tình mà có lẽ trong cõi đời này không mấy người có được.
3. Cũng không hiểu vì sao quan nhân văn hoá Hà Nội lại cấm treo tranh chân dung của tiên sinh, mặc cho tiên sinh từng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Tự rất lâu rồi, mình vẫn nghĩ văn đàn nước mình may mắn có được một tiên sinh Phùng Quán, quốc gia mình may mắn có được một công dân Phùng Quán, quân đội mình may mắn có được một chiến sĩ Phùng Quán.
Đáng tiếc thay, hậu sinh nước mình ngày càng kém, đến một người như tiên sinh Phùng Quán lại không biết trân trọng mà lại nỡ nào vùi dập.
Dẫu chỉ là một bức tranh treo?!
Não nề vô cùng, tồi tệ vô cùng, vô tri vô cùng!
Ngô Nguyệt Hữu