Tôi chán ngấy cuộc sống buồn tẻ bên ông chồng người Việt gia trưởng. Tôi khát khao và chấp nhận đánh đổi tất cả để đến với người yêu Tây trong ánh mắt ngưỡng mộ của nhiều người xung quanh. Thế nhưng, cuộc đời còn nhiều điều khó đoán trước…

Xem thêm:

Tôi và Trung lấy nhau sau năm năm yêu.

Cuộc sống vợ chồng tôi rất êm ấm. Trước khi lấy Trung , tôi vốn biết Trung là con trai trưởng trong một gia đình miền Trung trọng truyền thống, nên xác định lấy Trung về là phải học nhiều thứ lắm cho phù hợp với tính cách và gia đình nhà Trung.

May mắn là cả nhà Trung vẫn sinh sống ở quê, hai vợ chồng tôi sống ở Sài Gòn, một năm về nhà chồng cao nhất là hai lần, nên tôi không phải làm dâu bao nhiêu.

Tính tôi khá phóng khoáng, những yêu Trung, lấy Trung, tôi chấp nhận học hỏi nhiều để làm người vợ hiền: Căn nhà phải luôn sạch sẽ, tươm tất, nấu ăn phải vừa khẩu vị miền Trung, gấp đồ phải gấp khéo, vuông, phơi đồ phải phơi cho phẳng phiu…

Người ngoài nhìn vào có chê Trung hơi gia trưởng thật, nhưng biết ý Trung thì mọi chuyện không quá khó, vợ chồng tôi vẫn sống rất đầm ấm, vui vẻ.

Lấy chồng hai năm thì tôi sinh con trai, đặt tên là Tuấn Tú. Mọi chuyện sẽ ổn nếu như mẹ chồng không vì quá mừng rỡ mà đòi vào chăm nom cháu.

Từ ngày nhà có mẹ chồng, mọi thứ cầu kì hơn hẳn.

Bữa ăn vội vàng sau giờ làm không còn nữa, ăn cơm phải luôn có đủ bốn món trên mâm.

Sinh xong, mẹ chồng bắt kiêng khem đủ thứ, kiêng khem đến mức tôi chẳng ăn được gì nhiều, người ốm tọp. Vợ chồng cũng không được ngủ chung với nhau một thời gian dài.

Tuấn Tú lớn hơn chút nữa thì mẹ chồng can thiệp vào chuyện nuôi cháu. Bà bắt phải cho cháu ăn ra sao, dạy dỗ cháu thế nào, đến nỗi tôi thấy hầu như mình chẳng còn có quyền với con trai mình nữa.

Buồn cái là Trung nghe lời mẹ, anh bảo tôi điều này tốt cho con, nên theo lề lối gia đình anh.

Nhiều khi vợ chồng tôi sinh ra cãi nhau vì tôi thấy con trai mình bị đối xử khắt khe quá so với một đứa trẻ ở tuổi đó. Và dần dà, tôi thấy có chút mệt mỏi với một gia đình chồng quá nề nếp, truyền thống.

Quyết liệt bỏ chồng Việt gia trưởng, giờ tôi ân hận khi vội vã lấy chồng Tây - 0

Ảnh minh họa

Tôi quen Martin lần đầu tiên vào buổi sinh nhật con trai Thủy, bạn gái thân nhất của tôi, anh là đồng nghiệp của chồng Thủy.

Martin là kĩ sư điện tử người Anh, sang Việt Nam làm việc cho một tập đoàn điện tử quốc tế. Trong buổi gặp ấy, Martin tỏ ra quan tâm đặc biệt đến tôi, anh luôn hỏi han, chăm sóc tôi rất chu đáo.

Vốn tiếng Việt của Martin bập bõm, còn tiếng Anh của tôi từ lâu không sử dụng, chỉ còn có thể giao tiếp sơ sơ, nhưng không hiểu sao câu chuyện giữa chúng tôi rất rôm rả.

Martin kể cho tôi nghe về cuộc sống của anh, về vùng đất anh đã đi qua, một cuộc sống thật vui vẻ, rộng mở, khiến một người đàn bà học xong lao vào lấy chồng đẻ con như tôi phải mơ ước.

Khi biết tôi đã có chồng, con, Martin rất buồn, anh bảo anh thất vọng vì vừa gặp tôi anh như bị “sét đánh” vì vẻ đẹp đằm thắm và sự duyên dáng của tôi. Martin bày tỏ mong muốn, nếu không thể đến với nhau được thì chúng tôi có thể là bạn để chia sẻ vui buồn với nhau.

Tôi đồng ý, vì có thêm một người bạn, nhất là người bạn ngoại quốc đẹp trai, từng trải, am hiểu cuộc sống như Martin thì quả rất thú vị.

Trong khi tình cảm vợ chồng tôi thì cứ trục trặc hoài vì có sự can thiệp của mẹ chồng và tôi không hài lòng vì sự gia trưởng của chồng, thì tôi lại tìm thấy niềm an ủi rất nhiều ở sự phóng khoáng, hiểu biết và trân trọng phụ nữ của Martin.

Xem thêm:

Dần dà, tôi nhận ra mình nghĩ về Martin nhiều hơn.

Thường xuyên nhớ đến gương mặt đầy nam tính của anh, những buổi gặp gỡ anh dẫn tôi đến những nhà hàng Tây sang trọng, một không gian lãng mạn và cực kì thoải mái, ở đó không có ánh mắt xét nét của mẹ chồng và sự nghiêm túc quá mức của chồng tôi.

Tôi nhận ra tim mình đã lỗi nhịp trước Martin.

Sự bất hòa trong gia đình khiến tôi ngày càng mệt mỏi, chồng tôi cũng nhận ra điều đó, anh cũng linh cảm thấy tôi có gì đó thay đổi, và chú tâm đến tôi nhiều hơn.

Rồi một ngày, Martin khuyên tôi:

“Gia đình là nơi người ta thấy ấm áp, vui vẻ khi trở về. Nếu em không còn cảm giác ấy đối với gia đình mình, nếu thấy sống bên nhau là mệt mỏi thì sao em cứ phải duy trì như vậy. Phụ nữ ở nước Anh luôn dứt khoát khi thấy gia đình không còn đem đến cho mình hạnh phúc. Phải luôn quý trọng bản thân mình em ạ…”.

Những lời nói của Martin đã khiến tôi phải suy nghĩ và hiểu ra rất nhiều điều.

Tôi cảm thấy tình yêu dành cho chồng đã gần như nguội lạnh chỉ trong một thời gian không dài. Tiếp xúc với Martin, tôi đã mở rộng tầm mắt, hiểu về một cách sống khác, một cách tận hưởng hạnh phúc hoàn toàn khác những ngày đi làm vất vả về nhà, bù đầu chăm chút chồng con, tất cả dành cho chồng con đến quên mình.

Tôi không còn muốn nỗ lực để tròn trịa chuyện nhà nữa. Sự rạn nứt của gia đình tôi đã quá rõ.

Nghĩ rằng nguyên nhân từ mẹ chồng, chồng tôi đã trò chuyện và thu xếp cho mẹ chồng tôi về quê, anh muốn hàn gắn những bất hòa.

Nhưng dường như, tất cả đã muộn, nếu trước đó chừng nửa năm anh làm vậy là tôi vui lắm, thì này tôi chẳng còn thiết tha gì nữa. Trong lòng tôi chỉ nghĩ đến Martin và cuộc sống vui vẻ, thoải mái bên anh.

Sau rất nhiều nỗ lực, níu kéo và sự đau khổ của chồng tôi, cuộc hôn nhân của chúng tôi cũng đành kết thúc trong sự quyết liệt của tôi.

Chồng tôi chỉ làm được một điều là giữ lại bé Tuấn Tú cho anh và gia đình nuôi.

Ba tháng sau, tôi kết hôn với Martin trong lời đàm tiếu của nhiều người quen. Nhưng với tôi, đó mới chính là cuộc sống hạnh phúc mà tôi hằng mong đợi.

Thời gian đầu, tôi hạnh phúc bên Martin.

Mọi thứ thật sự dễ chịu: Không có mẹ chồng hay bất kì ai nhà chồng can thiệp vào cuộc sống, không có những quy tắc phải thế này, thế nọ, hai chúng tôi có tự do cho riêng mình, không nhất thiết phải luôn là cơm nhà, khi mệt mỏi, chúng tôi đi ăn nhà hàng, với những món ăn ngon và ánh nến lung linh.

Thi thoảng vợ chồng rủ nhau đi du lịch trong nước, du lịch nước ngoài.

Tôi xin vào làm tại một công ty truyền thông, lương không cao nhưng giờ giấc tự do để khi nào thích thì đi đâu tùy ý. Rồi những buổi tiệc đi cùng Martin, những buổi hòa nhạc, những bộ phim hay, cuộc sống là muôn vàn cuộc vui rực rỡ.

Nhưng rồi cuộc vui nào cũng tàn.

Sau ba năm vui vẻ rộn rã bên Martin, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện có con, thế nhưng Alex chưa đồng ý. Anh bảo anh và vợ trước đã có hai đứa con rồi, tôi cũng đã có con, nên anh không gấp. Tôi lấy anh thì sau này cũng phải theo anh về bên Anh, đến khi về Anh rồi hãy tính chuyện sinh.

Tôi khá sốt ruột, vì tuổi tôi đã ba mươi lăm, có còn trẻ trung gì nữa?

Càng ngày, tôi càng nhận ra giữa mình và Martin có những khoảng cách vô hình: Những rào cản văn hóa, những ứng xử, thói quen… rất khác nhau, những nhỏ nhặt vụn vặt, tôi khó mà kể ra hết, nhưng đôi khi nó làm lợn cợn hạnh phúc của tôi.

Ví dụ như chuyện anh đối xử với gia đình tôi.

Với người Việt, con rể sẽ đối xử với cha mẹ vợ rất trọng vọng, cung kính. Còn Martin, anh hầu như thờ ơ với gia đình tôi.

Cha mẹ ở cách nhà tôi chừng 100 cây số, nhưng hầu như chỉ có tôi về thăm cha mẹ, còn Martin ít khi về vì bận rộn và anh cũng không có hứng thú.

Mẹ tôi, nếu đến ở hơi lâu, Martin lập tức hỏi tôi thẳng thắn là chừng nào mẹ về, vì anh nói thói quen của anh không thích người lạ ở nhà mình lâu, rất khó sống. Chính vì vậy mà tôi ít dám đưa mẹ mình và cả Tuấn Tú về nhà mình chơi lâu.

Điều quan trọng nhất, đó là tôi và anh kinh tế quá độc lập. Qua Thủy, tôi được biết lương Martin tầm 3000 USD.

Mỗi tháng, anh đưa tôi 20 triệu để chi phí (tiền nhà hết 8 triệu), sau khi thanh toán các hóa đơn và sinh hoạt trong gia đình thì chẳng còn bao nhiêu. Muốn mua gì, dù nhỏ lớn tôi đều phải hỏi ý Martin và xin tiền anh thanh toán.

Thái độ của Martin rất rõ ràng:

Chúng tôi tuy là vợ chồng, nhưng sống chung như hai người độc lập, mỗi người tự lo cho cuộc sống của mình. Thời gian gần đây, tôi khá lo lắng vì nghe nói trong công ty có cô gái trẻ đẹp đang tấn công Martin, ở nhà thì anh đối với tôi cũng không còn mặn nồng nhiều như trước.

Tôi nhớ lại lời Martin nói, rằng nếu gia đình không làm mình hạnh phúc thì hãy buông tay, tôi lo sợ, con người dễ buông tay như anh sẽ làm điều đó với chính tôi.

Có lần, về thăm con, chuyện trò với chồng cũ, anh nói với tôi một cách buồn bã:

“Anh biết ngày xưa anh có nhiều điểm không hay, nhưng anh rất yêu em, trân trọng gia đình mình. Em có thể giúp anh từ từ sửa chữa những cái dở, anh có thể cố gắng hết mình để mang lại hạnh phúc cho em và con mà? Sao em lại dễ dàng từ bỏ như vậy, khiến gia đình mình tan nát, con không được sống trọn vẹn cạnh cha mẹ?”.

Tôi nghe mà ứa nước mắt.

Tôi nhớ lại Trung tuy gia trưởng, nhưng từng là người chồng rất thương vợ con, vun vén gia đình, lại đối xử với bên nhà tôi như bát nước đầy.

Người chồng cũ của tôi, chồng Việt, tuy hơi cứng nhắc, hơi cũ kĩ nhưng có rất nhiều ưu điểm mà người chồng mới, chồng Tây không có được.

Tôi hoang mang quá.

Chẳng biết mình đã lựa chọn đúng hay sai, chẳng biết mình là người đàn bà tìm kiếm hạnh phúc, hay là kẻ thiếu trân trọng gia đình?

Không biết rồi, tôi có thể giữ được thứ hạnh phúc mà mình từng khát khao và đánh đổi để có được?

Xem thêm:

 

Nguồn: CUASOBLOG.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC