Nhiều người bây giờ vẫn còn trọng nam khinh nữ vì ảnh hưởng quan niệm "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Lúc xưa tôi nghe hàng xóm kể lại hồi tôi còn nhỏ bố và anh trai được ăn cơm gạo riêng, một niêu, một mâm riêng ở một gian.
Bà nội và mẹ tôi cùng tôi ăn cơm bột ngô với tương cà quanh năm ở mâm riêng một gian khác. Tôi nghe thấy buồn cười chứ chả trách các cụ. Các cách cư xử hàng ngày cũng thiên vị rõ. Con gái sinh ra đã khổ nên tôi không để con gái tôi thiệt thòi so với con trai vì con trai được ở nhà mình, con gái phải lấy chồng sinh con rồi làm dâu khổ lắm.
Tôi không đồng tình với quan điểm: "Làm phụ nữ thì phải chịu khó nhẫn nhịn và chu toàn bổn phận". Đây là cổ suý cho sự gia trưởng của người đàn ông. Chỉ vì chịu khó nhẫn nhịn mà mẹ tôi cả đời cho đến lúc mất vẫn phải chịu khổ đau ức chế trước sự gia trưởng đến cay nghiệt của bố tôi.
Nhẫn nhịn không khiến người đàn ông trân trọng mà chỉ làm họ tưởng là oai, mình là chúa tể, còn người đàn bà chỉ có một việc là nghe lời người đàn ông dù sai lè vẫn cấm cãi.
Không chia việc nhà cho chồng con, cứ vơ lấy việc mà làm hết rồi tự nghĩ mình đảm đang và giàu đức hy sinh là sai lầm nghiêm trọng. Lúc còn khoẻ chu toàn mọi việc nên chồng con khen nghe sướng tai đấy nhưng họ quen được hầu hạ rồi đến lúc mình ốm đau không những họ chẳng quan tâm mà còn bực bội khó chịu vì khó đến thân. Các bậc phụ huynh cũng không nên dạy con nhẫn nhịn hy sinh, sẽ làm khổ đời con đấy.
Tôi dặn con gái nếu lấy chồng mà phải sống khổ sở thì con cứ về với mẹ. Tôi không sợ gì miệng tiếng thiế gian khi con gái lấy chồng rồi mà phải trở về nhà đẻ. Chịu đựng nhẫn nhục vì sợ mang tiếng là tự hủy hoại cuộc đời mình. Đời người ngắn lắm, tìm được người tử tế thì lấy còn không thì đơn thân cũng chẳng sao.
Oanh Nguyen