Tôi bày tỏ muốn về nhà mẹ đẻ ăn Tết sau ngày mùng 1, nhưng mẹ chồng lại có suy nghĩ khác.

Tôi đã bắt đầu cuộc sống hôn nhân được hai tháng. Sau đám cưới, vợ chồng tôi bộn bề với những lo toan.

Khi mới về nhà chồng, tôi rất nhớ nhà và bố mẹ đẻ. Nhiều đêm tôi khóc thầm, thậm chí hối hận về chuyện lấy chồng. Cho đến nay, tôi chưa thể quen được với cuộc sống ở đây. Sự khác biệt trong suy nghĩ, cách sống có lúc khiến bản thân chán nản. May mắn tôi được chồng quan tâm, chăm sóc, thương yêu, đó là động lực để cố gắn hơn.

Rào cản lớn nhất với tôi để hòa nhập với cuộc sống nhà chồng là bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng tôi cổ hủ, sống theo quy tắc từ xưa nên con cái cảm thấy ngột ngạt.

1 Toi Muon Ve Nha Ngay Tet Me Chong Dua Ra Yeu Cau Kho Hieu Voi Nang Dau Moi

Tôi cảm thấy ngột ngạt khi sống cùng bố mẹ chồng (Ảnh minh họa: KD).

Chuyện lễ phép với mọi người là điều nên làm, tôi hoàn toàn thấu hiểu. Tuy nhiên, mọi quy tắc, lễ nghi phải qua nhiều bước làm cho tôi cảm thấy rườm rà. Nếu không làm hài lòng bố mẹ chồng, tôi sẽ bị đánh giá, trách móc.

Bên ngoài, tôi cố gắng chịu đựng, còn trong lòng rất căng thẳng. Nhiều lần tôi đã nói chuyện với chồng về việc ở riêng nhưng anh chưa đồng ý. Bây giờ, hai vợ chồng trẻ chưa có vốn liếng, chuyển ra ngoài sẽ vất vả. Chồng tôi cho rằng, sống cùng bố mẹ được xem là cách để có chỗ dựa, tích lũy thêm.

Thời còn yêu nhau, mỗi khi tiếp xúc với bố mẹ anh, tôi cảm thấy vui và thoải mái. Chỉ khi sống chung, đối diện nhau mỗi ngày, các mâu thuẫn mới bắt đầu nảy sinh.

Nhiều lần tôi than thở với bố mẹ đẻ nhưng không có tác dụng. Bố mẹ tôi khuyên nên học cách thích nghi, nàng dâu nào khi mới cưới cũng như vậy. Ban đầu, hai bên có thể chưa hiểu nhau, lâu dần sẽ xích lại gần hơn trên cơ sở tôn trọng.

Chỉ còn hơn hai tuần nữa đến Tết, tôi hy vọng sẽ thoát khỏi tình trạng ngột ngạt ở nhà chồng khi được về với bố mẹ đẻ vài ngày. Hai gia đình cách nhau chỉ 30km, chuyện đi lại không hề khó khăn. Tôi dự định cùng chồng về bên ngoại sau ngày mùng 1 Tết.

Trong bữa cơm gia đình, tôi nói với mẹ chồng về kế hoạch của hai đứa. Mẹ chồng suy nghĩ hồi lâu và bày tỏ không đồng ý với dự định của tôi. Bà cho rằng, năm nay là năm đầu tiên ăn Tết ở nhà chồng, con dâu nên ở đây đến hết ngày mùng 6. Khi đi làm, tôi có thể tranh thủ về thăm bố mẹ đẻ.

"Mẹ không phải khắt khe nhưng con đã ăn Tết với bố mẹ đẻ mấy chục năm rồi. Năm nay, họ hàng đến chơi cũng muốn trò chuyện, xem mặt con dâu mới. Cho nên, con và chồng ở bên nội cả Tết để lo chuyện tiếp khách, cỗ bàn. Bố mẹ già rồi, không cáng đáng được. Năm sau, các con có thể về bên ngoại thoải mái, còn năm nay thì không", mẹ chồng tôi nói.

Chồng tôi không đồng tình với bố mẹ nên phản ứng. Chồng tôi muốn tranh thủ về nhà vợ một ngày để ăn bữa cơm đoàn viên, sau đó tiếp khách chưa phải là muộn.

Bố mẹ chồng tôi không những không nghe còn kiên quyết phản đối. Khi không khí trở nên căng thẳng, mẹ chồng tôi tuyên bố: "Anh chị muốn làm gì cũng được, có thể về nhà mẹ đẻ từ chiều 30 Tết. Vợ chồng tôi tự đón giao thừa và năm mới".

Vừa nói dứt lời, bố chồng tắt tivi rồi hai ông bà lên phòng. Vợ chồng tôi nhìn nhau ngao ngán.

Chồng tôi nắm tay động viên, khuyên vợ nên thưa chuyện thêm vào lúc khác. Tôi cố gắng bình thản nhưng chạnh lòng và ứa nước mắt vì suy nghĩ cổ hủ của bố mẹ chồng...

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: [email protected]. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC