Sau 6 tháng sinh con, tôi phải trở lại với công việc. Thời gian trước đó, tôi may mắn có mẹ đẻ phụ giúp chuyện con cái nên cũng đỡ bỡ ngỡ và vất vả hơn phần nào. Tuy nhiên, mẹ tôi chỉ có thể hỗ trợ tôi được đến thế. Mẹ còn nhiều việc ở quê, còn bố tôi và các em ở nhà.
Trong khi đó, mẹ chồng tôi khá lớn tuổi, sức khỏe yếu nên không thể trông cháu. Suy đi tính lại, vợ chồng tôi quyết định phải thuê người giúp việc để tôi có thể yên tâm đi làm, chứ không thể trông cậy được vào hai bên nội ngoại.
Trong bữa ăn cơm bên nhà bố mẹ chồng vào cuối tuần, vợ chồng tôi có đề cập đến chuyện này. Ngay lập tức, mẹ chồng đưa ra ý kiến thuê chị chồng giúp. Đợt này kinh tế khó khăn, chị ấy không may bị mất việc.
Chị có hai con đang tuổi ăn tuổi học, chồng chị chỉ là nhân viên bình thường nên cuộc sống rất khó khăn. Có thêm vài triệu đồng mỗi tháng trước khi tìm được việc mới cũng đỡ cho gia đình chị được phần nào, chứ mọi gánh nặng dồn lên vai anh rể không ổn.
Mẹ chồng phân tích người nhà mình vẫn hơn người lạ. Có chị chồng chăm cháu, quán xuyến việc nhà cửa, tôi sẽ yên tâm đi làm, không phải lo lắng mất đồ đạc, người ta đối xử với con mình như thế nào... Chị chồng nghe vậy tiếp lời luôn, hứa sẽ làm tốt mọi việc giúp tôi.
Tôi thực sự sai lầm khi để chị chồng làm giúp việc trong nhà (Ảnh minh họa: Getty).
Nói thật, tôi rất ngại có người lạ trong nhà mình. Tuy nhiên, để chị chồng làm giúp việc cũng không phải phương án hay, lại có nhiều điều ái ngại khác. Thấy chị chồng sốt sắng, mẹ chồng nói vun vào, còn chồng cũng gật đầu, tôi chẳng còn cách nào khác ngoài đồng ý.
Thời gian đầu, chị chồng làm mọi việc khá tốt. Tuy nhiên khi đến tháng thứ 3, những thứ không ổn bắt đầu lộ ra. Các nếp ăn, nếp ngủ suốt 6 tháng tôi rèn luyện cho con tôi bị mất dần. Chị chồng không hề làm theo kế hoạch, bảng thời gian biểu ăn ngủ của con mà tôi đưa cho chị.
Chị thường xuyên cho bé ăn không theo giờ giấc khoa học nào. Tôi phát hiện hộp sữa vẫn còn khá nhiều, thay vào đó chị cho bé ăn linh tinh các thứ khác. Còn chuyện ngủ, chị ru bé ngủ ban ngày rất nhiều để đỡ phải trông. Vì thế đến đêm, tôi "lĩnh đủ". Tôi đã đi làm về mệt mỏi, con còn không chịu ăn ngủ đúng giờ, cứ quấy khóc suốt.
Tôi có góp ý với chị chồng thì chị nói chị từng đẻ hai đứa, có kinh nghiệm hơn tôi. Ăn những thứ ngoài sữa cho con sau này đỡ kén ăn, rồi trẻ con nên cho ngủ nhiều... Nói chung, tôi là mẹ nhưng không được quyết định chuyện sinh hoạt ban ngày của con tôi như thế nào mà phải nghe chị, chỉ vì chị có kinh nghiệm nhiều hơn tôi.
Chưa hết, không ít hôm, chị không hề dọn dẹp nhà cửa. Tôi về đến nhà, mọi thứ vẫn y nguyên như lúc sáng tôi đi làm. Hỏi thì chị bảo hôm nay mệt quá, để ngày mai làm cả thể, chị còn bận trông cháu..., trong khi chị toàn cho con tôi đi ngủ. 1-2 lần không sao nhưng tần suất những lần chị "quên" làm việc nhà ngày càng tăng.
Tính tôi lại thích sạch sẽ, không chịu được cảnh nhà cửa bẩn thỉu, bát đĩa chưa rửa... đã đi ngủ. Thế là tôi phải xắn tay làm hết mọi việc. Đỉnh điểm có hôm, con tôi quấy khóc, chồng tôi không thể dỗ nổi, còn tôi mải dọn nhà chưa xong lại phải chạy vào bế con. Tôi tự hỏi liệu mình thuê giúp việc để làm gì, có cũng như không?
Bình thường, nếu như thuê giúp việc vào ban ngày, lúc tôi đi làm, tôi sẽ phải trả khoảng 6-7 triệu đồng. Tôi đã trả cho chị chồng 8 triệu đồng. Chị còn thường xuyên lấy thức ăn của nhà tôi nấu sẵn, chiều chỉ cần mang về nhà cho các con để đỡ mất công đi chợ hay nấu nhiều lần. Tức là coi như tôi nuôi ăn cả nhà chị chồng.
Chưa kể, nhà tôi có hoa quả hay đồ gì, tôi thường xuyên đưa chị mang về cho các cháu. Hoặc nếu như tôi không đề cập gì, chị sẽ tự bảo: "Cái này cho chị nhé?", tôi cũng không bao giờ tiếc.
Tôi biết ngay sẽ có ngày này. Người thân quen, nhất là chị chồng, giúp việc trong nhà mình nhỡ may xảy ra việc gì, tôi không thể góp ý hay phàn nàn nổi. Trước đây vì mẹ chồng và chồng vun vào nhiều, tôi ngại quá và cũng muốn giúp đỡ gia đình chị lúc khó khăn. Giờ tôi cảm thấy tai hại thực sự.
Tôi nên làm thế nào để "đuổi khéo" chị chồng đây? Chứ thêm vài bữa nữa, chắc tôi còn phát ốm, mệt mỏi hơn.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: [email protected]. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí