Tranh treo không phải tranh treo nhưng là tranh treo. Nghĩa là tranh treo không phải tranh được treo. Tranh treo nghĩa là tranh không được treo. Tức thị là tranh treo.
Như là án treo.
Ông mang từ Hải Phòng lên 184 bức xin phép bày triển lãm. Nhưng Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội xét duyệt đã chỉ cấp phép cho treo 154 bức, còn 30 bức là “tranh treo”.
Trong đó có người được Giải thưởng Hồ Chí Minh (Trần Đức Thảo), Giải thưởng Nhà nước (Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyễn Duy); có những người nổi tiếng như Phan Khôi (đã được tỉnh Quảng Nam đặt tên đường tại tỉnh lị Tam Kỳ), Trương Tửu (Hội Nhà văn Việt Nam vừa kỷ niệm 110 năm sinh), Dương Tường, Nguyên Ngọc, Vũ Thư Hiên, Hoàng Hưng, Ý Nhi, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Lập…
Nhìn vào đây thì thấy Nhà nước đã thua Hà Nội, Hà Nội đã thua một Sở của mình. Và người dân Thủ đô thấy mình bị xúc phạm tư cách Thủ đô.
Dư luận bức xúc muốn biết nguyên nhân 30 bức “tranh treo” này. Lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội đã căn cứ vào đâu để loại chúng khỏi cuộc bày tranh của tác giả Phạm Xuân Trường?
Họ đã cấm bằng văn bản chứ không phải nói miệng, đó là việc đúng quy định. Nhưng họ đã lấy quy định nào để cấm 30 tác phẩm không được treo? Nếu lãnh đạo Sở không trả lời được thì lãnh đạo Hà Nội phải có trách nhiệm giải đáp câu hỏi này cho tác giả triển lãm và 30 nhân vật trong tác phẩm.
Tôi cho là họ không có căn cứ nào cả mà chỉ là NGU DỐT và CẬY QUYỀN, căn cứ vào sự việc nực cười xảy ra ngay tại lúc khai mạc triển lãm. Trong danh sách “không cấp phép” treo tác phẩm có bức Phùng Quán.
Nhưng tại phòng tranh đúng lúc khai mạc vẫn có bức đó. Thì ra ban tổ chức không biết Phùng Quán là ai nên đã đưa nhầm bức Phùng Quán treo vào chỗ một bức được treo. Khi thấy các văn nghệ sĩ xôn xao thì họ mới phát hiện treo nhầm nên đã vội tháo ngay đem cất. Và trám vào khoảng trống ấy một bức khác. Vậy đấy.
Ba ông không treo nhưng dân yêu
Cũng xin nhắc: Triển lãm chân dung gò đồng văn nghệ sĩ của Phạm Xuân Trường đã được ông bày lần đầu năm 2018 tại Hải Phòng nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyên Hồng (1918 - 1982). Khi đó chỉ có 8 bức “tranh treo”, tức là Sở VH-TT Hải Phòng chỉ loại 8 bức trong số 108 bức xin phép.
Năm năm sau cuộc ở Hải Phòng, một năm sau cuộc hô hào chấn hưng văn hoá toàn quốc, ngay giữa Thủ đô, nhà thơ - nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường bị cú “tranh treo” vào 30 tác phẩm gò đồng của mình! Anh đã rất đau vì điều này. Càng đau hơn khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt BCHTƯ ký ban hành nghị quyết số 45 của Hội nghị Trung ương 8 về phát triển đội ngũ trí thức cả số lượng và chất lượng.
Cá nhân tôi trong cả hai cuộc bày tranh của người anh văn chương đồng Phạm đồng Xuân đều nằm trong danh sách “tranh treo”. Tôi thương anh Phạm Xuân Trường và tôi là một công dân, một người làm nghề văn, nên tôi có yêu cầu muốn biết tại sao bức gò đồng Phạm Xuân Nguyên cùng 29 bức khác đã bị “tranh treo”.
Chúng tôi không có tội gì cả. Chúng tôi là những con người tự do ở một đất nước luôn hô hào độc lập tự do.
Không ai muốn tai nạn để được nổi tiếng. Nhưng chúng tôi cần được biết ai và vì lý do gì đã khiến chúng tôi bị "tai nạn" thành ra "nổi tiếng" một cách bất đắc dĩ thế này.
Phạm Xuân Nguyên