Không có phụ huynh hoàn mỹ, cũng không có người thầy hoàn mỹ. Trong việc giáo dục trẻ nhỏ, thầy cô và cha mẹ giống như hai tay trái và phải, không thể thiếu mất bên nào.

Người thầy không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là người nuôi dưỡng nhân cách con người. Nếu gặp được một người thầy tốt, con trẻ có thể nhận được lợi ích cả đời.

Dưới đây, xin được chia sẻ với quý độc giả câu chuyện về một người bạn của tôi, khi bạn ấy được điều chuyển đi dạy học tình nguyện ở miền núi.

1 Tre Nho Gap Duoc Giao Vien Tot La May Man Cua Doi Nguoi

Một người bạn học nghệ thuật của tôi là Hiểu Liên đến dạy tình nguyện tại một trường tiểu học trên vùng cao. Hiểu Liên nói với tôi, đây là một ngôi trường ở trên núi. Vì đường đi rất gian nan, phải trèo đèo lội suối nên các em nhỏ đều ở lại trường, cuối tuần mới về nhà một lần.

Lũ trẻ rất thật thà đáng yêu, tuy nhiên chúng cũng rất cô đơn và tính cách khá lầm lì. Vì cuộc sống quá khó khăn nên những bậc cha mẹ ở đây thường phải rời vùng núi và đi làm thuê bên ngoài, con cái đều gửi cho ông bà nội hoặc ông bà ngoại chăm sóc. 

Bé trai bị mọi người xa lánh 

Trong lớp của Hiểu Liên có một bé trai rất dễ xấu hổ, lầm lì và ít nói. Các bạn cùng lớp không thích và cũng không muốn chơi với cậu. Khi Hiểu Liên liền hỏi các bạn nhỏ vì sao không muốn chơi với cậu ấy thì cả lớp đều đồng thanh nói, vì người cậu hôi quá, trước giờ không tắm gội, cũng không thay quần áo. 

Hiểu Liên tìm hiểu và biết được cha mẹ cậu bé đều đi làm xa bên ngoài, cả năm mới về nhà một lần, trong nhà chỉ có bà nội, cuộc sống rất khó khăn. Hiểu Liên quan sát thì phát hiện những ngày trời nắng nóng cậu bé vẫn mặc quần áo mùa thu, cổ thì đen kịt, trên người bốc ra mùi hôi rất khó chịu.

Hiểu Liên tìm đến cậu bé nói chuyện, khi cô hỏi vì sao cậu không tắm gội và thay quần áo, mặt cậu bé đỏ bừng và ấp úng nói, rằng cậu không có quần áo để thay. Hiểu Liên ngẩn người hồi lâu không biết nói gì. 

Trường học cách thị trấn rất xa. Hiểu Liên tìm đến đồng nghiệp, nói rằng muốn tìm một cái xe để đi vào thị trấn. Dưới sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, cuối cùng cô cũng mượn được một cái xe. Sau hai giờ đồng hồ lái xe, cô tới thị trấn, mua cho cậu bé ba bộ quần áo và một đôi giày rồi quay về trường. 

Về tới trường, Hiểu Liên đưa cho cậu bé quần áo và đôi giày, rồi bảo cậu nhanh chóng đi tắm gội và thay quần áo. Cô còn nhắc nhở cậu từ nay về sau hãy hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân, có như vậy các bạn mới không tránh xa. Hiểu Liên động viên cậu bé không nên cảm thấy tự ti, mà hãy tự tin lên, giống như nam tử hán vậy. Cậu bé òa khóc, nghẹn ngào nói rằng cậu sẽ luôn ghi nhớ lời của cô giáo.

Cậu bé tự bỏ một phiếu cho mình

Sau khi tắm gội và thay quần áo, cậu bé như biến thành một người khác, trông rất sáng sủa đẹp trai. Cậu không còn rụt rè sợ hãi và tự ti như trước nữa, Hiểu Liên đã có thể nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt cậu bé.

Ngày hôm đó lớp có môn mỹ thuật, Hiểu Liên giao cho học sinh đề bài vẽ một người hoặc một đồ vật mà mình yêu thích. Sau khi hoàn thành yêu cầu, bọn trẻ bày tranh trên mặt đất để các bạn trong lớp bình chọn.

Rất nhanh chóng các bạn nhỏ đã bình chọn được bức tranh đẹp nhất và gửi cho cô giáo. Tuy nhiên, Hiểu Liên không lập tức công bố kết quả, cô hỏi các bạn nhỏ rằng có ai tự tin tự bầu một phiếu cho mình. Cả lớp hoàn toàn im lặng, các bạn nhỏ nhìn nhau không nói gì. 

Cậu bé trai hay xấu hổ hôm trước chầm chậm giơ tay, mặt đỏ bừng, nhưng ánh mắt đầy kiên định và tự tin. Cậu bé nói với cô giáo, cậu bình chọn bức tranh của chính mình. Khi cô giáo hỏi tại sao, cậu bẽn lẽn đáp đã dùng hết tâm huyết để vẽ ra cô giáo Hiểu Liên, vì cô giáo là người con yêu nhất, và là người đẹp nhất, tốt nhất. Lúc này, mắt Hiểu Liên đã rưng rưng vì xúc động.

Hiểu Liên công bố kết quả, trong lớp có hai người được giải nhất, một là bức tranh của bạn nhỏ được cả lớp bình chọn, hai là của cậu bé đã dũng cảm bình chọn cho mình.

Hiểu Liên nói với các bạn nhỏ rằng, lý do cậu bé đạt giải nhất, không phải vì cậu bé đã vẽ cô, cũng không phải cậu ấy vẽ đẹp tới đâu mà vì cậu bé đã tự tin vào bản thân, có thể thay đổi thói quen không tốt của mình, có thể hòa đồng với các bạn, biết cảm ơn với người đã giúp đỡ mình, biết dụng tâm làm tốt việc mình muốn làm và dám nói lên cảm nhận của mình, tinh thần này rất đáng trân quý. 

Các bạn nhỏ trong lớp đều vỗ tay ủng hộ. Từ đó về sau, các bạn đều trở nên yêu quý cậu bé và luôn động viên cậu tiến bộ.

Sau khi Hiểu Liên đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và trở về thành phố, cô vẫn giữ liên lạc với nhà trường, và được biết cậu bé nhút nhát năm nào luôn đạt thành tích xuất sắc.

Tôi nghĩ, chính sự thiện lương của Hiểu Liên đã thay đổi cậu bé, giúp cậu thọ ích một đời.

Theo Sound of Hope

Bảo Hân biên dịch




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC