Cựu Thủ tướng Abe đã để lại di sản nổi bật trên chính trường Nhật Bản; ông cũng là vị lãnh đạo dành nhiều tình cảm cho Việt Nam và đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển thực chất, hiệu quả của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Chúng ta thành tâm chia sẻ sự mất mát không gì bù đắp được của gia đình cựu Thủ tướng, sự tổn thất lớn lao của Chính phủ, nhân dân Nhật Bản.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (Ảnh: Võ Văn Thành).
Năm nay 67 tuổi, ông Abe sinh ra trong một gia tộc truyền thống chính trị, có bố từng giữ chức ngoại trưởng, ông ngoại từng là Thủ tướng… Vào năm 2006, ông Abe trở thành Thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến ở tuổi 52. Mặc dù từ chức một năm sau đó, ông trở lại nắm quyền vào năm 2012 và tại vị đến năm 2020. Cựu Thủ tướng đã có nhiều thành công trong thời gian lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản. Trong đó, theo tôi, ông để lại ít nhất ba di sản nổi bật.
Đầu tiên, ông là Thủ tướng Nhật Bản tại vị lâu nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai với 2.822 ngày cầm quyền liên tục. Chính trường Nhật Bản từng có giai đoạn trung bình mỗi năm thay Thủ tướng một lần, việc ông Abe tại vị trong 8 năm liên tục đã giúp ổn định chính trị nội bộ Nhật Bản, qua đó Chính phủ có thể đưa ra những quyết sách, chủ trương lớn về kinh tế - xã hội và triển khai nhất quán trong khoảng thời gian đủ dài, tránh những xáo động liên tục.
Di sản thứ hai của ông là chính sách phát triển kinh tế với tên gọi "Abenomics". Nhật Bản từng sa vào giảm phát, kinh tế trì trệ tính bằng thập kỷ cho đến trước khi ông Abe cầm quyền lần thứ hai vào tháng 12/2012. Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ ông Abe, kinh tế Nhật trải qua một trong những giai đoạn tăng trưởng dương dài nhất (GDP tăng 7 năm liên tiếp từ 2013 - 2019). Mặc dù tốc độ tăng trưởng còn thấp, nhưng nước Nhật đã dần ra khỏi giảm phát, phục hồi tiêu dùng, tỷ lệ thất nghiệp giảm, thị trường chứng khoán hồi phục…
Di sản thứ ba, ông Abe đã thúc đẩy Nhật Bản đóng một vai trò toàn cầu nổi bật hơn. Cựu Thủ tướng là người rất tích cực trong các hoạt động đối ngoại, triển khai các chính sách chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản với tầm nhìn toàn cầu. Trong thời gian tại vị, ông đã có hơn 100 chuyến công du nước ngoài để thúc đẩy bang giao, nâng cao hình ảnh, vị thế của Nhật Bản trên toàn thế giới.
Với Việt Nam, cựu Thủ tướng Abe Shinzo là một người bạn lớn. Chính trong thời kỳ ông Abe làm Thủ tướng, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã được nâng lên tầm cao mới là "quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng".
Cho đến nay, ông là Thủ tướng Nhật thăm Việt Nam nhiều nhất với 4 lần. Lần đầu tiên vào tháng 11/2006, hai tháng sau khi ông nhậm chức; và lần thứ hai tháng 1/2013, chỉ một tháng sau khi ông trở lại nắm quyền và Việt Nam là nước đầu tiên ông công du. Có lẽ Việt Nam là một trong những nước mà ông Abe đến thăm nhiều nhất trong thời gian lãnh đạo Chính phủ.
Cựu Thủ tướng Abe và Đại sứ Nguyễn Quốc Cường trong một tiệc chiêu đãi nhân sự kiện ngoại giao (Ảnh tác giả cung cấp)
Từng được giao trọng trách Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, tôi có nhiều dịp được gặp gỡ ngài Abe, nhất là trong các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Nhật hay trong các hoạt động của ngoại giao đoàn ở Tokyo. Cảm nhận cá nhân của tôi, đây là một vị lãnh đạo chân tình, ấm áp và rất yêu mến Việt Nam. Ông đã nhiều lần nói với các vị lãnh đạo của chúng ta rằng "có tình cảm đặc biệt với Việt Nam", luôn đánh giá Việt Nam là một nước có vai trò, vị thế rất quan trọng trong khu vực và đặc biệt "thủy chung trước sau như một".
Vào năm 2017, khi tôi đang trong nhiệm kỳ Đại sứ tại Nhật Bản, đã xảy ra sự việc đau lòng là cháu Nhật Linh bị sát hại ở thành phố Matsudo, tỉnh Chiba. Lúc đó, ông Abe với tư cách Thủ tướng Nhật Bản đã đến gặp tôi và nói rằng Chính phủ Nhật xin lỗi nhân dân Việt Nam. Ông còn giao cho các cơ quan hữu quan của Nhật về quê của cháu Nhật Linh để thắp hương và cúi đầu xin lỗi gia đình cháu.
Khi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ, trong tiệc chiêu đãi của Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật, tôi bất ngờ nhận được bức thư tạm biệt của Thủ tướng Abe, đánh giá cao những đóng góp của tôi trong nhiệm kỳ. Với tôi, đây là món quà quý giá nhất mang từ Nhật Bản khi trở về nước.
Chúng ta đều biết rằng xã hội Nhật Bản vốn nổi tiếng về sự an ninh, an toàn. Nước Nhật có luật nghiêm ngặt về sở hữu súng và rất hiếm khi xảy ra các vụ xả súng. Thật đau buồn là chúng ta đã phải trải qua những thời khắc không muốn tin vào mắt mình.
Xin vĩnh biệt ngài Shinzo Abe, cựu Thủ tướng Nhật Bản, một người bạn lớn của Việt Nam.
Tác giả: Ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Ông từng là Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ (2011 - 2014), tại Nhật Bản (2015-2018).
Nguồn: Báo điện tử Dân trí