Chồng cô không phải là con một, chồng cô còn có 1 chị gái và 1 em trai. Chị gái đã lập gia đình, còn em trai của chồng cô vẫn chưa kết hôn và sống cùng ông bà. Vậy mà trong tâm trí của chồng cô, anh ấy luôn coi mình là người có trách nhiệm lớn nhất, phải ăn Tết với bố mẹ.
Cô không phản đối việc anh ấy hiếu thảo nhưng cô không đồng ý cách anh ấy "nhất bên trọng, nhất bên khinh", không nghĩ đến cảm xúc và suy nghĩ của cô.
Những năm trước, Tết nào cô cũng về nhà nội từ ngày 28 âm, ăn Tết đến hết mùng 3 Tết mới về quê chúc Tết ông bà ngoại. Nhà ngoại cách nhà nội hơn 20 cây số. Năm trước cô định về từ sáng mùng 2 Tết mà chồng cô nặng nhẹ cố níu: "Mai có các bác, cô chú đến nhà, em là dâu mới, ở lại chúc Tết, hôm sau hãy về".
Năm nay là năm thứ năm rồi, chẳng còn là dâu mới nữa, vậy mà hôm trước chồng lại bảo: "Tết năm nay vẫn vậy nhé em!".
Cô không hiểu tại sao anh ấy lại vô tâm với nhà ngoại đến thế. Năm vừa rồi là 1 năm nhiều biến cố với nhà cô. Bố bị bệnh hiểm nghèo, vừa qua đời được 4 tháng. Em trai cô lại thi trượt đại học. Nhà cửa hiện trống trải, mọi người đều đau buồn, chán nản.
Mẹ u sầu vì nhớ thương bố, trở nên dễ căng thẳng, thường xuyên la mắng em trai cô. Bởi vậy quan hệ của 2 người đang không tốt. Cô mong muốn Tết này được ở bên mẹ, để an ủi, động viên mẹ, giúp mẹ đỡ buồn và tủi thân trong Tết đầu không còn bố.
Sau khi cô nói mong muốn của mình cho chồng nghe, anh ấy có vẻ đồng tình nhưng lại nói rằng: "Em có thể về ngoại ăn Tết, còn anh và bé Tít sẽ về bên nội đến mùng 3 thì sang". Cô cảm thấy buồn và thất vọng. Mấy ngày nay cô không muốn nói chuyện với chồng.
Lần nào cũng vậy, bàn về sắm Tết, biếu Tết nhà nội, nhà ngoại, anh ấy đều thiên vị như thế. Ví dụ như nhà nội biếu 5 triệu đồng thì nhà ngoại chỉ được 3 triệu. Lý do là vì "mình toàn ở bên nội, sang bên ngoại ăn có 1 bữa thôi mà!". Không phải người làm chủ kinh tế, mấy chuyện này cô không tự quyết được, cô tủi thân lắm.
Năm nay nhà cô neo người mà chồng cô vẫn muốn được ăn Tết bên nội. Lần nào về quê ngoại, cũng chỉ ở lại chơi trong ngày, rồi nhanh nhanh chóng chóng đi về. Suốt 3 năm kết hôn, nếu cô nhớ không nhầm hình như chồng cô chưa ngủ lại nhà cô tối nào.
Chồng cô luôn lấy lý do bận công việc, bận công tác, bận việc nọ việc kia để không về cùng cô thăm ông bà ngoại vào cuối tuần. Chồng cô nói, nhà mẹ đẻ cô nhiều cửa, không kín, sân rộng, mùa đông gió lùa vào lạnh run người…
Cô nghĩ bụng, biết vậy sao không gửi tiền về cho bố mẹ sửa nhà đi. Chồng kiếm ra tiền còn cô ở nhà nội trợ, không chủ động kinh tế, nhiều khi muốn làm việc nọ, việc kia cho bố mẹ cũng phải nhìn trước, ngó sau.
Nhưng năm nay, cô không muốn nhẫn nhịn nữa. Năm nay, nếu anh ấy vẫn muốn làm con ngoan bên nội, cô sẽ đưa con về ăn Tết với mẹ. Cô mong có sự ủng hộ của Thanh Tâm để thêm quyết tâm "đàm phán" với chồng!
Thanh Tâm cũng mong muốn gia đình cô năm nay về quê ăn Tết với bà ngoại. Đây là năm đầu tiên không có bố, chắc hẳn mẹ cô sẽ rất buồn và trống trải. Chính cô cũng nhớ bố, mong hương khói cho bố chu toàn cái Tết đầu bố đi xa.
Cô có thể tâm sự với chồng chuyện về ăn Tết với bà ngoại và mong rằng chồng cô sẽ thay đổi quyết định. Cô có thể bàn phương án linh hoạt. Hai vợ chồng mua sắm đồ Tết rồi chia nhau, vợ về bên ngoại, chồng về bên nội để cùng hai bên gia đình chuẩn bị Tết.
Ngày 30 Tết, cô qua nhà nội ăn trưa, thắp hương rồi xin phép ông bà cho cả nhà cô sang ngoại đón Tết. Chiều mùng 1 Tết, chồng cô có thể về nội trước, mẹ con cô ở thêm 1-2 ngày bên ngoại rồi về nhà nội mừng năm mới.
Còn việc không công bằng giữa nhà nội với nhà ngoại có nhiều cách giải quyết, chỉ cần cô không có ý nghĩ phân biệt nội-ngoại.
Thanh Tâm cũng nhắc cô không nên nghĩ quá nhiều việc mình ở nhà chăm sóc con cái, nhà cửa nên không có tiếng nói trong nhà. Hãy tự tin về những đóng góp to lớn của mình với gia đình thì chồng cô cũng sẽ nghĩ theo hướng đó.
Theo Phụ nữ Việt Nam