Thực tế, chuyện “vun vén cho mình” bất chấp gây tổn hại cho cộng đồng đã là một thói quen xấu từ lâu, không chỉ liên quan đến giàu nghèo, trình độ văn hóa.
Các đoạn clip cho thấy chủ nhân của những chiếc xe hơi, người thì dùng xe để thực hiện việc trộm chó đang nằm chơi trước sân nhà, người thì dừng xe tại một đoạn đường hình như là xa lộ Hà Nội để bứng trộm những cây chuối pháo đang trổ bông rực rỡ trồng ở bồn hoa ven đường.
Trước đây không lâu, một người đi đường đã quay được clip chủ một xe hơi đã vội vàng tấp vào lề đường khi phát hiện một chậu hoa cảnh đẹp được để ven đường không ai trông coi, bê vội chậu hoa lên xe và đi mất.
Muốn có hoa đẹp, nhưng không muốn bỏ tiền mua hoa về thưởng thức, trang trí mà chỉ chực chờ… ăn trộm của người khác, đó là một thói quen của không ít cư dân đô thị.
Đi dọc một dãy nhà mặt phố, sẽ không khó khăn để thấy hình ảnh hàng loạt chậu hoa cảnh được hàn xích, xích chặt vào tường nhà để tránh mất trộm. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp, cẩn thận như thế nhưng chủ nhà vẫn bị nhổ luôn cả cây.
Tâm lý “thích lấy của người làm của mình” ấy còn được thể hiện vào mỗi dịp lễ hội hoa, đường hoa..., khi đám đông không chỉ đến ngắm, thưởng lãm hoa mà còn lăm le trộm hoa, cướp hoa mang về nhà chưng. Ở nhiều lễ hội hoa, việc ngắm hoa đầy tao nhã đã bị biến thành một cuộc cướp hoa dung tục khiến lễ hội bị phá nát trong sự bất lực của Ban tổ chức.
R.Mark, một blogger du lịch người Mỹ từng sống một thời gian ở Việt Nam đã chia sẻ cảm nhận của anh, rằng người Việt dễ mến, tốt bụng, cởi mở, nhưng có một tính xấu thấy rõ, đó là chỉ vun vén cho gia đình mình, căn nhà của mình, và “bất chấp” môi trường sống chung quanh ra sao.
Tính cách này không chỉ thể hiện ở việc lấy của người khác, của công cộng trang trí cho ngôi nhà chung của mình, mà còn ở việc giữ gìn vệ sinh chung.
Đa phần các ngôi nhà của người Việt đều được giữ gìn sạch sẽ, nhưng lại sẵn sàng vứt chuột chết, xác chết sinh vật ra đường, sẵn sàng ném chai lọ uống hết trên đường phố, hay vứt rác bừa bãi ra chốn công cộng, chỉ vì tâm lý “không phải nhà mình, không ảnh hưởng đến mình”.
Những hành xử như khạc nhổ, tiểu tiện bừa bãi, không giữ gìn vệ sinh nơi công cộng và thường xuyên vi phạm các quy tắc công cộng cũng từ đó mà ra.
Thói quen suy nghĩ ấy đã tạo nên nhiều khó khăn trong việc giữ gìn môi sinh, giữ gìn cảnh quan sạch sẽ, văn minh trong cộng đồng…
Nhận định ấy tuy khá tiêu cực, nhưng hầu như là đúng với thực trạng hiện nay. Những “xấu xí” trong hành xử nói trên làm sao để “chữa” được, đó là một điều khá gian nan. Bởi, từ cái sai trong hành xử của cha mẹ sẽ dẫn đến những đứa trẻ thiếu ý thức, dần gây nên lệch lạc ứng xử của một thế hệ.
Đó còn là câu chuyện chiều sâu trong giáo dục trẻ, trong quản lý xã hội của những nhà quản lý.
Điều đáng tiếc là câu chuyện này ít được quan tâm, dù rằng, để xây dựng được sự văn minh trong một xã hội, thì nền tảng đầu tiên chính là những hành xử tưởng giản đơn như thế.
Nguồn: Báo Pháp Luật