Chuyện người Việt Nam ra nước ngoài sinh sống ăn cắp bị bắt không còn là lạ. Vậy tại sao chúng ta lại thích ăn cắp và bao giờ thì chúng ta thôi ăn cắp?

 

 Bao giờ chúng ta đoạn tuyệt được thói quen ăn cắp? - 0

Câu chuyện về những người đi du lịch ở Thụy Sĩ nhưng vẫn ăn cắp mấy cái kính hàng hiệu đã khiến cho chúng ta có một cái nhìn khác về thói xấu này, nó không phải có ở những người nghèo khổ, nó hiển hiện ở cả những người có tiền, đủ sức đi chơi châu Âu.

Ăn cắp đã thành thói quen

Hãy nhớ lại khi còn nhỏ, bạn có ăn cắp vặt không? - Có chứ.

Đi ngang nhà hàng xóm thấy cây xoài, cây ổi trái chín căng mọng, leo lên hái ngay, “ăn của nhà hàng xóm ngon hơn”. Và khi ăn cắp vặt từ nhỏ như thế, không ai nhận ra rằng mình đang tập một thói quen xấu có ảnh hưởng rất lớn đến cả một xã hội, cả một đất nước.

Nhỏ xíu bạn ăn cắp hoa quả trái cây hàng xóm, lớn lên một chút nữa bạn ăn cắp kiến thức. Cứ mỗi năm đến hè là phao thi rụng trắng sân trường, ai ai cũng hì hục nhìn nhìn chép chép để qua được kỳ thi, lấy được tấm bằng tốt nghiệp, kiến thức có phải của mình không cũng chẳng quan tâm.

Ngang nhiên hả hê trước những điểm số đạt được, nhiều người thản nhiên ăn cắp kiến thức ngay từ tuổi học trò.

Ra trường đi làm lại tiếp tục ăn cắp.

Nhân viên văn phòng, công chức nhà nước thì ăn bớt giờ công (lương vẫn nhận đủ). Công nhân thì ăn cắp nguyên vật liệu trong xưởng. Một người Nhật làm việc ở Việt Nam từng chia sẻ rằng họ thừa biết công nhân Việt Nam ăn cắp, và họ xử lý bằng cách trừ bớt lương, đáng ra trả 7 triệu đồng thì họ sẽ chỉ trả 5 triệu đồng thôi, phần kia bù vào những thất thoát do công nhân ăn cắp.

Thế đấy, chỉ là một cái vòng tròn vay trả mà những công nhân ngây thơ cứ tưởng mình giỏi, mà giỏi gì cái chuyện ăn cắp vặt.

Lên cao hơn nữa là ăn cắp tài nguyên, tiền bạc của nhân dân, của đất nước. “Làm thất thoát” là một từ mỹ miều để gọi về hiện tượng tham nhũng tràn lan hiện nay, một hình thức ăn cắp với quy mô lớn và siêu tinh vi, gây tổn thất không biết bao nhiêu mà kể.

Hay như câu chuyện của kế toán tìm cách lách bớt phần thuế phải đóng, ăn cắp thuế của quốc gia.

Ra sân bay chúng ta kêu trời vì bị ăn cắp hàng hóa ký gửi.

Nhìn xung quanh đầy nhà thiết kế thời trang bị tố là ăn cắp ý tưởng. Lên facebook cũng không thiếu kẻ ăn cắp không chùn tay, có facebooker nổi tiếng (cả triệu like) cả đời chẳng viết được cái gì ra hồn nhưng cứ ai viết cái gì hay là hóng hớt copy về, đương nhiên là thường quên ghi nguồn, “dễ thương” ghê.

Thói quen ăn cắp đã trở thành một bản năng khó bỏ mà người Việt khi ra nước ngoài vẫn mang theo.

Chắc hẳn ai cũng cảm thấy xấu hổ khi sang Nhật mà nhìn thấy những tấm bảng cảnh báo bằng tiếng Việt hẳn hòi. Hoặc là những vụ ăn cắp vặt bị bắt ở trời Âu như vụ cô phóng viên truyền hình VTV nổi tiếng hay gần đây là nhóm khách du lịch có khả năng bỏ vài ngàn đô cho chuyến đi nhưng lại thích táy máy

Thật khủng khiếp với con số thống kê: Cứ 5 kẻ cắp ở Nhật thì 1 là người Việt Nam? - 0

Bao giờ chúng ta thôi ăn cắp?

Đây là quả là một câu hỏi khó và lời giải cho hiện tượng này chắc chắn không phải đơn giản. Có chứng bệnh “nghiện ăn cắp” do những xung động tâm lý ảnh hưởng.

Rất nhiều người nổi tiếng và giàu có cũng từng bị bắt trong những cửa hàng sang trọng vì “lỡ tay”.

Nhưng tôi lại cho rằng tật ăn cắp của người Việt chủ yếu là do tham và thói quen có từ nhỏ cho đến lúc lớn trong một môi trường tràn ngập lọc lừa.

“Đói ăn vụng, túng làm liều”, ăn cắp một lần được sẽ ăn cắp lần hai, ăn cắp thứ nhỏ được sẽ ăn cắp sang những thứ lớn. Một người ăn cắp được thì cả nhóm, cả làng cũng ăn cắp theo. Quan trọng là sự nhìn nhận của xã hội với tật xấu này.

Người Nhật coi tội ăn cắp vặt là một tội rất nặng và là một sự suy thoái về đạo đức.

Chúng ta đôi khi vẫn xem nhẹ và dung túng cho những hành vi ăn cắp, khiến cho nó trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, không ai thèm phản ứng hay chống lại.

Mỗi khi định ăn cắp một cái gì đó như đồ dùng, tiền bạc, kiến thức, niềm tin, ý tưởng, trí tuệ… hãy nghĩ đến lòng tự trọng.

Khi vẫn còn lòng tự trọng thì không thể ăn cắp được. Bao giờ chúng ta mới thôi ăn cắp vặt, bao giờ chúng ta mới bỏ thói quen này, bao giờ chúng ta có được lòng tự trọng trong con mắt thế giới để không phải cúi gằm mặt khi ra ngoài.

Một vài người ở nước ngoài ăn cắp đương nhiên không thể đại diện cho gần 100 triệu người Việt Nam.

Nhưng thừa nhận thói xấu và tìm cách từ bỏ nó để cho hình ảnh người Việt ở nước ngoài không còn xấu xí là việc đáng và nên làm.

Và phải làm ngay từ thế hệ măng non.

 

Theo KHỎE & ĐẸP




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC