"Có em sau khi nhận kết quả thi học sinh giỏi đã ôm ý định tự tử, vì sợ bị bố mẹ mắng khi mình chỉ được huy chương đồng…", PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa - nguyên giảng viên Tâm lý giáo dục Trường ĐHQG Hà Nội - kể.
Đây là một trong số rất nhiều câu chuyện về dạy con mà PGS.TS Hoa, còn là TS. Giáo dục học - Viện Giáo dục ĐH Tổng hợp Potsdam CHLB Đức - chia sẻ tại tọa đàm "Cuộc chiến tuổi dậy thì" do Trường phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway tổ chức.
1. Người Việt trẻ thì "chọi nhau" già thì "chọi" con
Tâm lý "quan tâm" và so đo đời tư của nhau là một trong số những thói xấu của người Việt, gây áp lực nặng nề cho bản thân mình và cho cả con cái.
Thói xấu này khiến từ nhỏ đến lớn, cứ ra đường là chúng ta bị bủa vây bởi hàng chục câu hỏi.
Tốt nghiệp ĐH được ít năm thì bị hỏi làm ở công ty nào, lương bao nhiêu? Làm được vài năm lại bị hỏi có nhà chưa, mua ô tô chưa? Kết hôn rồi thì bị hỏi có con chưa, đẻ 1 hay 2 đứa, đẻ 2 đứa thì được 1 trai 1 gái hay "1 gái 1 nữ"? Con đi học thì bị hỏi con học hỏi không, học trường chuyên không?
Ảnh minh họa. Nguồn: Giadinh.net.vn
Con lớn rồi thì bị hỏi đỗ Đại học không, đỗ trường nào? Có đi du học không? Nếu du học thì du học tự túc hay có học bổng? Có học bổng thì được học bổng bán phần hay toàn phần?...
Và cứ thế, sau mỗi đợt tổng kết học kỳ, các bậc bố mẹ lại tấp nập khoe điểm thi của con ngập tràn Facebook…
"Người Việt rất quan tâm tới đời tư của nhau. Tôi lên sân bay Nội Bài, thấy không ai quen ai mà ngồi một lúc họ đã khai hết đời tư".
"Họ khoe có 5 đứa con đi Hàn Quốc hết, các con đưa cả họ đi luôn. Rồi họ được mời sang nớ 3 lần rồi. Họ khoe cả việc con họ làm ở đâu, lương bao nhiêu. Tôi đâu biết con họ, không có nhu cầu biết, nhưng họ có nhu cầu khoe. Người Việt mình rất khổ", bà Hoa kể.
Ở nước ngoài, du học sinh ở cùng phòng cũng không ai hỏi chuyện đời tư một vợ mấy con, nhà ở đâu, có thân thiết lắm cũng chỉ biết sơ sơ.
"Ở Việt Nam, bố mẹ làm giáo sư nổi tiếng mà con đi lái xe tải, có lẽ cả làng phải kể đến 5 đời", bà Hoa hài hước.
2. Nhiều bậc cha mẹ không tôn trọng con, tự cho mình quyền rất to là "Đẻ ra con là có quyền"
Bà Hoa có người quen là một gia đình người Việt ở Đức. Có bận đứa con xin mẹ sang sinh nhật bạn, người mẹ không đồng ý, bèn giao cho con cả đống việc. Trong lúc không để ý, đứa nhỏ đi mất. Biết con mình sang sinh nhật con nhà bên kia, bà bèn chạy sang gọi theo "kiểu Việt Nam" - đứng ngoài cổng nhà người ta và hét lớn: "Lan ơi, về ngay".
Sau nhiều tiếng gọi như hét ấy, bố đứa bé nhà kia ra hỏi: "Có việc gì thế?"
Bà mẹ Việt giải thích là bà muốn con bà PHẢI về nhà.
"Bà đợi tôi vào, tôi hỏi xem con bà có muốn về không đã", ông bố người Đức trả lời và đóng cửa bước vào. Một lúc sau, ông bước ra và bảo rằng: "Con bé đang vui với bạn, chưa muốn về".
"Người ta rất tôn trọng trẻ con. Ở nước ngoài, một đứa trẻ có quyền như thế. Trong khi đó, bố mẹ Việt Nam rất không ổn, mắc rất nhiều lỗi và tự cho mình quyền rất to là "Đẻ ra mày là có quyền"".
"Đứa con ở Việt Nam vô cùng khổ. Mà ở lứa tuổi dậy thì đứa trẻ có sự khủng hoảng về tâm sinh lý, rối loạn hành vi, cảm xúc. Đứa trẻ đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời nó, mà nhiều người làm cha, làm mẹ không hiểu. Thế nên, làm bố mẹ cũng cần phải học", PGS.TS Hoa nói.
Theo thống kê đưa ra tại sự kiện, có tới 80% học sinh có những vướng mắc, khủng hoảng tuổi dậy thì nhưng lại không biết chia sẻ cùng ai.
Tháng 4/2018, một nam sinh trường Nguyễn Khuyến đã gieo mình xuống sân trường tự tử do áp lực học tập, điểm số và áp lực từ gia đình muốn con mình được học lớp đứng đầu khối.
Trước đó, một học sinh lớp 5 ở Hậu Giang đã gieo mình xuống sông tự tử... chỉ vì không làm bài tập, bị mẹ đánh. 5 học sinh lớp 7 ở Hải Dương cột tay nhau nhảy xuống sông chết tập thể... vì buồn chán chuyện gia đình, trường lớp.
Có nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra với lứa tuổi dậy thì. Những lý do nhỏ nhặt cũng khiến nhiều em rơi vào chiếc hố sâu của sự tuyệt vọng mà không thể tự giải thoát được mình.
Ông Charles Mackenzie - Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway, Tiến sĩ Tâm lí học giáo dục Seattle US - cho biết: Lứa tuổi dậy thì thường tự đặt ra những câu hỏi mang tính chiều sâu như Mục đích của cuộc đời mình là gì? Mình có thể cống hiến, đóng góp gì cho thế giới?
Bọn trẻ thậm chí tự hỏi xem ai là người thân của chúng, và một câu hỏi lớn khác của chúng là "Mình có thể tin tưởng bố mẹ nữa hay không?"
Lời khuyên các chuyên gia tâm lý đưa ra là hãy ở bên cạnh và đừng bao giờ từ bỏ bọn trẻ.
Chúng đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời, cả về mặt tâm sinh lý, cả về áp lực giảng đường. Có thể chúng sẽ im lặng trong nhiều ngày, có thể chúng sẽ trốn trong phòng hàng giờ liền. Nhưng hãy ở bên chúng, để chúng thấy gia đình là chốn an toàn, hạnh phúc và tràn đầy yêu thương…
Nguồn: Tri thức trẻ