Chúng ta đang “phát cuồng” với những gì có chữ “tốc” và chữ “siêu”: siêu tốc, thần tốc, cấp tốc, siêu lợi nhuận... và đang phải trả giá rất đắt cho thói xấu này.
"Đa cấp, Vietlott, kẹt xe..." là những vấn đề nóng đến mức có nhà báo đã kêu gọi các tiến sĩ vào cuộc.
Kêu gọi các tiến sĩ vào cuộc nghiên cứu là hơi quá bởi những vấn đề này không khó tìm nguyên nhân mà khó ở giải pháp, bởi nó liên quan đến việc tiếp cận thông tin của người dân và thay đổi ý thức của họ mà trong đó bệnh cuồng "thần tốc" là một nguyên nhân cơ bản.
Điều thấy rõ đầu tiên đó là trong lĩnh vực giáo dục.
Đây là lĩnh vực cần đòi hỏi cả một quá trình hơn hết “Việc học cũng như trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả”. Vậy nhưng chúng ta thấy nhan nhãn những quảng cáo đánh vào thị hiếu của người dân:
Luyện thi cấp tốc, ôn thi cấp tốc... cùng với các cuốn sách bán rất chạy, một trong những cuốn nổi bật là bộ sách “Thần tốc luyện đề thi THPT quốc gia 2016”.
Chứng kiến cảnh những học sinh của mình thi học kì mới thấy rõ bản chất của sự việc, những học sinh bình thường lười biếng, ăn chơi, bỏ học... giờ đây bằng mọi cách để làm bài đạt điểm.
Nghĩa là, các em ấy không cần bỏ ra công sức nhưng vẫn muốn có kết quả học tập cao để lên lớp, để đạt học sinh tiên tiến.
Nhiều học sinh suốt thời gian dài không chịu học và rèn luyện đã tìm đến những lớp “cấp tốc”, những sách “thần tốc” để làm cứu cánh cho mình.
Liệu những khóa học “thần tốc”, những cuốn sách “thần tốc” ấy có làm cho những học sinh lười biếng trở nên giỏi giang và thành đạt ngay không?
Một lĩnh vực mà ai cũng thấy rất rõ đó là lĩnh vực làm đẹp.
Nhìn qua các quảng cáo về nhiều chủng loại hàng hóa và trung tâm thẩm mỹ phần lớn chúng ta đều thấy chữ “siêu”:
tắm trắng siêu tốc, trẻ hóa làn da trong vòng 7 ngày, thậm chí có sản phẩm chỉ 3-4 ngày.
“Collagen là sản phẩm có sức mạnh tuyệt đối trong việc giảm nếp nhăn, trị mụn, làm da sáng hồng, căng mịn, tốt cho tim mạch, xương khớp chỉ trong vòng 1-2 tháng” (quảng cáo một loại collagen).
Ngay cả khi một sản phẩm hỗ trợ có chất lượng đã được kiểm định uy tín thì cũng rất cần sự kiên trì của người dùng. Nhiều khách hàng cứ nghĩ những sản phẩm làm đẹp là “thần dược”, làm cho bụng nhỏ, eo thon ngay lập tức và mình không cần luyện tập, không cần chế độ ăn uống nào cả, thậm chí cũng không cần sử dụng kiên trì sản phẩm đó thì vẫn giữ được vẻ đẹp.
Bôi một loại mỹ phẩm phải trắng hồng ngay lập tức, nếu không thì vứt không dùng mặc dù ai cũng biết bất cứ sự thay đổi nào cũng đòi hỏi cả một quá trình.
Cũng vì thích “thần tốc” nên mới có nhiều khóa học làm giàu nhanh chóng, làm giàu rất dễ, thành công không khó...và những công ty lừa đa cấp vẫn nghiễm nhiên tồn tại.
Mỗi ngày tivi vẫn tiếp tục đưa tin về những quả lừa với những giọt nước mắt mếu máo của nạn nhân nhưng khó có ai thông cảm với họ được, bởi họ chỉ là nạn nhân của chính họ mà thôi, nạn nhân của lòng tham và mong muốn làm giàu nhanh chóng.
Và vì thích “thần tốc” nên người ta mới bỏ thuốc tăng trọng, chất tạo nạc vào thức ăn cho gia súc, gia cầm lớn càng nhanh càng tốt và lợi nhuận càng cao, hậu quả càng khó lường.
Tại sao người Việt lại thích “thần tốc” đến vậy.
Nói đâu xa, thái độ tham gia giao thông trên đường cũng cho thấy đam mê “thần tốc” của chúng ta. Vội vàng đi, vội vàng chạy và tranh giành lên trước, thậm chí vội vàng chạy để về “thế giới bên kia”…trong khi xét về quỹ thời gian làm việc thì mình còn quá ít so với nhiều nước trên thế giới.
Đó phải chăng là một sở thích “thần tốc” của người Việt mới nảy sinh sau này.
Đây là một hiện tượng rất đáng báo động bởi hệ quả của nó rất nghiêm trọng, khó lường. Phải chăng chúng ta lại phải bắt đầu bằng bài học cũ
“Cái kén bướm” mà ai cũng biết rằng:
cuộc sống cần phải kiên trì, mọi thứ, mọi việc đều có quá trình của nó, không được đốt cháy giai đoạn bởi hậu quả là thứ mà chúng ta đang nhận, đang phải đối diện, hàng ngày hàng giờ.
Giải quyết được bệnh cuồng "thần tốc" không chỉ góp phần giải quyết được vấn nạn "đa cấp, Vietlott, kẹt xe..." mà còn giúp cho mỗi người thành công hơn và xã hội tốt đẹp hơn.
Nguồn: Thùy Lâm - Báo Lao Động