Xả rác đầy phòng, ném cốc mì đã ăn xong vào thùng rác làm nước bắn tung tóe, coi thường công việc của người dọn phòng khách sạn...là những "lỗi" du khách Việt hay mắc phải khi thuê phòng trong chuyến du lịch nước ngoài.
Trên diễn đàn dành cho phụ nữ, một thành viên giới thiệu là người dọn phòng của khách sạn 4 sao ở Singapore đã có những dòng chia sẻ gây chú ý.
Chị này thẳng thắn cho biết, sau thời gian dài làm việc ở nước ngoài chị thấy người Việt Nam mình trong con mắt của những người dọn phòng khách sạn là "vô cùng bê bối ". Khi biết phải dọn phòng cho khách là người Việt Nam thì họ lắc đầu ngán ngẩm vì khách Việt ở bẩn, luộm thuộm và không có tiền tip.
Chị này chia sẻ thêm, khách típ (cho tiền người dọn vì họ phục vụ nhiệt tình) hay không là tùy vào độ phóng khoáng của khách nhưng nên có những hành vi "thương người dọn phòng".
Cụ thể, khách du lịch không nên làm những điều sau:Họ thích dọn phòng cho người Nhật nhất vì họ ở rất ngăn nắp và sạch sẽ. Ngoài khách Việt, khách Ấn Độ, Indonesia cũng khiến người dọn phòng e ngại.
- Xả rác đầy phòng trong khi đã có thùng rác.
- Nếu có ăn mì ly thì làm ơn để ly trên bàn hoặc để ly đứng trong thùng rác, đừng quăng vào thùng rác một cách cẩu thả làm đổ nước mì ra thùng rác. Người dọn phòng không thích điều này vì như thế người dọn phòng phải đem thùng rác đi rửa.
- Nếu có bấm nút " Do not disturb " (Không làm phiền) thì ra khỏi phòng xin nhớ tắt vì người dọn phòng không thế dọn phòng bạn nếu đèn "Do not disturb" sáng. Đồng nghĩa với họ mất một phòng bởi lương của họ tính theo phòng.
Theo người dọn phòng này, các chị được giao mỗi người một ngày dọn 17 phòng trong 8 tiếng. Khi khách trả phòng phải thay toàn bộ ga giường và mền. Nếu ngày nào có trên 10 phòng trả thì họ sẽ làm thêm giờ nhưng vẫn không được tính thêm tiền.
Công việc này không không phải ai cũng làm nổi bởi sự nặng nhọc và áp lực. Nếu ai không cố cố gắng thì sẽ bỏ trong thời gian học việc. Khi khách có típ thì tất nhiên người dọn phòng sẽ chăm sóc chu đáo hơn (như để nhiều nước, cà phê hơn quy định, thay áo gối mỗi ngày, thay ga giường thường xuyên hơn...).
Chị cũng bày tỏ sự yêu mến phong cách lịch sự, ấm áp và luôn tôn trọng người khác của người Nhật. Có những người khách típ tiền kèm thêm một thỏi sô cô la hoặc vài viên kẹo, không quên viết chữ "thank you" cho người dọn phòng.
"Có lần tôi rất cảm động khi có vị khách đặt chiếc hamburger trên tờ 5 đô la. Kế bên là dòng chữ "thank you for cleaning my room( cảm ơn vì đã dọn phòng sạch sẽ)".
Tôi cảm nhận được sự quan tâm và tôn trọng. Tôi chưa thấy khách người Việt Nam nào xử sự như thế. Tôi thấy họ có vẻ xem thường công việc của chúng tôi. Khi tôi chào, họ không đáp lại", chị viết.
Một số thói hư của người Việt ở nước ngoài:
1 Nói chuyện lớn tiếng chỗ đông người, lười xếp hàng
Nhiều người Việt khi gặp nhau nói cười ầm ĩ không khác gì cái chợ. Họ cũng được ghi nhận là đất nước "lười xếp hàng" chỉ muốn chen ngang, nhanh chóng giải quyết được việc.
2 Lãng phí đồ ăn
Đi ăn buffet, nhiều người lấy đồ ăn cả bàn ăn không hết. Họ ráng gồng mình để ăn cho đủ với số tiền bỏ ra. Ăn không được thì bỏ. Thế nên nhiều nơi phải dán dòng chữ bằng tiếng Việt: Xin lấy thức ăn vừa đủ!
3. Ăn cắp vặt, gian lận
Nạn "thó đồ" nơi nhà hàng, siêu thị...của người Việt đã nhiều lần bị phanh phui. Một số du học sinh cũng góp phần làm xấu hình ảnh nước mình khi gian lận trong thi cử...Một số người còn tìm cách trốn vé tàu, ăn cắp mật mã mạng...
4. Bẩn và vô kỷ luật
Sống cẩu thả, luộm thộm, không tuân thủ các quy tắc luật lệ của phòng, gia đình thuê trọ. Khi đến các nơi công cộng nhiều quy tắc ở đây cũng bị một số người Việt "làm ngơ".
5. “Giờ cao su”
Ý thức giờ giấc của người Việt Nam bị đánh giá là rất kém. Nhiều bạn đi du học ở các nước phát triển lúc đầu rất hay bị bỡ ngỡ. Họ dễ bị trễ tàu, lỗi hẹn...là chuyện thường xuyên.
Phương Lễ