Tất cả những hành vi xấu của người dân đều xuất phát từ cơ chế thị trường, tăng thu giảm chi, làm mất đi hình ảnh người Hà Nội thanh lịch.
Bản thân đã từng sống và làm việc tại Hà Nội hơn 50 năm, nên ông Vương Duy Bảo - Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTT&DL) vô cùng buồn khi trao đổi về câu chuyện liên quan đến nét thanh lịch của người Hà Nội hiện nay.
Đang có sự xuống cấp về văn hóa
PV:- Dù đã nỗ lực nhiều trong các chương trình trang trí đón Tết cụ thể như việc trồng hoa và đặt chậu hoa, vườn hoa Tết bên bờ hồ Gươm vẫn xơ xác chỉ sau 1 đêm giao thừa. Trước đó, dư luận cũng đã vô cùng bức xúc trước hiện tượng những chậu hoa bị mất cắp.
Từ góc độ phía nhà quản lý, ông nhìn nhận ra sao trước hiện tượng trên? Nguyên nhân nào dẫn đến những hiện tượng trên?
Ông Vương Duy Bảo: - Tôi rất buồn và xấu hổ vì không hiểu tại sao lại có những người thiếu ý thức văn hóa, thậm chí vô văn hóa như vậy. Thực trạng này xuất phát từ trong cơ chế thị trường, tăng thu giảm chi, chỉ thích thu chứ không thích chi.
Ví dụ như chậu hoa đỗ quyên từ Đà Lạt mang ra giá trị cũng chỉ vài trăm nghìn, nhưng vẫn bị mất cắp.
Đó là việc làm thể hiện sự tham lam. Mà những việc làm này, người Hà Nội xưa không bao giờ có.
Còn riêng về việc hoa trang trí tại bờ Hồ bị xơ xác sau đêm giao thừa, theo tôi cũng không thể tránh khỏi, vì đất chật người đông khó tránh khỏi việc giẫm đạp, có thể chia sẻ được, vì đây là vô ý.
Như vậy, theo tôi, hành vi lấy trộm hoa mang về rất đáng trách, đáng phê phán, khó chấp nhận. Nhưng đây không phải là số nhiều, chỉ là một bộ phận vô cùng nhỏ.
Đây chỉ là những cá biệt chậm tiến trong xã hội, "con sâu bỏ rầu nồi canh" làm xấu mặt xã hội, còn bản chất xã hội ta rất tốt đẹp.Về nguyên nhân cũng rất khó nói.
Chúng ta không thể nói đó là trách nhiệm của xã hội. Nếu như chúng ta vẫn dạy mỗi con người phải có tư tưởng "mình vì mọi người mọi người về mình", tình làng nghĩa xóm, thì vấn đề giáo dục đạo đức gia đình cũng vậy.
Vì thế cần phải lên án, phê phán mong rằng mọi người nhìn thấy, cùng chung tiếng nói cảnh báo để lần sau không tái phạm.
PV:- Không chỉ trộm hoa, giẫm hoa, trong những ngày nghỉ Tết, còn ghi nhận rất nhiều trường hợp đánh nhau phải nhập viện, ngộ độc rượu phải đi cấp cứu... Phải lý giải thế nào khi những thói xấu của người Việt lại bùng phát mạnh mẽ trong dịp này?
Ông Vương Duy Bảo: - Riêng việc uống rượu, say rượu thì phải giáo dục về văn hóa uống rượu, uống thế nào là đủ, thế nào là vừa chứ đừng để rượu uống người.
Trong khi, những người sản xuất rượu để bán thì toàn làm rượu giả để kiếm lợi nhuận, rượu không đảm bảo chất lượng, nên người uống khi say sẽ không kiểm soát được hành vi của mình, dẫn đến tai nạn giao thông, đánh nhau.
Chung quy chúng ta phải giáo dục đạo đức của mỗi người trong từng gia đình. Rõ ràng gia đình văn hóa là rất quan trọng.
Cũng không khó để lý giải cho việc người Việt cứ đến những dịp nghỉ lễ lại nhiều thói hư tật xấu bùng phát. Bởi vì, ngày nghỉ lễ là dịp mọi người được nghỉ ngơi.
Chính ra những lúc nghỉ ngơi thì phải có nhiều hoạt động văn hóa, nhiều trò chơi, nhiều điểm vui chơi để người dân đến.
Cũng như tôi đã nói hệ thống thiết chế của văn hóa, các trung tâm văn hóa của các tỉnh thành, quận, huyện phải trở thành các cung điện văn hóa để dụ người dân đến chứ không phải các công trình văn hóa trở thành trung tâm hành chính.
Khi làm như vậy, thì chắc chắn người dân sẽ không đến đó, mà không có chỗ chơi thì quay ra nhậu nhẹt, ăn uống.
Nếu chúng ta có khu vui chơi giải trí như nước ngoài, rất đầy đủ, ngày lễ tết mở rộng cửa để mọi người đến vui chơi giải trí, thì sẽ khác.
Ở nước ngoài người dân sẽ đắm mình trong lễ hội văn hóa chứ không phải đắm mình trong rượu bia như Việt Nam, uống từ đêm tới sáng, từ sáng tới đêm.
Nếu như ai đã từng đi ra nước ngoài như Ma Cao sẽ thấy, các sòng bạc của họ được thiết kế đúng như các cung điện văn hóa, người ta đến đó vui chơi giải trí, ăn uống thưởng thức có văn hóa chứ không say xỉn.
Mà nói đến rượu thì chưa đủ, vì hiện nay còn phải nhắc đến cả văn hóa uống bia của người Việt. Tại sao Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới về tiêu thụ bia, mỗi người tiêu thụ 7 lít bia/năm.
Đánh nhau vì say rượu
Bộ quy tắc ứng xử chỉ mang tính chất hành chính
Tôi không ủng hộ việc phát triển các nhà máy bia mặc dù lợi nhuận cao giống như thuốc lá, ngược lại, phải xác định bia nguy hiểm gần như ma túy.
PV:- Đứng ở góc độ cá nhân, là một người Hà Nội, ông có cảm thấy xấu hổ trước những hành động thiếu văn minh nói trên hay không? Nếu gặp hành động như vậy, ông sẽ ứng xử như thế nào?
Ông Vương Duy Bảo: - Tôi rất xấu hổ, thực sự rất xấu hổ!.
Ngày xưa văn thơ đã từng viết: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".
Người Tràng An trước đây rất thanh lịch, nói năng dịu dàng, ăn văn hóa, uống văn hóa không có chuyện uống bia xô bồ ngoài đường ngoài phố, nói to nói lớn rồi đánh nhau, đi vệ sinh không theo quy định.
Thực ra cũng bởi vì Hà Nội đang là trung tâm văn hóa chính trị của cả nước, là nơi tập hợp rất nhiều con người, rất nhiều tính cách, rất nhiều vùng miền.
Cho nên, mỗi người ở một vùng miền khác nhau sẽ đem về cả cái tốt và cả cái xấu, khi đó nó trở thành ô hợp.
Chính vì thế, phải có màng lọc, từ các văn bản quản lý, các văn bản chỉ đạo và có chế tài xử phạt, hiện nay cái khó là vì chưa có chế tài để xử lý.
Phải siết các hành vi vô văn hóa vào chế tài như các nước, phải cương quyết không nhân nhượng, không để tình trạng xe to sợ xe bé, xe ô tô sợ người đi bộ nghênh ngang ngoài đường, uống rượu bia say xỉn mượn cớ đánh nhau…
Thực ra bản thân tôi cũng đã từng gặp nhiều trường hợp gây gổ đánh nhau ngoài đường, nhưng để xử lý thì phải có nhiều cách.
Nhiều khi rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, ví dù như có vụ đánh nhau, hai người cầm dao chém nhau, thì một cá nhân không thể vào can, mà cần đến công an địa bàn.
Nói ngay như đến việc lấn chiếm vỉa hè lòng đường, tại sao các ủy ban phường biết vẫn cho tồn tại? Cứ khi nào công an đi kiểm tra trật tự thì bê vào, nhưng đi khỏi thì lại bày ra bán bình thường.
Đơn giản là bởi vì, các đơn vị chính quyền không nghiêm, bản thân công an thấy đánh nhau thì bỏ chạy, ngại đụng chạm.
Ngay đến các nhà quản lý còn có những thái độ như vậy, làm sao chê trách được các cá nhân, tổ chức khác.
PV:- Hiện tại Bộ Quy tắc ứng xử xây dựng người Thủ đô thanh lịch, văn minh đang được xây dựng. Theo ông, có phải vì thiếu bộ quy tắc ứng xử nên mới xảy ra những hành động nói trên? Ông có kỳ vọng bộ quy tắc sẽ cải thiện được ý thức của người Hà Nội?
Ông Vương Duy Bảo: - Theo tôi, không phải thiếu bộ quy tắc ứng xử mà mới xảy ra những hành vi như vậy, chúng ta đừng nên quy vào lý do đó, vì đây là hành vi ý thức của mỗi người.
Thậm chí, cũng không nên đưa vào bộ quy tắc vì sẽ máy móc, hành chính. Việc cần làm là phải cho mọi người thấy cái đẹp là của chung, của xã hội thì phải giữ gìn.
Muốn làm được thì chính quyền phải là người khởi xướng, phải giao nhiệm vụ cụ thể, cá nhân, tổ chức nào không làm tròn trách nhiệm, thì phải nghỉ việc hoặc luân chuyển công tác.
Vì thế, bản thân tôi không kì vọng bộ quy tắc ứng xử sẽ cải thiện được ý thức của người Hà Nội.
Bởi, theo quan điểm của tôi khi áp dụng cũng sẽ chỉ mang tính chất hành chính, ginng như cái nội quy. Điều quan trọng là phải giáo dục ý thức của mọi người, chứ không đưa ra quy tắc rồi bắt phải thực hiện theo.
- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ !
Châu An/ Đất Việt