Nhiều hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, cả bằng cấp, học vị... chỉ là bán thành phẩm, kể cả theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).
“Lười” - tính xấu?
Tôi và vợ hiện vẫn hò hét với con mình là “lười” là tính rất xấu. Người lười thường vô trách nhiệm, từ lười sẽ dẫn đến dối trá (kiểu như bị điểm xấu, “nhóc” bèn dấu sổ liên lạc đi). Người lười sẽ thoái thác một số bổn phận mà mỗi thành viên của gia đình, của xã hội phải làm, trong khái niệm chung là nghĩa vụ dân sự... Tính lười học, lười làm việc nhà, và cả những việc thuộc phần “người” như vệ sinh cá nhân, của con cái nhiều khi trở nỗi hổ của phụ huynh, khi nhìn sang “con nhà người ta”. Bát đĩa bắt đầu vỡ, khi một trong cha mẹ chợt nhận thấy nguồn gốc tính lười của quý tử nằm trong ADN của người kia, hoặc tệ hơn, nằm trong bà ngoại, hay trong ông nội (nói ví dụ)...
“Tính lười” hoàn toàn có thể xem như một gen di truyền đang đột biến trội. Khám phá tính lười lại luôn gây kinh ngạc. Chẳng hạn, có bậc cha mẹ nhận thấy 9X, 10X... làm gì cũng kêu mệt, nhưng để chống lại ý bố mẹ yêu cầu làm gì đó, chúng sẵn sàng gân cổ, “hét” to hơn sức lực cần thiết, để đánh răng chẳng hạn, hoặc nói trạng là đã đánh rồi.
Trẻ em Việt thường bị kết án là “lười ăn”. Cũng có đứa như vậy thực. Nhưng phần nhiều do chúng còn bé, không thể cãi được rằng đó là vì người lớn đã chẳng chịu động não, lập ra những thực đơn khoa học, thiết thực, làm sao đủ dưỡng chất mà bộ máy tiêu hóa bé con không bị mệt vì tiêu hóa những lượng thức ăn thực ra dành cho người lớn.
Về nguồn
Một số 5X, 6X như tôi cũng bắt đầu một hành trình ngược: được “nhồi sọ” từ bé là con cháu vua Hùng chung quy bản tính cần cù (Linh Lang sáng chế nhiều món ăn từ gạo), dần dà khám phá thấy những tiềm ẩn của một nền văn hóa trọng chữ “nhàn”. Sẽ là nhàm khi tiếp tục liệt kê, nào là người Việt chỉ học gạo để đỗ đạt, đạt học vị xong là thành “trí ngủ”; người Việt thích phong cách “làm ruộng ăn cơm nằm” – bơi thư dãn trong ao tù của độc canh; người Việt hay “mồm miệng đỡ chân tay”, rồi cai đầu dài người Việt thích thuê lao động “nông nhàn”: nay xây mai sụp, ngày kia lại xây... Dù người Việt thường “lanh chanh như hành không muối”, muốn “mì ăn liền” mục tiêu trước mắt, có đồng bào (chẳng hạn, học giả Vương Trí Nhàn) đã nhận thấy những câu như “nước đến chân mới nhảy”, có chứa một hàm lượng nguy hiểm của “lười” về tư duy (?).
Vấn đề là nếu lười về tư duy, dễ xảy hiệu ứng “giết kiến”. Ví dụ chân phương là vệ sinh kém, kiến kéo đến, đốt người, người giết kiến, cứ giết một con, một tín hiệu sẽ phát đi để kiến chúa đẻ thêm một con... Càng lười, khối lượng công việc mình đang trì hoãn dễ tự đẻ số ra, nhân lên, như một thứ hình phạt.
An ủi
Một nhà Việt Nam học người Nga nhiều năm trước làm Giám đốc trung tâm văn hóa Nga động viên tôi: trong văn hóa Nga cũng có “cu thộn” Ivan, vừa bẩn vừa lười, nhưng vẫn lấy được công chúa (một khảo dị “đại lãn chờ sung của Nga). Sách kinh điển Nga viết: (nhiều) người Nga tin rằng rồi đức Seraphima sẽ tha thứ cho họ về tính lười nhác, tệ hay say xỉn, tính thỉnh thoảng ăn bớt (nguyên văn: trộm cắp vặt), dối trá chuyện vặt vãnh (chẳng hạn về chuyện “ăn phở thay cơm”...).
Các bạn Nga cũng nhắc lại một phim Liên Xô từng chiếu ở Hà Nội (Ty mne – Ja tebe, phê phán hiện tượng thông đồng với nhau để biển thủ tài sản công), cho rằng nếu cứ kéo dài mãi một bất công trong hệ thống mà Việt Nam gọi là “thằng còng làm, thằng ngay ăn), thì người lao động cũng chẳng thể “chăm” mãi...
Chuyện nước Nhật thì khích lệ hơn. Một người Nhật quá ngán vì hàng sáng phải gấp chăn màn, đã nghĩ ra một cái giường tự cuốn chăn nệm, biến thành cái tủ đứng cho gọn, trên hòn đảo đất đai hẹp. Tình hình ô nhiễm và nhân công làm vệ sinh đắt đỏ khiến một “chàng lười” người Nhật khác sáng chế ra một thứ... “ống nhổ” di động. Nó lẩn quẩn bên anh và sẵn sàng chạy tới, hứng kịp mọi thứ bất thình lình rơi từ trên không (!), kể cả giấy kẹo, mẩu thuốc lá...
Lười - động lực cho... tiến bộ?
Muốn hy vọng rằng cái tính lười của người Việt, nếu có, sẽ không trường tồn ở thể “lười tư duy”. Ngược lại, xin kính mong (cải cách) giáo dục rồi sẽ giúp tiến trình tư duy (course of thinking) của lớp trẻ trở lại thành mạch lạc, có hệ thống, không “đi tắt đón đầu”, không “xây nhà từ nóc” (chữ dùng của HLV A. Riedle), do vắng phương pháp luận, thiếu logic... Khi đó, “lười” sẽ là động lực cho... tiến bộ (лень - двигатель прогресса) ), giúp quá trình từ “gạo đến rô bốt” trở thành đường dẫn hợp luật vào xa lộ của nền kinh tế tri thức.
Hiện thời, Việt Nam vẫn đứng vào hàng xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, đồng thời chất lượng gạo Việt Nam không thuộc loại cao. Nhiều hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, cả bằng cấp, học vị... chỉ là bán thành phẩm, kể cả theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Chuyện xuất khẩu hoặc sản xuất rô bốt cho nhu cầu nội địa, chẳng hạn ô sin - người máy, nếu giáo dục hạ cố “cải cách”, chắc sẽ không phải chờ đến “mùa quýt”.
Theo Khám phá.