“Người Việt Nam thật là đạo đức giả. Họ than phiền và tức giận về những gì đang xảy ra với những con cá nhưng chính họ lại đang phá hoại đất nước của họ”, một người nước ngoài nhận xét.
Dịp lễ 30/4 và 1/5, nhiều điểm du lịch trong nước đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Không chỉ chịu cảnh quá tải, nhiều nơi du khách khi đi tham quan, mua sắm, ăn uống thiếu ý thức đã xả rác bừa bãi, tràn lan. Kết thúc kỳ nghỉ, hình ảnh đọng lại tại các địa điểm du lịch là rác và rác.
Đặc biệt là tại các khu du lịch biển như bãi biển Quất Lâm (Nam Định), bãi biển Hải Tiến (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa), bãi biển Cồn Vành (Thái Bình), Khu vực tắm biển tại xã đảo Tam Hiệp, huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam....du khách thản nhiên xả rác vô tư trên bờ biển.
Hình ảnh chụp tại Cồn Vành, Thái Bình (Ảnh: Nguyễn Thị Hiền).
Trong khi vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiện tượng ô nhiễm môi trường biển thì hình ảnh xả rác bừa bãi càng khiến nhiều người bức xúc.
Trần Hùng John, chàng Việt kiều Mỹ cảm thấy buồn và xấu hổ khi nhìn những hình ảnh mà bạn bè quốc tế đăng trên nhiều diễn đàn khác nhau về việc xả rác của người Việt. Người nước ngoài cho rằng người Việt đạo đức giả vì vừa than phiền tức giận về những gì xảy ra với những con cá thì chính họ lại đang phá hoại đất nước bằng cách xả rác bừa bãi.
Trong kỳ nghỉ vừa rồi ở Việt Nam, Hùng còn tận tai nghe thấy một người bố nói với con nhỏ của anh ta là "cứ vứt rác xuống đường đi".
Bờ biển dài trải đầy rác (ảnh zing) |
Khu vực tắm biển tại xã đảo Tam Hiệp, huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam cũng rơi vào tình trạng ngập ngụa rác (Ảnh: Thiên Sơn). |
Hùng John chia sẻ:
“Trong khi cả nước đang tranh luận về vụ cá chết ở miền Trung, tôi muốn được nhắc mọi người nhớ rằng chính con người Việt Nam chúng ta vẫn là thủ phạm lớn nhất đang phá huỷ đất nước. Thật buồn nhưng đúng là như thế. Đã đi dọc Việt Nam hai lần, số lượng rác và mức ô nhiễm mà tôi nhìn thấy làm tôi rất buồn và giận. Vứt rác bừa bãi quá nhiều, sông và suối bị nhiễm bẩn, đốt rác và các nguyên liệu khác bừa bãi... còn nhiều nhiều việc như thế. Một đất nước xinh đẹp đang bị làm ô nhiễm bởi chính con người của nó.
Chắc chắn sẽ có nhiều tranh luận ví dụ như Việt Nam vẫn đang phát triển, hoặc cơ sở hạ tầng còn kém nhưng tất cả những điều đó chỉ là nguỵ biện cho một thực tế đơn giản là không có nhiều người ở đây quan tâm đến môi trường, hoặc không đủ quan tâm để hành động. Và sẽ chẳng có gì thay đổi, thậm chí cả sau sự cố về cá này”.
“Tôi đoán là một vài người sẽ cảm thấy bị xúc phạm nhưng đây là một sự thật rất thật. Trước khi Việt Nam cần được cứu khỏi bất cứ thế lực bên ngoài nào, thì Việt Nam cần phải tự cứu khỏi mình trước”, Hùng John nói.
Ở đâu có bóng dáng khách du lịch, ở đó có rác (nguồn ảnh phượt) |
Rất nhiều độc giả khác cũng bày tỏ sự bức xúc với hành động xấu xí, thiếu ý thức của người Việt khi đi du lịch.
“Lối sống ăn đâu xả đấy, vô văn hóa ...lớp người này không được dạy dỗ giáo dục nên coi thường mọi quy định vì cộng đồng, đến nay cũng chưa phải đã muộn chúng ta cần giáo dục lớp trẻ từ khi còn nhỏ ở cả gia đình, nhà trường, xã hội mới mong có tương lai không còn người xả rác nơi công cộng”, một độc giả bày tỏ.
“Dân mình ý thức kém! Đó là thực tế. Cần phải phạt nặng bằng tiền và lao động công ích! Bắt dọn sạch chỗ rác anh vừa vất và chỗ khác nữa, nếu có do không bắt được!" Sau đó nêu đích danh, nơi làm việc, ảnh (tùy trường hợp), đặc biệt những người viên chức, người có học thức, tuổi đời từ 18 - 55. Chỉ có thế đất nước này mới sạch đẹp!”, một độc giả khác tiếp lời.
K. Minh