Khạc nhổ, vứt rác, trễ giờ, nói to, chen lấn, lấy thừa thức ăn, trộm vặt, thích "cầm nhầm"… là những tật xấu của một số khách Việt khi đi du lịch nước ngoài qua lời kể hướng dẫn viên.
Là giám đốc của một công ty du lịch đồng thời là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề hướng dẫn viên du lịch, chị Nguyễn Hải Anh (Đống Đa) cho rằng không phải cứ đi ra nước ngoài người Việt chúng ta mới bộc lộ thói xấu mà đó là những thói quen từ lâu đã hình thành trong cuộc sống thường ngày.
Du khách Việt là ồn ào chỗ đông người
Theo chị Hải Anh, thói xấu phổ biến nhất của du khách Việt là ồn ào chỗ đông người. Bất cứ chỗ nào, từ những nơi công cộng, đền chùa, nhà hàng, khách sạn cũng có thể đứng tụm 3, tụm 5 nói chuyện.
“Tôi đưa khách đi du lịch nước ngoài, khoảng 10 chuyến thì có đến 6 chuyến bị khách sạn, nhà hàng nhắc nhở về chuyện du khách Việt mình nói to quá. Trong một nhà hàng ăn uống đang rất im lặng nhưng hễ có người Việt Nam vào là ồn ào được ngay. Ngồi được một lúc thì “123 dô… 123 uống”. Sau đó do say quá, họ đã nôn ra phòng be bét. Sáng dậy, họ thay quần áo vì bết, trả phòng và không để lại đồng típ nào cho người dọn phòng”, chị Hải Anh cho biết.
Khách Việt nói chuyện ồn ào không chỉ khiến người dân sở tại mất thiện cảm mà còn gây phiền hà cho chính những hướng dẫn viên địa phương.
“Khi sang nước bản địa sẽ có hướng dẫn viên địa phương người nước ngoài giới thiệu về các chương trình tham quan, các nét văn hóa, lịch sử… nhưng trong lúc hướng dẫn viên giới thiệu thì chẳng ai nghe vì còn mải nói chuyện riêng, số khác thì nhìn ra cửa sổ, chụp ảnh, ngó nghiêng. Hướng dẫn nói cứ nói còn khách muốn nghe được câu nào thì nghe”, chị Hải Anh ngán ngẩm.
Anh Thanh Tuấn, hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành tại Hà Nội, thường xuyên đưa đoàn khách xuất ngoại. Anh cho rằng cái xấu của du khách Việt khiến anh vô cùng xấu hổ là nếp sinh hoạt. Từ tác phong đi lại, đến cái ăn, vệ sinh hàng ngày…
Một thói quen xấu cũng được chị Hải Anh nhắc đên là thói quen lấy thức ăn thừa thãi, “Thông thường khi khách đi du lịch theo tour, khách thường có các bữa ăn buffet vào buổi sáng. Thay vì ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu thì hầu như khách du lịch lấy đầy ắp cả bàn, không ăn cũng phải lấy cho hết, lấy cho chồng, cho con, cho bố mẹ…thật lãng phí”.
Anh Tuấn kể: “Ở Phương Tây, người ta ăn vừa phải nhất là ăn buffet. Họ chỉ lấy vừa ăn còn người Việt mình thì lấy đầy ụ cả lên, có khi không ăn hết đã bỏ đó, đi lấy đồ ăn khác. Nhiều người Việt cho rằng phải thừa bứa, ăn phải thừa, đổ đi mới là sang, là văn minh. Có lẽ đây là do tâm lý “no trong bụng, đói con mắt”
Oang oang gọi điện nơi công cộng, nói năng tục tĩu
Ngoài ra khách mình khi sang nước ngoài thường ồn ào đến khó chịu. Họ oang oang gọi điện nơi công cộng, nói năng tục tĩu, vô tư chạy nhảy, nói cười to tiếng mọi lúc, mọi nơi cứ như một mình trên đường, thang máy, trên xe buýt… làm ảnh hưởng tới người xung quanh.
Đặc biệt khi chờ lấy phòng tại các khách sạn, sảnh lễ tân du khách tranh nhau nói và tranh nhau lấy phòng.
Ấy là còn chưa kể việc đi tắm biển về chân còn đầy cát vẫn lao vào phòng khiến cho cầu thang, thang máy, sảnh toàn cát. Khăn tắm thì mang lau chân, khạc nhỏ vô tội vạ trong phòng khách sạn…
Hơn thế, nhiều du khách còn túm tụm đánh bài, ăn đồ ăn, hút thuốc và vứt rác khắp mọi nơi. Giấy, nilon lót ngồi, chai nước uống dở, ống hút, vỏ bánh, que xiên thịt, hộp xốp…Mặc dù hướng dẫn viên đã nhắc nhở liên tục nhưng họ tỏ ra thờ ơ, không chấp hành.
“Nhiều người Việt còn thản nhiên cho con tè bậy giữa phố mà không biết rằng đang “dạy” trẻ nảy sinh thói vô kỷ luật, sống tùy tiện, hủy hoại môi trường sống cho trẻ. Hay như trong khách sạn, tôi từng chứng kiến nhiều bậc cha mẹ cho con ị ra bỉm rồi để đấy cho người dọn phòng dọn dẹp mà không một lời cảm ơn hay tip cho họ”.
H. Thúy