Dường như, việc dè bỉu hay buông lời khiếm nhã về nhan sắc phụ nữ đã trở thành một thói xấu khó bỏ của rất nhiều đàn ông Việt.

Và cũng chính thói xấu này đã khiến nhiều người đàn ông, dù ở vị trí nào trong xã hội, cũng trở nên thấp kém và xấu xí đi.

 

Thói xấu khó bỏ của đàn ông Việt - 0

 

Mạng xã hội đang dậy sóng sau cuộc đăng quang của Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê, không phải vì chuyện cô có xứng đáng với vương miện hay không, mà bởi bài viết của một nam nhà báo về nhan sắc hoa hậu.

Thói xấu khó bỏ của đàn ông Việt - 1

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017: H’Hen Niê

Công tâm mà nói, chuyện hoa hậu, người của công chúng, bị công chúng bình phẩm về nhan sắc là điều bình thường.

Chỉ có điều, trong bài viết của mình, người đàn ông này đã dùng hình ảnh hết sức phản cảm để ví von với ngoại hình H’Hen Niê:

Đầu tiên là ví von nước da của cô gái với… bộ phận sinh dục nam, và thứ 2 là một so sánh rất ác ý khi viết “không cần đuôi có thể vào rừng đàng hoàng hú mà không bị kiện bản quyền”. 

Điều đáng nói là không ít cánh đàn ông đã vào bài viết nói trên để bình luận tung hô với những ngôn ngữ đầy khiếm nhã.

Có người bảo, có cho không cũng không dám “lên giường” với hoa hậu, nhiều người đàn ông khác còn cho rằng, không nên so sánh làn da ấy với bộ phận nam giới vì nó còn… xấu hơn.

Nghĩa là, đủ lời thô tục về nhan sắc một người phụ nữ mà họ không hề quen biết và không đắc tội gì với họ.

Thói xấu khó bỏ của đàn ông Việt - 2

Trong cuộc sống hàng ngày, người ta có thể dễ dàng gặp những người đàn ông trong buổi café, trà dư tửu hậu lấy thân thể, ngoại hình những người phụ nữ quen hoặc không quen ra để bình phẩm, chế giễu, để cười hố hố với nhau, chỉ để “sướng mồm”.

Trên mạng xã hội, cũng không khó để bắt gặp những bài viết, những dòng bình luận về ngoại hình một người phụ nữ nào đó với những lời lẽ không mấy văn hoá.

Cách đây hơn một tháng, một doanh nhân nam, trong một cuộc khẩu chiến với một nữ doanh nhân khác trên mạng xã hội, đã viết một status đại ý bỉ bai ngoại hình nữ doanh nhân kia.

Và rồi hàng loạt bình luận của bạn bè nam doanh nhân vào, tát nước theo mưa, thậm chí có không ít bình luận cợt nhả rằng để chấm dứt khẩu chiến, nam doanh nhân nên đưa nữ doanh nhân kia… lên giường để làm hoà.

Còn nhớ, cách đây hơn một năm, một nữ nhà văn đã quyết định “từ mặt” một nhóm nam bạn thân của mình khi chia sẻ bộ những tin nhắn mà các bạn mình nhắn cho nhau, trong đó có những lời đùa cợt về ngoại hình của cô, tưởng tượng về khả năng tình dục, cũng như đem chuyện cô làm mẹ đơn thân ra để làm trò cười.

Nữ nhà văn ấy đã rất sốc và tổn thương, khi ngay cả những người mà cô tin tưởng, coi là bạn, những người có vị trí nhất định trong xã hội, lại cũng không khác những gã đàn ông khả ố, đem phụ nữ ra để làm mồi cho những câu chuyện khiếm nhã đầu môi.

Nhiều người nghĩ rằng thói quen cố hữu ấy bắt nguồn từ tâm lý trọng đẹp khinh xấu, coi trọng ngoại hình của một bộ phận đàn ông. Nhưng thực ra, gốc rễ sâu xa của những hành vi ấy, đều là tâm lý thiếu tôn trọng phụ nữ.

Dành những từ ngữ khiếm nhã, thậm chí dùng lời chà đạp người phụ nữ xuống, đó là cách của nhiều người đàn ông Việt giải toả ẩn ức về sự thấp kém của chính bản thân mình, thông qua hành động đó, những gã “AQ” ấy tự coi là mình đã đứng cao hơn những người phụ nữ, trong đó có những người mà chắc chắn họ không tài nào với tới được.

Rất nhiều phụ nữ Việt chọn lấy chồng Tây hoặc các nước văn minh khác, không phải vì miếng cơm manh áo, mà họ chia sẻ, là vì để nhận được sự tôn trọng và trân trọng, điều mà họ khó tìm thấy ở nhiều người đàn ông chung quanh mình.

Một khi nói về phụ nữ bằng thái độ thiếu văn hoá, thô lỗ thì khó lòng mà có thể mong đợi những người đàn ông ấy đối xử thực sự tôn trọng với người bạn đời hay những người phụ nữ khác.

Ngọc Mai - Pháp Luật - PLO.VN

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC