Tâm lý lười biếng, thích ngồi chờ ăn sẵn, thích hưởng thụ nếu không thay đổi sẽ bị tụt hậu, không được tuyển dụng.
LTS: Hình ảnh người Việt Nam đang dần trở nên xấu xí trong con mắt người nước ngoài. Tại các siêu thị Nhật họ phải cảnh báo thói ăn cắp vặt; nhà hàng buffet Thái cảnh báo thói lãng phí đồ ăn, người Hà Lan hoảng sợ khi tặng áo mưa...
Nêu quan điểm về vấn đề này, nhà giáo Văn Như Cương cho rằng tất cả những thói hư, tật xấu của người Việt đều bắt nguồn từ "bệnh lười" mà nên.Báo Đất Việt xin đăng tải bài viết thể hiện góc nhìn riêng của ông.
Để liệt kê những thói hư tật xấu của người Việt thì nhiều vô kể, nhưng tôi cho rằng căn bệnh lười là tật xấu điển hình của nhiều người Việt khiến cả trong nước và đối tác nước ngoài nhiều đều phải phàn nàn.
Sự lười biếng thể hiện rõ nhất trong công việc, ngay từ tác phong chậm chạp, thủng thẳng, cho tới phong cách làm việc dễ dãi, qua loa, làm nhanh chóng, làm cho xong việc, đi làm chỉ chờ đợi hết giờ để lĩnh lương.
Sự lười biếng nhìn thấy từ những công việc đơn giản như bốc vác, thợ hồ… cho tới những công việc phức tạp hơn như công nhân, kỹ sư, trí thức. Sự lười biếng tồn tại ở cả khu vực tư nhân cho tới khu vực nhà nước như làm công chức, lãnh đạo...
Nó làm con người ngày càng lười biếng, không năng động, không sáng tạo, không tạo ra được năng suất lao động cao.Ở đâu cũng có thể bắt gặp những hình ảnh công sở thì đi muộn về sớm, đến cơ quan thì tám chuyện “tào lao xích đế”, đọc báo, làm việc qua loa. Trong doanh nghiệp thì ăn thật làm dối, chỉ chờ DN sơ hở là ăn cắp, ăn trộm…
Nếu nhìn vào nguyên nhân, người ta hay đổ lỗi cho cơ chế thị trường, đổ lỗi cho chính sách, môi trường... nhưng theo tôi lỗi là ở con người.
Tất nhiên, tôi không phủ nhận Việt Nam vừa trải qua giai đoạn chuyển mình, đi từ thời kỳ bao cấp sang cơ chế thị trường. Điều này ít nhiều cũng tác động tới môi trường, tính cách người Việt Nam.
Trong giai đoạn chuyển giao, sự giao thoa giữa cái xấu và cái tốt càng mong manh hơn, cái tốt dần bị lấn át, cái xấu được đà lên ngôi. Thay vì trước đây được hưởng sự bao cấp, thì nay người dân phải tự bươn trải, kiếm sống. Thay vì có người lo thì nay họ phải tự lo, tự trang trải.
Khi con người phải chạy đua vì đồng tiền thì mọi giá trị đạo đức cũng có thể bị đảo lộn, mai một.
Từ một người nông dân chân chất, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nay họ cũng biết buôn gian, bán lậu, làm đồ giả, đồ nhái, thịt thối, hoa quả bẩn... để tuồn ra thị trường nhằm mục đích kiếm lợi.
Rồi cơ chế chính sách không minh bạch, rõ ràng, không khách quan, công bằng... người đông, việc ít. Cơ quan nhà nước thì tuyển dụng tràn nan, một phòng làm việc có khoảng vài nhân viên nhưng có tới 4-5 chức lãnh đạo. Người làm không có, người hưởng lương thì nhiều. Từ tuyển dụng bất hợp lý, phân bố vị trí công việc sai, người đông, lương ít rồi lại đi than phiền tại sao lương Việt Nam có một đồng, lương Singgapore những 15 đồng.
Đúng là nghịch lý, người Việt làm thì lười nhưng lại thích lương cao. Thấy lương nước bạn cao gấp 15 lần mình thì không hài lòng, ấm ức nhưng lại không biết phải làm sao để giảm được nhân sự, tăng năng suất lao động, tăng tiền lương được hưởng. Loanh quanh mãi, giảm đâu cũng gặp người quen, con ông cháu cha, cuối cùng “chứng nào vẫn tật ấy”, không thay đổi được.
Tôi cho rằng, căn bệnh xấu xí này nếu không được thay đổi, sẽ kéo theo sự tụt hậu của cả xã hội. Chính tâm lý chỉ thích ngồi chờ ăn sẵn, thích hưởng thụ là nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng người Việt đang hài lòng với việc chỉ đi làm thuê, gia công, thích ăn sẵn.
Từ căn bệnh lười biếng lại sinh ra những thói xấu khác như ăn cắp vặt. Coi ăn cắp như một cách đề bù đắp lại đồng lương, tăng thêm thu nhập. Nếu cách đây khoảng 20 năm về trước, ấn tượng về người Việt trong mắt bạn bè quốc tế luôn là hiền lành, chăm chỉ, cần cù, chịu khó… nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, ấn tượng về người Việt là ăn cắp vặt, lười biếng, thích khoe mẽ và tiêu hoang…
Có rất nhiều nước từ Nhật Bản, Singapore, Thái Lan đều dè chừng, thậm chí còn căng biển cánh giác người Việt ăn trộm, có nhiều nhà hàng còn không muốn bán cho người Việt.
Tôi xin kể lại câu chuyện trong xưởng sản xuất đồ lót cho phụ nữ của DN nước ngoài. DN này tuyển rất nhiều lao động nữ của Việt Nam. Sau khoảng vài tháng làm việc, quản lý doanh nghiệp phát hiện doanh số sản phẩm ngày nào cũng bị hụt trong khi năng suất lao động vẫn báo tăng. Qua một thời gian dài theo dõi nhưng không giải thích được nguyên nhân, cuối cùng DN này quyết định gắn camera theo dõi ở phòng thay đồ của công nhân.
Thật bất ngờ, khi theo dõi họ phát hiện toàn bộ công nhân Việt khi đi làm không mặc quần lót nhưng khi về thì ai cũng có quần lót để mặc. Tôi thấy thật lạ kỳ, vì họ không biết xấu hổ mà hình như còn rất hả hê với cách thức ăn cắp tinh vi, đẳng cấp.
Họ không biết rằng, người nước ngoài cũng như DN nước ngoài họ vô cùng ghét thói hư tật xấu này. Sau vụ việc, tôi được biết có rất nhiều DN nước ngoài đã truyền tai nhau cách thức cảnh giác công nhân Việt ăn trộm.
Không chỉ lười biếng, ăn cắp vặt, tôi còn được biết người Việt nổi tiếng với thói tiêu hoang, sĩ diện hão.
Một ông chồng lương ba cọc ba đồng, cả tháng chả đưa cho vợ được đồng nào, cũng không quan tâm vợ con có gì để ăn không nhưng vẫn phải đi uống bia, rượu, ăn nhậu, tán phét với bạn bè, thích thể hiện mình, thích mình được nổi đình, nổi đám.
Cứ nhìn tỉ lệ uống bia của Việt Nam là biết, không nổi tiếng vì giỏi, giàu nhưng nổi tiếng vì uống bia nhiều nhất khu vực. Ở nước ngoài người ta uống bia để giải khát, còn Việt Nam uống bia để thể hiện. Uống bia còn là cái cớ để được tụ tập, chém gió, khoe mẽ.
Vì thế, tôi mới nói rằng muốn cải thiện được hình ảnh của người Việt đầu tiên phải sửa được tính lười biếng. Chỉ khi làm việc có suy nghĩ, chăm chỉ, năng suất cao sẽ là nhân tố quyết định những yếu tố khác. Ví dụ, muốn làm việc tốt thì phải có sức khỏe, muốn năng suất cao, thu nhập cao phải chịu khó như vậy sẽ không còn thời gian để họ ăn nhậu, chơi bời.
Tóm lại, bệnh lười biếng là nguyên nhân chi phối, sinh ra nhiều tật xấu khác. Mà khi hội nhập, lao động nước ngoài sẽ tràn vào, nếu lao động trong nước vẫn giữ thói quen lười biếng, ăn cắp, ăn trộm… tôi e là ngay cả làm thuê cũng không được chọn.
Lam Lam (ghi)