Hầu hết người Nhật đọc sách vì đam mê, đọc vì thích thì một số người Việt lại đọc vì buồn quá không biết làm gì thì đọc.
Lười đọc sách thành "đặc sản"
Thống kê của thư viện một trường tiểu học thuộc thành phố Nago - tỉnh Okianawa (Nhật) cho thấy, trung bình, một học sinh tiểu học Nhật đọc gần 20 quyền sách/tháng. Thống kê cũng cho biết, các đầu sách phù hợp với các cấp lớp và phân loại theo từng lĩnh vực khác nhau.
Từ tìm hiểu thế giới khủng long, yêu quái cho đến sách khoa học, tìm hiểu đời sống cây cỏ, vật nuôi, lịch sử đất nước, câu đố mẹo, thuật dọn dẹp.
Nhìn vào con số thống kê, PGS.TS Thành Phần - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á không khỏi chạnh lòng khi ngẫm về tỷ lệ đọc sách của người Việt.
Thống kê mới đây cho biết, người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách hiếm tới 26%. Tỷ lệ người thỉnh thoảng mới đọc sách chiếm 44%, người đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8 - 10 % dân số.
Hiện tại, người Việt đọc trung bình 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác.
Như vậy, chỉ với một phép tính đơn giản, ta có thể thấy được số lượng sách mà học sinh cấp 1 của Nhật Bản đọc trong 1 tháng đã gấp 5 lần số sách mà người Việt đọc trong vòng 1 năm.
Ông cho rằng người Nhật hay người Việt khi sinh ra bản tính là như nhau, về bản chất không phải người Nhật chăm hơn hay người Việt lười hơn, người Nhật thích đọc sách hơn hay người Việt lười đọc sách hơn, ở đây là thói quen.
"Tôi từng có thời gian sống ở Pháp, tôi đã sống trong một gia đình người Pháp và thấy rất rõ sự khác biệt trong cách thức giáo dục của người Pháp với người Việt.
Đầu tiên là việc con cái khóc đòi nhưng không bao giờ được bố, mẹ dỗ, nịnh, đáp ứng yêu cầu ngay. Mới đây, là trường hợp của cô người Nhật có dẫn theo con gái khoảng 2 tuổi tới thăm gia đình tôi.
Trong suốt đoạn đường đi khoảng gần 1km, tuyệt nhiên không thấy người mẹ bồng bế đứa bé dù bé đòi hỏi, yêu cầu.
Thái độ của người mẹ Nhật là kiên quyết, dứt khoát - Con phải tự đi. Mẹ sẽ ngồi lại cùng con khi con mệt và bước tiếp khi con sẵn sàng, nhưng tuyệt đối không bế con đi.
Đó chính là cách giáo dục con cái của người Nhật, là cách tạo thói quen phải bước đi cho con cái", ông nói.
Thói quen đó được hình thành từ môi trường sống, từ môi trường giáo dục, giáo dục từ nhà trường, giáo dục trong gia đình. Ông đặt câu hỏi, tại sao trong xã hội năng động, hiện đại ngày nay Nhật Bản cũng như các nước trên thế giới luôn giữ được thói quen đọc sách, đọc vì đam mê, đọc vì thích?
PGS Thành Phần thừa nhận, đó là câu hỏi khó nhưng không khó lý giải.
Theo ông, sự tác động của môi trường công nghệ thông tin hiện đại cũng chính là một lý do.
"Việt Nam hiện đang là nước có nhiều kênh truyền hình nhất thế giới, đủ các kênh rất phong phú từ giải trí, đời sống cho tới thời sự, chính trị..., bất kỳ thông tin gì cũng có thể tìm thấy trên tivi.
Tiếp đến là internet, các trung tâm, quán xá quá phổ biến. Đếm nhanh trên một tuyến phố cũng có thể thấy vài ba tiệm game, quán chát, khi công nghệ quá tiện lợi thì con người cũng sinh lười biếng, ham vui. Từ trẻ em tới người trung niên, có thời gian là vào quán nét, rảnh là lao vào chơi.
Tiếp nữa là điện thoại, smartphone. Hầu hết bố mẹ Việt nào cũng sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại, có người một chiếc điện thoại, có người tới 2-3 ba chiếc kèm thêm một chiếc ipad. Ở Việt Nam không khó bắt gặp một đứa trẻ 2 tuổi chỉ vừa bập bẹ học nói nhưng đã sử dụng thành thạo smartphone hay ipad.
Thậm chí có những đứa trẻ vài ba tuổi đã được bố mẹ sắm cho điện thoại riêng. Mục đích là để con chơi, dụ con ăn, để không quấy khóc, không làm phiền bố mẹ... Từ tư duy, cách làm của người lớn dễ dàng hình thành nên thói quen cho một đứa trẻ.
Từ thói quen lâu dần thành nghiện và khi đã nghiện thì ham, không dứt được ra, như vậy đương nhiên là không thể có thời gian để đọc sách", vị PGS diễn giải.
Nguyên nhân thứ hai, theo ông là môi trường giáo dục. Ngay trong nhà trường học sinh không được giáo dục, không được định hướng về tinh thần đọc sách, rồi tới trong gia đình cũng vậy.
"Trẻ em Nhật ham đọc sách hơn người Việt vì ngay từ nhỏ bố mẹ chúng đã tạo cho chúng một thói quen đọc sách. Bằng cách, đọc sách cho con nghe mỗi tối, đọc sách cho con nghe trước khi đi ngủ. Ở đây là bố mẹ đã tạo cho con cái một thói quen được tiếp nhận thông tin đầu tiên từ sách chứ không phải từ tivi hay điện thoại", vị PGS nói. Vì thế, theo ông, không khó bắt gặp người Nhật ngoài đường phố, trên xe buýt hay tàu điện ngầm, bất cứ đâu, bất cứ khi nào ra đường là cầm sách. Họ đọc sách ở bất cứ đâu có thể, họ đọc mọi lúc, mọi nơi, đọc trong lúc rảnh, đọc trong lúc chờ đợi... Cách họ đọc sách là đọc theo tên tác giả, đọc theo phân loại sách, họ đọc có kế hoạch rất cụ thể, chứ không đọc tràn lan, thích gì là đọc như người Việt Nam.
Người Nhật đọc sách không chỉ ở nước họ mà ngay cả khi đến nước khác họ vẫn đọc. Ông cho biết, ông có người bạn Nhật, khi sang Việt Nam việc đầu tiên ông ấy làm là đi tìm mua sách. Ông tìm các loại sách ông thích, ông đọc bằng hết, đọc xong ông tặng lại bạn bè, ông mang về nước tặng cho thư viện làm tài liệu cho nhiều người khác cùng đọc.
Đáng tiếc, hình ảnh này gần như xa lạ, vắng bóng hoàn toàn đối với giới trẻ Việt Nam, ngay cả với người lớn cũng vậy.
"Thỉnh thoảng tôi cũng có bắt gặp một vài trường hợp đọc sách trên xe buýt nhưng đó là hình ảnh rất hiếm hoi.
Số này có thể có những người thích đọc sách thật sự, song theo tôi, người Việt đọc sách không giống với cách đọc sách của người Nhật. Họ đọc vì đam mê, vì muốn khám phá, muốn tìm hiểu còn người Việt đọc để giải trí, đọc vì buồn quá không biết làm gì thì đọc. Đọc chỉ để giết thời gian nhiều hơn là đọc để thưởng thức quyển sách đó hay hay dở", vị PGS chia sẻ.
Ông cũng cho biết, số người hiếm hoi đọc sách ở Việt Nam thuộc nhóm người làm nghiên cứu là phổ biến. Họ đọc vì bắt buộc, đọc để phục vụ công việc và mục đích của mình. Nhóm sách được tìm đọc nhiều nhất có lẽ cũng chỉ có ngôn tình, tác phẩm văn học và sách phục vụ nghiên cứu.
Ham tiền, ham danh
PGS.TS Thành Phần - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á cũng chỉ ra một thực tế khác, đáng buồn tại Việt Nam, đó là thói quen lười biếng nhưng lại ham giàu.
Thói quen xấu này đang ăn mòn tâm trí của giới trẻ. Xu hướng dễ thấy với giới trẻ hiện nay là luôn tìm kiếm những cuốn sách dạy làm giàu để đọc. Nhưng đọc không phải vì tìm hiểu, đọc vì say mê, đọc để học hỏi, mà đọc vì tư duy ăn xổi, đọc vì thích tiền, muốn không làm nhưng vẫn có thật nhiều tiền.
"Nhiều bạn trẻ Việt vừa ra trường đã mong muốn có được thật nhiều tiền.
Có bạn nghĩ rằng, chỉ cần đọc sách làm giàu là sẽ giàu được ngay, sẽ kiếm được nhiều tiền ngay vì thế mà đọc sách chứ không phải đọc vì thích, không đọc vì tình yêu với sách. Suy nghĩ này khác với người Nhật, cũng khác với nhiều nước khác trên thế giới.
Họ đọc sách dạy làm giàu là để nuôi dưỡng kiến thức, nuôi dưỡng tiềm năng để làm giàu. Tức là đồng tiền đặt sau kiến thức chứ không đi ngược như người Việt", ông cho biết.
Vì thế, ông cho rằng, khi thói quen đã ăn vào máu, sự lười biếng, ham vui, thích thể hiện thành phổ biến thì việc hướng tới một thói quen mới, tốt đẹp hơn, tích cực hơn là vô cùng khó khăn và đòi hỏi sự đồng nhất từ toàn xã hội.
Lười đọc sách nhưng thích phô trương
Đáng buồn, ông lại chỉ ra một thực tế khác là dù lười đọc sách nhưng người Việt lại luôn dẫn đầu về thói quen ăn, nhậu, bia, rượu, tám chuyện gẫu.
Một thông tin mạng xã hội Facebook mới công bố, 30 triệu người Việt lướt Facebook mỗi tháng và trung bình dùng 2,5 giờ mỗi ngày. Trong số đó, những người ở độ tuổi 18-34 chiếm 3/4. Nếu tính lại, nếu người ta chỉ dành một phần nhỏ của thời gian lướt Facebook đó, một lượng sách khổng lồ đã được sống với đúng thiên chức của nó hơn là phải vứt xó hay bán cân.
Một con số khác cũ hơn, mỗi năm một người đọc chưa đến 1 cuốn sách nhưng cả nước chi đến 3 tỉ USD tiền mua bia, chưa tính rượu.
Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ ba châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc, mức tiêu thụ trung bình một năm của nam giới là 27,4 lít, gấp hơn 4 lần mức trung bình toàn cầu.
"Ham rượu bia, thích chém gió là "biểu tượng", lười đọc sách là "đặc sản" của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Từ công sở hành chính, công ty tư nhân cho tới sinh viên, học sinh đang bỏ thời gian vào ăn, nhậu quá nhiều. Nam cứ rảnh là rủ nhau đi bia rượu.
Phụ nữ thì cafe, quán xá, làm đẹp, tám chuyện. Đó là thói quen được hình thành từ nông thôn cho tới thành thị". Lý giải cho hiện tượng trên, ông cho biết, ăn nhậu, chém gió, lướt web là vì căn bệnh thích thể hiện mình, thích phô trương. Đọc sách không thể hiện được mình, không ai biết đến mình, chỉ ăn nhậu, chém gió mới có cơ hội được nói về mình, thể hiện mình, khoe mẽ về mình, ông nói.
Cao hơn nữa, lại có người Việt chọn cách làm nổi tên tuổi mình bằng cách làm thơ.
"Tôi có người bạn thích thể hiện mình là nhà thơ, thích được gọi là nhà thơ cho sang. Làm thơ nhiều, tự bỏ tiền in thơ rồi tặng bạn bè nhưng không biết thế nào là thơ ca đích thực, hoàn toàn xa lạ với triết học". Ông cho biết, họ làm như vậy vì thấy bạn bè, gia đình, xã hội không ai tôn trọng mình nên làm thơ để lâu lâu mời bạn bè đi ăn, nhậu rồi đọc vài câu thơ để hãnh diện về mình.
"Làm thơ để bạn bè "lác mắt chơi"", vị PGS chia sẻ.
Sự nghèo nàn thuần túy về tinh thần như ở Việt Nam khiến vị chuyên gia thật sự lo lắng. Ông cho biết, hiện tượng của Việt Nam đúng là hiếm hoi, thế giới gần như không thấy có.
"Ngay cả Lào, Campuchia nghèo hơn mình họ cũng không thể hiện như vậy. Việt Nam là một đất nước "đặc thù" quá đi", ông chia sẻ.
Lam Lam/ Baodatviet.